Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định, Bắc Kinh đã xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - Ảnh: Ngọc Thắng
Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) về vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định, Bắc Kinh đã xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.
Bà Nguyễn Thị Bình, từng giữ cương vị Phó Chủ tịch nước (1992-2002) và hiện là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, đề nghị Trung Quốc ngưng hoạt động thăm dò trong vùng biển Việt Nam và bắt đầu đối thoại.
- Nikkei Asian Review: Bà có nhận định gì về tình hình giữa Việt Nam-Trung Quốc?
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Hãy nhìn vào bản đồ và rõ ràng là chúng tôi đúng. Vào tháng 10-2013, Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc từng nhất trí thương lượng để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Trung Quốc rõ ràng đã phá hủy lòng tin chính trị giữa hai đất nước và xem thường mong muốn có quan hệ song phương hữu hảo của Việt Nam.
- Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc khiêu khích Việt Nam, thưa bà?
Trước đây chỉ có những vụ va chạm nhỏ, nhưng nay Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Hiển nhiên Việt Nam sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng.
- Việt Nam sẽ có những bước đi gì nhằm tìm ra giải pháp?
Trung Quốc là láng giềng của chúng tôi và Việt Nam mong muốn có quan hệ tốt với các nước láng giềng. Chúng tôi luôn cố gắng sử dụng các biện pháp hòa bình trong các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc.
- Bà kỳ vọng Trung Quốc sẽ làm gì?
Trung Quốc phải đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam và giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đối thoại. Lợi ích lâu dài của Trung Quốc sẽ không được đáp ứng bằng cách đụng chạm đến các nước láng giềng. Trung Quốc phải để ý đến lợi ích các quốc gia khác, chứ không chỉ lợi ích của riêng họ.
- Bà kỳ vọng điều gì từ cộng đồng quốc tế?
Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi đặc biệt kỳ vọng vào hành động mạnh mẽ từ Nhật Bản trong việc hỗ trợ các quốc gia khác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hòa bình, an ninh khu vực và an ninh hàng hải.
Phúc Duy (Thanh niên)