Sau nhiều lần đổi tên và chuyển địa điểm theo yêu cầu nhiệm vụ, Trường Chính trị tỉnh đã có sự phát triển, trưởng thành như ngày nay.
Các giảng viên của Trường Chính trị tỉnh không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ,
đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới. Ảnh: Thành Chung
Thành lập cách đây 54 năm (ngày 27.7.1963) trên cơ sở Trường Đảng tỉnh và Trường Hành chính sáp nhập lại, sau nhiều lần đổi tên và chuyển địa điểm theo yêu cầu nhiệm vụ, Trường Chính trị tỉnh đã có sự phát triển, trưởng thành như ngày nay.
Xác định rõ vai trò quan trọng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, nhà trường nhận thức sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Muôn việc thành công, thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, vì vậy “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Trong mỗi chặng đường phát triển, Trường Chính trị tỉnh thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với thực tế. Trường chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, địa chỉ, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực với phương châm “lấy người học là trung tâm”.
Bên cạnh đó, trường tăng cường quản lý học viên, coi trọng cả việc nâng cao kiến thức lý luận với rèn luyện kỹ năng, ý thức tư cách. Nhà trường đề cao tính tự giác, cầu thị trong học tập, lấy đó là một tiêu chí để đánh giá, phân loại học viên.
Để hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được giao, hằng năm, trường đã tranh thủ sự giúp đỡ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phối hợp với các trường và cơ quan Trung ương tổ chức triển khai giáo trình mới, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy.
Đồng thời, tích cực phối hợp với các ban, ngành của tỉnh để tăng cường đội ngũ giáo viên kiêm chức. Chương trình giảng dạy của trường thường xuyên cập nhật kiến thức mới, bổ sung kinh nghiệm giải quyết, xử lý các tình huống trong lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ cấp cơ sở.
Nhà trường đã kiện toàn bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giảng viên các khoa, phòng theo năng lực, sở trường để phát huy tiềm năng, thế mạnh chuyên môn. Hiện nay, trường có 42 giảng viên trong số 57 cán bộ, viên chức. Tất cả giảng viên được đào tạo bài bản, có 2 giảng viên cao cấp, 11 giảng viên chính, 3 tiến sĩ, 32 thạc sĩ (1 người đang làm nghiên cứu sinh), 6 người đang học cao học. Đây chính là lực lượng nòng cốt góp phần đắc lực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển nguồn nhân lực tỉnh.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, nhà trường đã tổ chức 846 lớp học cho 88.226 lượt học viên với nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau như liên kết đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hành chính, trung cấp lý luận chính trị - hành chính, lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn quy hoạch Tỉnh ủy viên, chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, tiền công vụ, bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, xã, chức danh lãnh đạo cán bộ quản lý cấp cơ sở, nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể, chuyên môn…
Hằng năm, nhà trường đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh giao (bình quân 5 năm 2012 - 2017 vượt 20% kế hoạch). Riêng năm học 2016 - 2017, nhà trường mở 4 lớp cao cấp lý luận, 35 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 2.659 học viên...
Nét mới là trường đã ký kết chương trình phối hợp công tác với MTTQ và các đoàn thể của tỉnh, mở 12 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ cơ sở với 1.085 học viên. Nhà trường đã xây dựng Quy định nghiên cứu thực tế cho giáo viên và học viên, chú trọng hướng về cơ sở theo chuyên đề và địa chỉ. Ngoài giảng dạy, công tác nghiên cứu khoa học luôn được nhà trường quan tâm.
Năm 2017, nhà trường thực hiện 1 đề tài cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống quản lý đào tạo tại Trường Chính trị tỉnh Hải Dương” và 12 đề tài khoa học cấp trường.
Với phương châm “Lấy Đảng ủy, Ban Giám hiệu là trung tâm đoàn kết, lấy công việc là điểm tương đồng, lấy hiệu quả công việc là thước đo đánh giá cán bộ”, Trường Chính trị tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, mở rộng loại hình, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và khung chương trình mới của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trong đó, tập trung cải tiến phương pháp giảng dạy tích cực, chú trọng truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm lãnh đạo quản lý. Xây dựng chuẩn hóa cán bộ, giảng viên; coi trọng cả chất lượng giảng dạy với nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế, coi đây là khâu quan trọng, cấp thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý học viên, bảo đảm từ khâu trên lớp đến khâu thi tốt nghiệp, chấm điểm học tập. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giảng dạy tốt, học tập tốt, phục vụ tốt” trong toàn trường; coi “người học là trung tâm”, vừa là người tiếp thu kiến thức mới, vừa là đối tượng phục vụ của cán bộ, giảng viên nhà trường.
Tích cực tham mưu và đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm hoàn thành nhà làm việc mới cho cán bộ, giảng viên và các phòng học cho học viên, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
TS. LÊ XUÂN HUY
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hải Dương