Thông tin trên bao bì của lô hàng thanh long tỉnh Bình Thuận xuất hiện vi rút SARS-CoV-2 mà phía Trung Quốc thông báo chỉ là một chiều, chưa có bằng chứng cụ thể.
Người dân thu hoạch thanh long
Ngày 18.9, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở, phối hợp với Cục quản lý Thị trường tỉnh Bình Thuận xác minh, làm rõ thông tin từ phía Trung Quốc cho rằng đã phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trên bao bì trái thanh long có xuất xứ từ tỉnh Bình Thuận.
“Thông tin trên bao bì của lô hàng thanh long tỉnh Bình Thuận xuất hiện vi rút SARS-CoV-2 mà phía Trung Quốc thông báo chỉ là thông tin một chiều, chưa có bằng chứng cụ thể. Do vậy, để làm rõ sự việc, chúng tôi cùng các đơn vị liên quan sẽ tổ chức làm việc trực tiếp với cơ sở xuất khẩu, xem họ lấy hàng từ đâu, có phải họ trực tiếp xuất hàng hay thông qua đối tác nào khác... Từ đó có thông tin chính thức báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận và các cơ quan chức năng liên quan”, văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận nêu.
Hiện tại, phía Trung Quốc đang kiểm soát chặt việc nhập khẩu trái thanh long nên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận đã tuyên truyền cho Hiệp hội Thanh long Bình Thuận và các doanh nghiệp trên địa bàn để biết và có biện pháp làm chặt chẽ hơn công tác phòng dịch.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã nhận được công văn của Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh, thông báo phía Trung Quốc tạm dừng thông quan nhập khẩu từ ngày 15.9 đến ngày 21.9 đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực “cầu phao tạm Đông Hưng” (phía Việt Nam là “điểm xuất hàng Km 3+4” thuộc Móng Cái-Quảng Ninh).
Nguyên nhân là Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu TP Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) thông báo trên vỏ bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long của lô hàng thanh long ruột trắng có vi rút SARS-CoV-2.
Bình Thuận đang là vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 33.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 700.000 tấn. Hiện nay, trên 80% sản lượng thanh long của Bình Thuận được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Trước đó Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương cũng nhận được thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh về việc chính quyền Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực Cầu phao tạm Đông Hưng (phía Việt Nam là Điểm xuất hàng Km3+4, Quảng Ninh).
Theo thông báo của phía Đông Hưng, sau 23 giờ ngày 21.9, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan nhập khẩu qua địa điểm này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát hiện vi rút SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm PCR) trên thanh long hoặc mặt hàng khác, cơ quan phòng chống dịch Đông Hưng sẽ gia hạn thời gian tạm dừng thông quan nhập khẩu thêm 1 tuần. Nếu phát hiện 3 lần dương tính, mặt hàng đó sẽ bị tạm dừng thông quan 4 tuần.
Sở Công Thương Quảng Ninh đã có văn bản thông báo tới Sở Công Thương các địa phương, doanh nghiệp, thương nhân thường xuyên hoạt động xuất khẩu tại điểm xuất hàng Km 3+4 để chủ động phương án phân luồng hàng hóa.
Bộ Công Thương cho biết, đã có đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chủ động theo dõi, cập nhật thông tin và trao đổi với đối tác Trung Quốc để thay đổi địa điểm giao nhận hàng phù hợp. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, các doanh nghiệp học tập kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang, chủ động kiểm tra, rà soát quy trình thu hoạch, đóng gói, chế biến và vận chuyển nông sản, nhất là trái cây, để giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng hơn 600.000 tấn thanh long. Chính vì vậy, chỉ cần thị trường Trung Quốc có biến động nhỏ, ngay lập tức thị trường thanh long trong nước bị chao đảo. |
Theo Tiền phong