Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục được đẩy lên một mức mới khi Tokyo từ chối thỏa hiệp với Bắc Kinh...
|
Nhật Bản khẳng định không bao giờ thỏa hiệp với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền đối với chuỗi đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Trong ảnh: Tàu Nhật Bản dùng vòi rồng phun nước xua đuổi tàu Đài Loan ra khỏi khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 25-9
|
Sau các cuộc ngoại giao con thoi giữa Nhật Bản và Trung Quốc chưa đạt được tiến bộ nào đáng kể trong tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Xen-ca-cu)/Điếu Ngư thì ngày 27-9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (Y-ô-si-hi-cô Nô-đa) tuyên bố sẽ không bao giờ thỏa hiệp với Trung Quốc về vấn đề này.
Nhật Bản tin tưởng sẽ chiến thắngPhát biểu với báo giới bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Niu Y-oóc, Mỹ) sáng 27-9, Thủ tướng Nhật Bản Noda khẳng định sẽ không bao giờ thỏa hiệp với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền đối với chuỗi đảo tranh chấp Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. “Với Senkaku, chúng là phần lãnh thổ cố hữu theo lịch sử và luật lệ quốc tế. Vì thế, không thể có bất kỳ thỏa hiệp nào thoái lui khỏi lập trường này”, ông Noda khẳng định. Thủ tướng Noda cũng lên án những hành vi tấn công nhằm vào các lợi ích của Nhật Bản đồng thời tuyên bố, Trung Quốc đã hiểu nhầm các vấn đề đang được bàn thảo và yêu cầu người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc chấm dứt các hành vi tấn công công dân cũng như các lợi ích thương mại của Nhật Bản tại nước này.
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, việc chuyển quyền sở hữu một số hòn đảo từ cá nhân sang chính phủ quản lý hoàn toàn phù hợp với luật pháp nước này. "Đây không phải là việc chiếm dụng mới. Nó thuộc sở hữu cá nhân của một công dân Nhật và được chuyển quyền sở hữu theo luật của Nhật Bản. Chúng tôi đã giải thích điều này rất nhiều lần với Trung Quốc. Nhưng dường như phía Trung Quốc không hiểu điều đó, và vì không hiểu nên đã xảy ra các hành động bạo lực và phá hủy đối với các tài sản và công dân Nhật Bản tại đó". Tại cuộc gặp này, phái đoàn Nhật Bản cũng đã cung cấp cho các phóng viên bản sao những tài liệu mà họ nói củng cố cho tuyên bố chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo này, trong đó có cả những bản sao bản đồ của Trung Quốc từ năm 1932 và 1960 ghi rõ những đảo này là lãnh thổ của Nhật Bản.
Trung Quốc đòi Nhật Bản phải "đối mặt với lịch sử"Ngày 27-9, Trung Quốc đã chỉ trích bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, đồng thời cáo buộc Tokyo (Tô-ki-ô) xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và vi phạm luật quốc tế. Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương chỉ trích Nhật Bản đã phớt lờ sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế, vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và công khai phủ nhận những thành quả của Thế chiến II. Ông Tần Cương nói: "Nước này đã thách thức trật tự quốc tế thời hậu chiến một cách nghiêm trọng song lại tìm cách lấy các điều khoản trong luật pháp quốc tế làm vỏ bọc. Hành động này là tự lừa dối mình". Ông Tần yêu cầu Nhật Bản "đối diện với lịch sử và tuân thủ nghiêm các nguyên tắc trong luật pháp quốc tế, chấm dứt toàn bộ các hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác".
Tổn thất về kinh tế do cuộc tranh cãi giữa hai đối tác thương mại lớn nhất thế giới này đang tăng lên hằng ngày. Ngày 27-9, hãng hàng không Nhật Bản ANA cho biết đã hủy 40 nghìn chỗ đặt trước trên các chuyến bay giữa Nhật Bản và Trung Quốc cho tới tận tháng 11. Hai hãng sản xuất ô-tô khổng lồ của Nhật Bản là Toyota và Nissan cũng phải cắt giảm sản xuất ở Trung Quốc do nhu cầu về xe hơi Nhật giảm mạnh. Trong bài trả lời phỏng vấn của Wall Street Journal số ra ngày 25-9, Thủ tướng Nhật Bản Noda đã cảnh báo Trung Quốc rằng, phản ứng kích động của nước này đối với tranh chấp quần đảo Senkaku từ những vụ biểu tình bạo lực cho đến việc ngừng giao dịch không chính thức có thể làm suy yếu thêm nền kinh tế Trung Quốc vì sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài xa lánh.
PHƯƠNG LINH(tổng hợp)Philippines tìm kiếm cơ hội từ căng thẳng Trung - Nhật
Phát biểu trước báo giới ngày 26-9, Thứ trưởng Thương mại Philippine (Phi-líp-pin) Cristino Panlilio (Crít-ti-nô Pan-li-li-ô) nói rằng nước này đang tìm kiếm cơ hội thu hút các khoản đầu tư từ các công ty Nhật Bản đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ông Panlilio cho biết, chính phủ nước này đang mời gọi 15 công ty bị ảnh hưởng chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc tới Philippines. Để thu hút đầu tư, chính quyền Philippines đã quyết định giảm thuế kết hợp với việc quảng bá Philippines có cộng đồng dân cư học vấn cao, kinh tế ổn định và Tổng Benigno Aquino (Bê-ni-nô A-ki-nô) đang nỗ lực chống tham nhũng.
|