Trung Quốc ra quyết định sau khi đảo Đài Loan hôm 18.11 mở văn phòng ở Thủ đô Vilnius của Litva với tên gọi "Văn phòng đại diện Đài Loan". Trung Quốc phản đối hòn đảo dùng cụm từ "Đài Loan" để đặt tên vì lo ngại tạo cảm giác hợp pháp quốc tế cho hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Các văn phòng đại diện ở nước ngoài của Đài Loan thường được gọi là Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc.
Trung Quốc cho biết hành động của Litva "đã tạo tiền lệ xấu trên trường quốc tế", đồng thời cáo buộc quốc gia châu Âu "từ bỏ cam kết chính trị khi thiết lập quan hệ ngoại giao" với Bắc Kinh, đề cập đến chính sách "Một Trung Quốc", trong đó các nước công nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc.
Litva hồi tháng 7 đồng ý để Đài Loan mở văn phòng đại diện đặt theo tên hòn đảo, cơ sở đầu tiên của Đài Loan ở châu Âu sau 18 năm. Trung Quốc chỉ trích gay gắt quyết định này, triệu hồi đại sứ tại Litva và yêu cầu Vilnius rút đại sứ về. Trung Quốc cũng tạm dừng các chuyến tàu chở hàng đến Litva và ngừng cấp phép xuất khẩu thực phẩm.
Chỉ 15 nước trên thế giới công nhận Đài Loan. Hòn đảo vẫn duy trì các văn phòng đại diện với nhiều quốc gia và một số quốc gia cũng có văn phòng tương tự ở Đài Bắc.
Văn phòng đại diện của Đài Loan tại Litva được đánh giá là dấu hiệu mới nhất cho thấy một số nước Baltic và Trung Âu đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với hòn đảo. Hồi tháng 5, Litva rút khỏi diễn đàn hợp tác 17 + 1 của Trung Quốc với các quốc gia Trung, Đông Âu, gọi đây là diễn đàn "gây chia rẽ". Tháng trước, phái đoàn gồm quan chức Đài Loan đã đến thăm Slovakia, Cộng hòa Czech và Litva, động thái chọc giận Trung Quốc.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất. Căng thẳng trên eo biển Đài Loan leo thang vài năm qua, sau khi bà Thái Anh Văn, người từ chối công nhận chính sách "Một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo hòn đảo năm 2016.
Theo VnExpress