Nghị quyết lịch sử này điểm lại các dấu mốc lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), từ thời kỳ khởi đầu nhiều biến động tới kế hoạch của Tập Cận Bình nhằm đưa vị thế đất nước thành một cường quốc toàn cầu.
Đây là nghị quyết lịch sử thứ ba được CCP thông qua từ khi thành lập, sau văn kiện năm 1945 của Mao Trạch Đông nhằm xác lập mục tiêu của đảng, cùng "Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử từ khi dựng nước đến nay" năm 1981 của Đặng Tiểu Bình.
Với độ dài hơn 36.000 chữ, nghị quyết do ông Tập trình bày dài hơn so với hai văn bản được viết dưới thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, có độ dài lần lượt là 27.700 và 34.100 chữ.
Hội nghị Trung ương 6 hôm 11.11 đã ra thông cáo tóm tắt về nghị quyết, nhưng đây là lần đầu tiên toàn văn văn kiện được công bố, cung cấp cái nhìn chi tiết hơn về các nội dung được ông Tập trình bày.
Nghị quyết tái khẳng định các kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong đấu tranh chống tham nhũng, chống lại ảnh hưởng từ các tư tưởng dân chủ phương Tây, coi Internet là mặt trận mới trong cuộc chiến tư tưởng, cũng như nhấn mạnh mục tiêu thống nhất đảo Đài Loan. Nghị quyết này không coi thống nhất hòn đảo là mục tiêu ngắn hạn, song bày tỏ niềm tin Trung Quốc "cuối cùng sẽ đạt được sự thống nhất toàn diện với Đài Loan".
Về kinh tế, nghị quyết khẳng định Trung Quốc không đánh đổi tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu khác như đổi mới và bảo vệ môi trường. "GDP không thể là tiêu chí duy nhất của thành công", nghị quyết trích tuyên bố của Ban Chấp hành Trung ương CCP.
Nghị quyết đưa ra cam kết "không thể lay chuyển" trong thúc đẩy các công ty quốc doanh cũng như hỗ trợ, định hướng khu vực tư nhân. Phát triển "khả năng tự lực" về công nghệ của đất nước được coi như một mục tiêu kinh tế chiến lược.
Một số mục tiêu khác được nêu trong nghị quyết gồm duy trì thịnh vượng ở Hong Kong và Macau cũng như cải cách sâu rộng, mở cửa, thúc đẩy thịnh vượng chung.
Không chỉ tập trung vào thành công của CCP trong hơn 100 năm qua, nghị quyết lịch sử cũng đề cập đến một số sai sót của đảng, trong đó coi chiến dịch Đại Cách mạng Văn hóa và Đại nhảy vọt là "những sai lầm lớn về chính sách". Nghị quyết cho rằng CCP đã bảo vệ được "lợi ích căn bản của người dân" trước "bất ổn chính trị nghiêm trọng" ở Trung Quốc năm 1989, nhưng không đề cập đến biểu tình Thiên An Môn.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng cho rằng biểu tình ở Thiên An Môn là "bất ổn chính trị mà chính quyền trung ương cần dập tắt".
Theo nghị quyết lịch sử, Đảng Cộng sản Trung Quốc coi ông Tập Cận Bình là "nòng cốt cho toàn đảng". "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới là chủ nghĩa Mác của Trung Quốc đương đại, chủ nghĩa Mác của thế kỷ 21, là bản sắc văn hóa và tinh thần Trung Quốc của thời đại", nghị quyết viết.
Theo VnExpress