Hiện nay, hoạt động của Trung tâm Tư vấn, dịch vụ việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp khu công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do nguồn thu không đủ chi.
Nhiều năm nay, Trung tâm Tư vấn, dịch vụ việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp khu công nghiệp phải sử dụng nguồn thu từ hoạt động liên kết, cho thuê tài sản công để hỗ trợ chi thường xuyên
Trung tâm đã phải sử dụng các loại quỹ để trả lương cho người lao động. Do không tự bảo đảm được kinh phí thường xuyên nên đề xuất chuyển đổi mô hình từ đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (CTCP) khó khả thi.
Dùng quỹ dự phòng để chi lương
Trung tâm Tư vấn, dịch vụ việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp khu công nghiệp (KCN) ở đường Đức Minh, phường Tân Bình (TP Hải Dương) là đơn vị trực thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh, tiền thân là Trung tâm Giới thiệu việc làm. Trung tâm thực hiện các nhiệm vụ như tư vấn việc làm, học nghề, chính sách có liên quan đến lao động; giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng; dạy nghề; cung cấp các dịch vụ khác...
Trung tâm được sử dụng 900 m2 nhà, đất là trụ sở cũ của Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương làm trụ sở làm việc và dạy nghề, giới thiệu việc làm. Do không sử dụng hết diện tích, trung tâm đã liên kết cho một số hộ làm kinh doanh thuê lại một phần diện tích ở phía đường Đỗ Ngọc Du tạo thêm nguồn thu để chi lương, bảo hiểm hằng tháng cho người lao động.
Năm 2018, trung tâm được chuyển sang loại hình đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên. Từ đó đến nay, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, tháng 10.2018, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về tăng cường triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó yêu cầu đơn vị sự nghiệp phải xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp không lập đề án hoặc lập chưa đúng quy định thì số thu từ hoạt động cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết của các đơn vị không được chi mà phải nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị tại kho bạc.
Hơn nữa, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động, dịch vụ của trung tâm bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, kế hoạch đào tạo nghề năm 2020 của trung tâm bị hoãn đến tháng 6 mới tiếp tục triển khai; sau đó lại tiếp tục phải tạm dừng do dịch Covid-19 bùng phát. Các dịch vụ khác như tư vấn tại các doanh nghiệp, dịch vụ cấp giấy phép lao động nước ngoài… cũng bị ảnh hưởng.
Theo ông Phạm Đức Luyện, Phó Giám đốc phụ trách trung tâm, những năm trước, nguồn thu không đủ chi thường xuyên theo quy định, trung tâm đã phải sử dụng nguồn thu từ việc liên kết cho thuê ki-ốt của trụ sở để chi lương, bảo hiểm và các khoản chi thường xuyên khác nhằm bảo đảm cuộc sống của người lao động theo quy định. Từ đầu năm đến nay, do khó khăn nhiều hơn nên trung tâm đã phải sử dụng cả quỹ dự phòng, quỹ khen thưởng để chi lương cho cán bộ, nhân viên nhưng mới trả lương hết tháng 5.2020.
Hướng đi nào?
Trước thực tế hoạt động của trung tâm, tháng 5.2018, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét, đồng ý cho phép trung tâm được chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp công lập thành CTCP. Ban Quản lý các KCN tỉnh nêu rõ trung tâm còn mang nặng tính bao cấp, chưa chủ động tổ chức khai thác các nguồn thu nhằm tăng cường năng lực tài chính đã làm chậm quá trình đẩy nhanh xã hội hóa đối với dịch vụ công.
Sau khi nhận được tờ trình của Ban Quản lý các khu KCN, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh có văn bản hướng dẫn, trong đó khẳng định, đề xuất chuyển đổi mô hình hoạt động của trung tâm này là phù hợp với chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trung tâm thuộc đối tượng chuyển thành CTCP. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh đề nghị trung tâm hoàn thiện hồ sơ về đáp ứng đủ tiêu chí cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định. Trong đó có phương án tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và phương án tiếp tục thực hiện cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt sau khi chuyển đổi. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại các điều kiện, trung tâm không bảo đảm được tiêu chí về tự chủ kinh phí cho hoạt động thường xuyên.
Việc chuyển đổi trung tâm thành CTCP sẽ góp phần đẩy mạnh việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, huy động các nguồn lực xã hội, cung cấp sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xã hội nói chung và các KCN trên địa bàn tỉnh nói riêng. Đây là điều kiện quan trọng để giảm gánh nặng chi ngân sách đối với hoạt động sự nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, phát huy được vai trò của doanh nghiệp.
Thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh nên rà soát lại quá trình hoạt động của trung tâm. Nếu không đủ điều kiện chuyển đổi CTCP cần xem xét đề xuất sáp nhập với đơn vị sự nghiệp khác có cùng chức năng, nhiệm vụ để bảo đảm hoạt động và phát huy hiệu quả dịch vụ. Nếu tiếp tục hoạt động như mô hình hiện nay, ban cần chỉ đạo trung tâm sớm triển khai thực hiện đề án cho thuê tài sản công để tăng nguồn thu, bảo đảm hoạt động chi thường xuyên, đồng thời nghiên cứu mở rộng dịch vụ và nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có. Trường hợp không bảo đảm được hoạt động nên tính đến phương án giải thể trung tâm này.
LAN NGUYỄN