Trong Luật an toàn giao thông hàng hải sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.9, Trung Quốc đặt ra một loạt yêu cầu kiểm soát các tàu bè nước ngoài đi vào "vùng lãnh hải" của nước này.
Tàu hải cảnh Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát các tàu bè nước ngoài theo Luật an toàn giao thông hàng hải
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hành vi bất hợp tác có thể dẫn tới việc đối mặt với quân đội hoặc hải cảnh Trung Quốc. Dù dưới tên gọi gì, các luật và quy định hàng hải mới đều nhắm tới mục đích hiện thực hóa các yêu sách vô lý của Bắc Kinh trên các vùng biển, trong đó có Biển Đông.
Siết chặt việc di chuyển
Theo Luật an toàn giao thông hàng hải, có 5 loại tàu nước ngoài khi đi vào "vùng lãnh hải Trung Quốc" sẽ phải khai báo danh tính, địa điểm đến và đi, hàng hóa đang chở và số lượng...
Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) trích quy định cho biết 5 loại tàu phải khai báo gồm: (i) tàu ngầm; (ii) tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân; (iii) tàu chở vật liệu phóng xạ; (iv) tàu chở chất độc hại như dầu hỏa, hóa chất hoặc khí hóa lỏng và (v) các tàu khác "có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc" được mô tả trong các luật và quy định hành chính.
Quy định nêu rõ các tàu phải khai báo danh tính, số IMO, vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa nguy hiểm và số lượng cụ thể.
Sau khi đi vào "vùng lãnh hải Trung Quốc", nếu hệ thống nhận diện tự động (AIS) trên tàu hoạt động tốt thì không cần khai báo. Với tàu không có AIS hoặc AIS bị hư, thủy thủ đoàn phải báo cáo danh tính, vị trí vào thời điểm báo cáo và tốc độ di chuyển mỗi 2 tiếng cho nhà chức trách Trung Quốc.
Có một điểm đáng chú ý là quy định mới sẽ được áp dụng trong "vùng lãnh hải Trung Quốc". Trung Quốc định nghĩa về vùng lãnh hải rất rộng, không hoàn toàn là vùng biển rộng 12 hải lý tiếp giáp đường cơ sở được nêu trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo điều 2 của Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992 của Trung Quốc, "vùng lãnh hải" được định nghĩa là "vùng nước nằm tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc".
Cũng theo điều luật này, lãnh thổ Trung Quốc bao gồm "đất liền và các đảo ngoài khơi xa, Đài Loan và các quần đảo Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa". Như vậy, theo cách hiểu vô lý này của Trung Quốc, quy định mới sẽ áp dụng với các vùng biển nằm trong yêu sách 9 đoạn hay "đường lưỡi bò" mà nước này đòi hỏi trên Biển Đông.
Quy định mơ hồ
Một điểm đáng chú ý khác là trong số các loại tàu phải khai báo có "các tàu bị xác định có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải". Đây là một quy định rất mơ hồ, cho phép Trung Quốc diễn giải trong mọi trường hợp.
Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh ám chỉ điều này là nhắm tới các tàu quân sự nước ngoài, cụ thể là tàu chiến của Mỹ. Theo điều 53 của Luật an toàn giao thông hàng hải 2021, Trung Quốc có quyền ngăn chặn và dừng lại "các tàu nước ngoài qua lại không vô hại trong lãnh hải Trung Quốc".
Cục An toàn hàng hải Trung Quốc cảnh báo các trường hợp không tuân thủ sẽ "bị xử lý theo quy định của pháp luật". Theo Thời báo Hoàn Cầu, nếu tàu bất tuân là tàu quân sự thì đây sẽ là một hành động "khiêu khích" và sẽ bị quân đội Trung Quốc "xua đuổi hoặc trừng phạt".
Nếu các tàu dân sự vì lo sợ mà chấp hành khai báo, vô hình trung điều này sẽ trở thành bằng chứng để Bắc Kinh củng cố các yêu sách chủ quyền ngang ngược trong khu vực.
Nhắm vào tàu quân sự Có vài điểm chú ý trong quy định mới, thứ nhất là việc Trung Quốc nhắc đến khái niệm gây tranh cãi "vùng lãnh hải". Trung Quốc tuyên bố nước này có lãnh hải xung quanh các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã đơn phương vẽ hệ thống đường cơ sở thẳng với cả quần đảo này. Đây là điều Việt Nam và các nước đã liên tục phản đối trong các công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc. Thứ hai, Trung Quốc tiếp tục nhập nhằng câu chữ khi đưa ra yêu cầu "bất kỳ tàu nào được cho là đe dọa an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc" phải khai báo thông tin khi tiến vào "vùng lãnh hải". Yêu cầu này cho thấy Trung Quốc đang để ngỏ cả việc áp dụng quy định lên cả các tàu quân sự, bao gồm tàu chiến. ThS PHẠM NGỌC MINH TRANG (Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn- ĐHQG TP Hồ Chí Minh) |
Theo Tuổi trẻ