Bắc Kinh ngày 25.3 kêu gọi các nước ven biển trong khu vực Biển Đông thành lập một cơ chế hợp tác chung.
Biểu tình ở Manila ngày 24.3 phản đối việc Trung Quốc chuẩn bị xây dựng trạm quan trắc môi trường trên Biển Đông - Ảnh: Reuters |
Phát biểu trong một hội thảo chuyên đề Biển Đông trong khuôn khổ Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017 ở Hải Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho rằng cơ chế hợp tác sẽ không can thiệp vào đề xuất của mỗi quốc gia mà đóng vai trò là nền tảng cho việc thúc đẩy tin tưởng, tăng cường hợp tác cũng như chia sẻ lợi ích giữa các nước.
Ông Lưu khẳng định cơ chế này sẽ tạo thuận lợi cho việc trao đổi hợp tác trên nhiều lĩnh vực như phòng tránh thiên tai, cứu hộ hàng hải, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải, theo Tân Hoa xã.
Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận việc triển khai thiết bị quân sự trên Biển Đông khiến các nước láng giềng căng thẳng thời gian qua.
Ông Lý Khắc Cường cho rằng “các cơ sở của Trung Quốc là vì các mục đích dân sự, thậm chí có một số lượng thiết bị hay cơ sở quốc phòng nhất định đi nữa, chúng cũng chỉ để duy trì tự do đi lại”. Trước đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop chỉ trích động thái của Bắc Kinh xây dựng trái phép và quân sự hoá các đảo nhân tạo trên Biển Đông khiến các nước trong khu vực mất niềm tin.
Được thành lập năm 2001 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua tăng cường hội nhập kinh tế khu vực cũng như thương mại và đầu tư, đến nay Diễn đàn châu Á Bác Ngao thường niên đã trở thành diễn đàn đối thoại quan trọng giữa các nhà lãnh đạo, học giả và giới doanh nghiệp các nước về nhiều lĩnh vực của châu Á. Với chủ đề “Toàn cầu hóa và thương mại tự do: Tương lai của châu Á", Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017 kéo dài trong 4 ngày và tập trung thảo luận cách thức để các nền kinh tế phát triển và đang phát triển thích nghi với toàn cầu hóa. |
Theo Tuổi trẻ