Liên tục bị mất đồng minh ngoại giao, bị ngăn cản trở thành quan sát viên Liên Hiệp Quốc và thành viên của nhiều tổ chức quốc tế khác, Đài Loan dưới thời bà Thái Anh Văn đang lãnh hậu quả vì thái độ đối đầu Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (trái) trong lễ đón Tổng thống Haiti Jovenel Moise ngày 29-5 - Ảnh: REUTERS
Một số nhà phân tích chiến lược quân sự đã nhiều lần cảnh báo về kịch bản Trung Quốc không cần đổ quân vẫn bắt Đài Loan khuất phục được. Các tàu chiến, tàu ngầm của Bắc Kinh chỉ đơn giản phong tỏa vùng biển xung quanh hòn đảo này, giống như cách phong tỏa tầm xa mà người Đức đã áp dụng với Anh trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Kịch bản đó, may thay vẫn chưa xảy ra bởi nó sẽ vấp phải sự phản kháng của Đài Loan và Mỹ - quốc gia đứng đằng sau vùng lãnh thổ này. Nhưng trên mặt ngoại giao, một cuộc phong tỏa vùng lãnh thổ này đang thực sự diễn ra với những tính toán và bước đi kỹ lưỡng từ Bắc Kinh.
Cây gậy ngoại giao và củ cà rốt đô la
Một chiến dịch quy mô đã được Trung Quốc triển khai trong suốt 2 năm qua nhằm buộc các quốc gia có quan hệ chính thức với Đài Loan phải từ bỏ và quay sang Bắc Kinh. Đây cũng là khoảng thời gian nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên cầm quyền ở Đài Loan và tạo ra lo ngại ở Bắc Kinh rằng hòn đảo này sắp sửa tuyên bố độc lập.
Chính quyền Đài Bắc cáo buộc Bắc Kinh đã sử dụng ngoại giao đôla để tách và đẩy các đồng minh của vùng lãnh thổ này ra xa. Trung Quốc, tất nhiên phủ nhận, song theo các chuyên gia, chiến dịch phong tỏa Đài Bắc đã cho thấy sự hiệu quả khi kết hợp nhiều thứ bao gồm dọa dẫm và gây sức ép, hứa hẹn kinh tế lẫn tâm lý đám đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trao đổi với người đồng cấp Burkina Fas trước lễ ký thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức tại Bắc Kinh ngày 28-5 - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi đã chấm dứt quan hệ 24 năm với Burkina Faso vào ngày hôm nay. Đây thực sự là một điều đáng buồn do Trung Quốc giật dây, nhưng nó cũng cho thấy sự bất an cũng như quyết tâm xóa Đài Loan ra khỏi cộng động quốc tế của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không oằn lưng cam chịu!" cơ quan ngoại giao Đài Loan tuyên bố trên Twitter ngày 24.5.
Đây không phải là lần đầu tiên Burkina Faso cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Năm 1973, quốc gia thuộc khu vực Tây Phi này chấm dứt qua lại với Đài Bắc nhưng sau đó nối lại vào năm 1994.
Tình hình hiện nay xem ra đã khác. Phát biểu sau lễ ký thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ngày 28.5, Ngoại trưởng Burkina Faso Alpha Barry thông báo một đoàn chuyên gia Trung Quốc sắp sửa sang nước này trong một vài ngày tới. Ông Barry không giấu diếm hi vọng quốc gia của ông sẽ nhận được viện trợ phát triển từ Bắc Kinh và đạt được một thỏa thuận đáng kể trước tháng 9 tới.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của nước này. Bắc Kinh lập luận rằng Đài Loan, với tư cách là một tỉnh của Trung Quốc, không có quyền thiết lập quan hệ ngoại giao với nước khác.
Cách đây vài tuần, Trung Quốc còn làm căng với các hãng bay quốc tế khi mô tả Đài Loan là một quốc gia độc lập.
Không có mục tiêu nào là quá nhỏ để bỏ qua. Tại thị trấn nhỏ xíu Rockhampton của nước Úc xa xôi, hình lá cờ Đài Loan được vẽ đóng khung trong hình dạng một chú cá và được trưng bày trước công chúng trong một dự án nghệ thuật trẻ em đã bị sơn chồng lên bằng màu xanh ngay sau khi Bắc Kinh biết chuyện.
Chuyện vặt với Trung Quốc?
Không phải ngẫu nhiên khi bà Thái Anh Văn thăm Swaziland hồi đầu tháng này. Nhà lãnh đạo Đài Loan cũng tranh thủ sự ủng hộ song song đưa ra các lời hứa hẹn với Tổng thống Haiti Jovenel Moise khi ông tới vùng lãnh thổ này ngày 29.5.
Bốn quốc gia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền bao gồm Cộng hòa Dominica, Sao Tome và Principe, Panama và Burkina Faso.
Vatican dự kiến sẽ là quốc gia tiếp theo quay lưng với vùng lãnh thổ Đài Loan khi thành quốc này và Trung Quốc đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận về việc chỉ định các giám mục Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại chỉ còn 19 quốc gia công nhận Đài Loan, chủ yếu là các nước nhỏ và nghèo tại khu vực Trung Mỹ, Thái Bình Dương.
Rõ ràng là so với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các quốc gia này không thể sánh được và Trung Quốc cũng không đặt nặng chuyện giao thương với họ. Cái Bắc Kinh cần là tính chính danh và chiến thắng về mặt chính trị trước chính quyền Đài Bắc trên trường quốc tế.
Điều này thể hiện khá rõ trong tuyên bố ngày 28.5 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi kêu gọi Swaziland từ bỏ Đài Loan để quay về với chính đạo là "gia đình hữu nghị Trung Quốc - châu Phi".
Mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đang trong giai đoạn căng thẳng dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Thái Anh Văn. Thời kỳ hòa dịu kết thúc khi ông Mã Anh Cửu rời chính trường năm 2016. Ông Mã vừa bị tuyên 4 tháng tù vì làm lộ bí mật an ninh quốc gia - Ảnh: REUTERS
"Đài Loan trân quý mối quan hệ với các đồng minh nhưng sẽ không nhúng tay vào cái gọi là ngoại giao đôla. Chúng tôi tập trung vào việc thúc đẩy các hợp tác trong cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, giáo dục, y tế và đầu tư. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó một cách bền vững và có trách nhiệm", nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn viết trên Twitter ngày 1-5 sau khi Cộng hòa Dominica cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. 3 tuần sau đó, đến lượt Burkina Faso ngả vào vòng tay Trung Quốc.
Nói như giáo sư Richard W. Hư thuộc Đại học Hồng Kông, chuyện các nước nhỏ yếu rời bỏ Đài Bắc sẽ chỉ còn tính "bằng tháng" và Bắc Kinh sẽ tiếp tục chuyện này trong vài năm nữa.Việc Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này và quyết liệt trong việc bảo vệ chủ quyền là điều dễ hiểu. Trớ trêu thay, khi Bắc Kinh hành động cứng rắn và kêu gọi quốc tế đứng về họ trong vấn đề Đài Loan, họ lại xem nhẹ chủ quyền của nước khác và chà đạp luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
BẢO DUY