Trường đại học “dài cổ” đợi thí sinh

02/09/2015 10:39

Chỉ còn 1 tuần nữa là kết thúc xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2, nhiều trường ĐH có chỉ tiêu xét tuyển lên tới hàng nghìn nhưng chỉ mới nhận được vài trăm.

Xét tuyển đợt 2: Trường đại học “dài cổ” đợi thí sinh

Mong ngóng từng thí sinh

Cán bộ tuyển sinh của trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, trường có gần 2.000 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung nhưng đến ngày 1-9 mới nhận được hơn 300 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển. “không hiểu thí sinh đi đâu?”, nếu cứ tình hình này, e trường khó tuyển đủ chỉ tiêu” – vị cán bộ này than.

Được biết, trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, mức xét tuyển của trường chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT.

Tương tự, trường ĐH Mỏ - Địa chất, tính đến ngày 1/9, trường cũng mới nhận được 700 hồ sơ đăng ký xét tuyển, khoảng 40% chỉ tiêu đề ra. Cũng là trường đại học đào tạo đa ngành nên với con số nộp hồ sơ này đang làm lãnh đạo của trường lo lắng sợ không tuyển đủ chỉ tiêu.

Với trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, hàng năm số lượng hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung của trường ở thời điểm này luôn vào tốp “bội thu” nhưng năm nay ngược lại. Những ngày qua số lượng hồ sơ xét tuyển vào trường rất èo uột, lèo tèo vài chục thí sinh đến nộp. Đến thời điểm này, trường mới chỉ nhận được khoảng 400 bộ hồ sơ so với 4.200 chỉ tiêu xét tuyển đại học và 450 chỉ tiêu cao đẳng.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, một người làm công tác tuyển sinh lâu năm phải thốt lên “không rõ nguyên nhân vì sao năm nay lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ít như vậy?”. Theo ông Hóa, mọi năm chúng tôi tự chủ tuyển sinh thì nguyên vọng 1 chúng tôi đã gần đủ chỉ tiêu. Thế nhưng bây giờ cứ nhặt từng hồ sơ thế này sẽ không đủ chỉ tiêu, đành chờ đợi vậy”.

Thông tin từ Học viện Tài chính Ngân hàng cho biết, mỗi ngày trường nhận 50 hồ sơ, đến nay trường nhận khoảng 300 hồ sơ. Lãnh đạo nhà trường cho rằng, tình trạng này sẽ khó đạt được chỉ tiêu đăng ký cho đến đợt xét tuyển cuối cùng.

Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), năm nay có hơn 1.000 chỉ tiêu xét tuyển nhưng mỗi ngày cũng chỉ nhận được vài chục bộ hồ sơ. Trao đổi với báo chí, ông Cao Văn, hiệu trưởng lo lắng cho rằng, cứ đà này trường sẽ chỉ nhận được khoảng 400 - 500 hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Khá khẩm hơn các trường đại học trên, trường ĐH Điện lực xét tuyển nguyện vọng bổ sung với hơn 200 chỉ tiêu nay trường đã đủ nhưng với vài trăm chỉ tiêu xét tuyển hệ Cao đẳng trường mới chỉ nhận được vài chục bộ hồ sơ.

Ít thí sinh nhưng vẫn lo “ảo”

Bên cạnh nỗi lo tuyển đủ thí sinh, các trường còn phải đối mặt với tình trạng hồ sơ "ảo".

PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho rằng, nỗi lo này là hoàn toàn có cơ sở, bởi ở đợt này các em được đăng ký tới 3 trường. Nỗi lo thí sinh "ảo" không chỉ xuất phát từ mối liên hệ giữa các trường với nhau, mà còn có trong chính mỗi trường bởi mỗi thí sinh được quyền đăng ký 4 ngành cho mỗi trường. Các trường đa ngành chính là những trường dễ gặp phải tình trạng này nhất.

Các nhà tuyển sinh còn cảnh báo rằng tỷ lệ "ảo" còn tăng cao do năm nay thí sinh được nộp bản photocopy phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ngoài ra, kể cả thí sinh đã trúng tuyển nhưng nếu đó không phải là ngành ưa thích thì khả năng các em bỏ nhập học là rất cao.

Để giữ chân thí sinh, trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã quyết định cấp giấy chứng nhận trúng tuyển ngay khi thí sinh đến làm thủ tục nếu đủ điều kiện điểm xét tuyển theo yêu cầu của trường.

Tương tự, trường ĐH Dân lập Hải phòng năm nay xét tuyển theo 2 phương thức, điểm xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia năm 2015 và Điểm xét tuyển theo kết quả học THPT (Căn cứ vào kết quả học tập ghi trong học bạ THPT). Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Hải Phòng cho biết: “Số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo kết quả thi quốc gia đến trường rất ít. Với thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển theo kết quả học bạ, chúng tôi bố trí nhập học luôn cho các em như vậy để các em yên tâm”.

Thậm chí, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2015 theo nguyện vọng bổ sung từ ngày 21-8-2015 kéo dài đến ngày 15-9-2015.

170 trường ĐH,CĐ chưa tuyển đủ chỉ tiêu

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện vẫn còn khoảng 170 trường đại học, cao đẳng chưa tuyển đủ chỉ tiêu và có xét tuyển nguyện vọng bổ sung với số lượng lên đến hàng trăm nghìn chỉ tiêu.

Trong số 170 trường còn chỉ tiêu có 64 trường đại học, học viện (gồm 28 trường phía Nam, 36 trường phía Bắc) và 96 trường cao đẳng.

Đa số các trường có điểm xét tuyển tương đối thấp, chỉ bằng điểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 15 điểm với bậc đại học và 12 điểm với bậc cao đẳng. Vì thế, cơ hội để trúng tuyển đại học vẫn còn rất rộng mở với các thí sinh chưa trúng tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng 1.

Theo quy định, thời gian để các trường nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 là đến hết ngày 7-9.

Đường dây nóng giải đáp thắc mắc xét tuyển nguyện vọng bổ sung

Để kịp thời giải đáp thắc mắc của thí sinh và phụ huynh trong xét tuyển vào đại học, cao đẳng (gọi chung là các trường) hệ chính quy năm 2015, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thành lập Tổ công tác chuyên trách để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015. Tổ công tác có nhiệm vụ tiếp đón, hỗ trợ và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho thí sinh và phụ huynh về công tác xét tuyển ĐH, CĐ.

Tổ công tác làm việc trong giờ hành chính, bắt đầu từ ngày 28-8 đến khi kết thúc công tác xét tuyển CĐ 21-11-2015. Những nội dung đề đạt của thí sinh và phụ huynh trường không giải quyết được chuyển về Tổ công tác của Bộ GD-ĐT theo địa chỉ: Phòng 203, Trung tâm Hội nghị Giáo dục, số 23, Lê Thánh Tông, TP Hà Nội. Điện thoại: 04.38262004; Email: hotrots2015@moet.edu.vn.


Theo Dân trí

(0) Bình luận
Trường đại học “dài cổ” đợi thí sinh