RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi bao trùm một thị trường khổng lồ với 15 quốc gia chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 19.2.2021. (Nguồn: THX/TTXVN)
Ngày 8.3, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào thông báo Chính phủ nước này đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Phát biểu với các phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa XIII, ông Vương Văn Đào cho hay một số nước thành viên cũng đang thúc đẩy các thủ tục để phê chuẩn RCEP, đồng thời hy vọng các nước liên quan có thể đẩy nhanh tiến độ và cuối cùng đạt đủ điều kiện để thỏa thuận này có hiệu lực.
Ông nhấn mạnh cần RCEP sẽ có hiệu lực khi có khi ít nhất 6 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt hiệp định.
Theo ông, việc hiệp định này có hiệu lực càng sớm sẽ tạo điều kiện để người dân của các nước tham gia càng sớm được hưởng lợi.
Hiệp định RCEP được khởi động vào năm 2012 theo sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác ban đầu là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, đến tháng 11.2019, việc Ấn Độ tạm đứng ngoài Hiệp định đã làm giảm số lượng các quốc gia đàm phán RCEP từ 16 xuống còn 15 quốc gia.
Mặc dù vậy, RCEP vẫn là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi bao trùm một thị trường khổng lồ với 15 quốc gia chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD, tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên RCEP ước tính sẽ đạt 137 tỷ USD.
Hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi các chuỗi cung ứng trong khu vực và nâng cao hiệu quả của các chuỗi cung ứng đó cho doanh nghiệp.
RCEP sẽ giúp loại bỏ 91% thuế hàng hóa và hình thành các quy tắc chung về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử.
Theo TTXVN