Trước "vấn nạn" mất cân bằng giới tính

04/10/2014 05:29

Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở huyện Kinh Môn cao hơn bình quân chung của tỉnh có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho gia đình và xã hội...



Tỷ số giới tính khi sinh của xã Thượng Quận hiện đang ở mức  báo động (158 bé trai/100 bé gái).
 Trong ảnh: Học sinh nam nhiều hơn nữ trong một lớp học mầm non ở xã


Nhiều năm qua, tỷ số giới tính khi sinh của huyện Kinh Môn luôn dao động ở mức 120 trẻ trai/100 trẻ gái, cao hơn so với mức bình quân chung của tỉnh (khoảng 117/100). Việc mất cân bằng giới tính khi sinh về lâu dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho gia đình và xã hội.

Nặng tư tưởng "trọng nam, khinh nữ"

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Thượng Quận không giấu nổi nỗi buồn: Xã chúng tôi đang là một trong những xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Xã đã đạt 18 tiêu chí và đang phấn đấu về đích trong năm 2014. Thế nhưng, trong nhiều cái làm tốt, lại có một điểm tối. Ấy là tỷ lệ MCBGTKS của xã đang ở mức "báo động đỏ". Trong 8 tháng đầu năm, toàn xã có tổng số 67 phụ nữ sinh con, gồm 41 ca sinh con trai, 26 ca sinh con gái (tương đương với tỷ lệ 158/100). Cả xã có 7 ca sinh con thứ ba thì có tới 5 ca sinh con trai, trong đó có bà mẹ đã ngoài 40 tuổi. Nhìn chung rất nhiều gia đình trong xã vẫn mang nặng tư tưởng muốn có con trai để "nối dõi tông đường", tìm kiếm chỗ dựa khi về già. Có vẻ như kinh tế càng phát triển, đời sống của người dân ổn định thì nhu cầu sinh thêm con, đặc biệt là con trai càng lớn hơn. Người dân cũng ít để ý và quan tâm đến những hệ lụy sau này cho con em mình nói riêng và xã nói chung do việc MCBGTKS mang lại.

Đó không chỉ là nỗi niềm riêng của lãnh đạo xã Thượng Quận, bởi thời gian qua, tỷ lệ MCBGTKS ở cả huyện Kinh Môn cũng luôn ở mức cao. Trong các năm 2012 và 2013 mức bình quân luôn là 120/100, trong 9 tháng đầu năm nay ước tính cũng đạt 119/100 (tương đương cùng kỳ năm ngoái). Bà Hoàng Thị Liên, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGD huyện cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến việc MCBGTKS trên địa bàn khó kiểm soát do Kinh Môn là huyện miền núi. Đời sống của người dân ở các xã, thị trấn phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Các công việc nặng nhọc trong sản xuất hầu hết do người đàn ông trong gia đình đảm nhận. Vì là người làm ra kinh tế nên đàn ông cũng có vai trò quyết định trong các công việc của gia đình, dòng họ. Do đó, người dân vẫn duy trì tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", tâm lý "sính" con trai ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình. Chính sách dân số hiện nay với quy định mỗi cặp vợ chồng không sinh quá 2 con cũng khiến nhiều gia đình tìm mọi biện pháp can thiệp để sinh  được con trai. Ở huyện vẫn có những điểm chẩn đoán giới tính thai nhi và nạo, hút thai theo yêu cầu.

Nỗ lực tuyên truyền

Trước thực tế trên, huyện Kinh Môn đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm khắc phục tình trạng  MCBGTKS. Đầu năm 2012, huyện triển khai đề án "Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS", tổ chức các hoạt động để cung cấp thông tin, giáo dục truyền thông về giới và MCBGTKS cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế việc sinh đẻ theo ý muốn. Đến cuối năm 2012, huyện tiếp tục tiếp nhận dự án "Phòng, chống bạo lực gia đình, kiểm soát MCBGTKS và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi" (dự án VNM8P08) do Quỹ Dân số Liên hợp quốc tài trợ. Dự án này huyện triển khai tại 3 xã: Thượng Quận, Bạch Đằng, Hiệp Hòa và thị trấn Kinh Môn. Đây đều là những địa phương thuộc diện miền núi, sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh luôn cao. Dự án được triển khai đến năm 2016, trong đó gói can thiệp kiểm soát MCBGTKS được xây dựng trên cơ sở giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, đặt trọng tâm vào việc giải quyết các vấn đề xuất phát từ bất bình đẳng giới và sử dụng, lạm dụng công nghệ y tế nhằm mục đích lựa chọn giới tính khi sinh. Các nhóm giải pháp chính gồm: vận động chính sách, truyền thông thay đổi hành vi, tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao giá trị trẻ em gái, cải thiện hệ thống báo cáo giám sát về MCBGTKS. Nằm trong khuôn khổ của dự án này, huyện Kinh Môn đã tổ chức được rất nhiều hoạt động có ý nghĩa như: tổ chức giao lưu tuyên truyền kiểm soát MCBGTKS theo hình thức sân khấu hóa; tổ chức mít-tinh thu hút hàng trăm người dân tham gia; tất cả phụ nữ trong độ tuổi mang thai ở các xã triển khai dự án đều được nghe tuyên truyền về MCBGTKS... Đặc biệt, huyện đã tổ chức một lớp tập huấn cho 250 người là trưởng các dòng họ trong huyện để nâng cao nhận thức về hậu quả của việc MCBGTKS và loại bỏ tư tưởng "trọng nam, khinh nữ".

Cần thêm nhiều biện pháp

Việc triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu MCBGTKS ở Kinh Môn cũng vấp phải không ít khó khăn. Đó không chỉ là do nhận thức của người dân còn hạn chế, tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" còn tồn tại trong phần lớn suy nghĩ của người dân mà nguồn kinh phí thực hiện cũng là một vấn đề nan giải. Kinh phí trong Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - KHHGĐ vốn đã hạn chế lại giao muộn; chế độ thù lao cho các cộng tác viên vẫn ở mức thấp. Do đó, mọi nỗ lực của huyện đến thời điểm này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, khi mà tỷ số giới tính khi sinh của huyện vẫn không hề thuyên giảm.

Để giúp Kinh Môn "hạ nhiệt" tỷ lệ MCBGTKS, ngoài những nỗ lực kể trên cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền. Theo bà Hoàng Thị Liên, huyện cũng mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí nhiều hơn nữa để tăng cường công tác tuyên truyền; có điều kiện tổ chức nhiều chương trình theo hình thức sân khấu hóa đến tận các xã, thị trấn. Ngoài ra, cần huy động sự vào cuộc của tất cả các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... để làm phong phú các hoạt động tuyên truyền theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" trong việc thay đổi nhận thức cho người dân về vấn đề giới tính. Đưa các nội dung bình đẳng giới vào giáo dục trong các trường học. Các cơ quan hữu quan cần tăng cường thanh tra các cơ sở dịch vụ siêu âm và nạo phá thai, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các ấn phẩm văn hóa, yêu cầu chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

PV


Điều 82, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định: phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi bói toán cho người đang mang thai để xác định giới tính thai nhi; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi bắt mạch hoặc siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều 84 của nghị định trên quy định phạt tiền từ 3-20 triệu đồng đối với các hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính như sau: loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi; dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi; đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi; dùng vũ lực ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi; cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người mang thai muốn loại bỏ thai nhi. Các hình thức xử phạt bổ sung có thể kèm theo gồm: tịch thu tang vật, tước giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề từ 3 đến 12 tháng...


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trước "vấn nạn" mất cân bằng giới tính