Trung tâm công nghiệp của tỉnh

27/07/2020 12:01

Với những hướng đi mới, chắc chắn trong những năm tới, các ngành sản xuất công nghiệp của Kinh Môn sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, xứng đáng là trung tâm công nghiệp của tỉnh.


Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương là một trong những doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn thị xã Kinh Môn

Với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, thị xã Kinh Môn ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo nên một vùng công nghiệp tầm cỡ.

Quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn

Do có nguồn cao lanh, đá vôi, đá xây dựng, đất sét... khá phong phú nên trong những năm qua, ở thị xã Kinh Môn đã hình thành nên một trung tâm công nghiệp sản xuất xi măng lớn với các thương hiệu đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường như Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Thành Công. 

Là địa phương có nhiều tuyến sông lớn kết nối rất gần với cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh nên Kinh Môn có nhiều điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp nặng phát triển. Từ năm 2008, Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép ở phường Hiệp Sơn. Ông Đỗ Đức Đôn, Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương cho biết: "Xây dựng nhà máy ở đây rất thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp luyện gang thép. Không những vậy, địa phương còn có nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ kỹ thuật cao, phù hợp với đặc thù sản xuất của doanh nghiệp". Đến nay, Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư vào khu liên hiệp này số vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, mỗi năm sản xuất trên 2 triệu tấn thép. Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp đã sản xuất được trên 1,1 triệu tấn phôi thép, 803.503 tấn thép thành phẩm...

Không chỉ có xi măng, gang thép, với việc Công ty TNHH Điện lực Jack đầu tư hơn 2 tỷ USD để xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương gồm 2 tổ máy phát điện, công suất 1.200MW, chắc chắn chỉ một thời gian nữa Kinh Môn sẽ là nơi sản xuất điện lớn của tỉnh. Đến nay, việc xây dựng, lắp đặt máy móc, thiết bị đã cơ bản hoàn thành. Tổ máy số 1 đã chạy thử từ đầu tháng 7, dự kiến phát điện thương mại vào đầu tháng 10. 

Các doanh nghiệp lớn với đa dạng ngành sản xuất ở Kinh Môn cũng kéo theo nhiều ngành nghề sản xuất khác phát triển. Theo Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn, địa phương hiện có 967 doanh nghiệp, 3.079 hộ kinh doanh cá thể. Lĩnh vực công nghiệp hiện chiếm đến 87,6% trong cơ cấu kinh tế của thị xã. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng năm 2020 ước đạt 44.776 tỷ đồng, gấp 1,76 lần so với năm 2015. Thị xã hiện có 6 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích trên 240 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 85% diện tích, trong đó CCN Hiệp Sơn, Phú Thứ có tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích. Đến nay, diện tích đất dành cho hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ của thị xã là gần 1.400 ha. Mỗi năm, các doanh nghiệp của Kinh Môn đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng.

Còn nhiều tiềm năng

Nhằm tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội nói chung, công nghiệp nói riêng của Kinh Môn phát triển hơn nữa, những năm gần đây, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cho địa phương. Mới đây nhất, cầu Mây thông xe đã mở ra những cơ hội mới cho các phường, xã phía tây của thị xã phát triển. Cùng với đó, các dự án đường 389B dài gần 13 km nối quốc lộ 17B với đường 389, dự án cầu Triều, cầu Dinh... đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Khi các dự án này hoàn thành sẽ tạo động lực mới để Kinh Môn thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. 

Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn cho biết: "Thị xã đã quy hoạch thêm 3 CCN Thất Hùng, Bạch Đằng, Quang Trung với diện tích hơn 200 ha. Ngoài ra còn đang xem xét quy hoạch thêm CCN Thái Thịnh - Hiến Thành rộng 75 ha và một số bến thủy nội địa phục vụ việc bốc xếp hàng hóa".

Kinh Môn đã và đang cố gắng tiếp nhận những dự án ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thị xã chú trọng thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển công nghiệp ở nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa và phát triển bền vững. Thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển, áp dụng các công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản.

Với những hướng đi mới, những tiềm năng chuẩn bị được khai thác, chắc chắn trong những năm tới, các ngành sản xuất công nghiệp của Kinh Môn sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, xứng đáng là trung tâm công nghiệp của tỉnh.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung tâm công nghiệp của tỉnh