Trong 8 người đó có một người quan hệ mật thiết với người vợ thứ hai của cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang.
Chu Vĩnh Khang trong chuyến thị sát Vân Nam năm 2012 - Ảnh: THX
Trang web của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương xác nhận ông Thân Duy Thần - cựu bí thư Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Trung Quốc đã bị bắt do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ Bắc Kinh và giới truyền thông nước này thường sử dụng để ám chỉ tội tham nhũng. Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), cùng với Thân Duy Thần còn có bảy quan chức khác bị bắt với lý do tương tự. Trong đó phải kể đến phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn Tây Kim Đạo Minh, cựu thị trưởng thành phố Lữ Lương Đinh Tuyết Phong.
Các quan chức này có mối quan hệ đáng kể với ông Chu Vĩnh Khang. Các nguồn tin của SCMP khẳng định ông Đinh Tuyết Phong bị bắt vì có quan hệ thân cận với bà Giả Hiểu Diệp, người vợ thứ hai của ông Chu Vĩnh Khang, nhỏ hơn ông 28 tuổi. Theo đó, ông Đinh đã đưa 20 triệu nhân dân tệ (3,2 triệu USD) cho bà Giả Hiểu Diệp để mua chức thị trưởng ở Lữ Lương vào năm 2012, không lâu trước khi ông Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu.
SCMP dẫn lời giáo sư Dương Minh, chuyên gia khoa học chính trị thuộc Đại học Nhân dân, nhận định: “Sơn Tây là một khu vực giàu khoáng sản. Chính điều này đã dẫn đến sự thông đồng của các chủ khai thác và các quan chức. Thương nhân và quan chức thường hình thành mối liên hệ mật thiết để chia sẻ lợi ích với nhau”.
Thông tin về vòng vây siết quanh ông Chu Vĩnh Khang đang thu hút sự quan tâm của báo chí Trung Quốc và quốc tế. Trong những ngày qua, truyền thông nước này liên tục đưa tin hàng loạt người thân và cựu trợ lý của ông Chu Vĩnh Khang đã bị điều tra hoặc bắt giữ, với tổng tài sản bị tịch thu lên đến 14,5 tỉ USD.
Trước khi về hưu, Chu Vĩnh Khang là người nắm giữ các chức vụ trọng yếu nhất trong ban lãnh đạo Trung Quốc. Chu đảm nhận chức vụ bí thư Ủy ban Chính pháp trung ương - cơ quan giám sát cơ quan tư pháp, công an và các cơ quan an ninh quốc gia.
ĐÔNG PHƯƠNG (Tuổi trẻ)