Tất bật trọng tài thể thao nghiệp dư

02/01/2018 09:42

Phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ đã kéo theo lực lượng trọng tài nghiệp dư của tỉnh tăng nhanh chóng.


Nhiều năm nay, trọng tài Lê Huy Tuấn luôn được các đội bóng tin tưởng mời cầm còi

"Chạy sô"

Bất chấp cái giá rét của buổi chiều đông, hằng ngày, sau khi kết thúc giờ làm việc tại Nhà Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh, anh Lê Huy Tuấn lại khẩn trương chuẩn bị trang phục, còi và những chiếc thẻ vàng, thẻ đỏ đến các sân bóng làm trọng tài. Chiều tối hôm nay, ca đầu anh Tuấn bắt cho trận giao lưu giữa hai đội FC 34 và The King tại sân bóng đá cỏ nhân tạo Hoa Na (TP Hải Dương). Anh Tuấn chia sẻ: "Sau trận đấu này, tôi chỉ có 10 phút để đến sân bóng đá Thành Đông để tiếp tục cầm còi một trận đấu khác".

Không chỉ có anh Tuấn, các anh em tổ trọng tài của TP Hải Dương với 15 thành viên đều khá bận rộn. Mỗi buổi chiều tối, các trọng tài bóng đá thường bắt ít nhất 1 trận đấu, có hôm 3 trận liền. Những ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết diễn ra các giải đấu lớn, họ phải bắt liên tục 4 - 6 trận từ sáng đến tối. Các trọng tài không chỉ làm việc trên địa bàn tỉnh mà còn tham gia nhiều sân chơi ngoài tỉnh.

Tuy không tất bật bằng anh em trọng tài ở thành phố nhưng trọng tài ở các huyện cũng khá bận rộn, nhất là ở những vùng có phong trào thể thao phát triển như các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Kinh Môn, Kim Thành... Trong năm, ngoài tham gia làm trọng tài cho các giải cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, bơi, điền kinh... do địa phương, ngành tổ chức, các trọng tài còn được mời bắt ở những sân bóng đá dịch vụ trong và ngoài huyện. "Tôi làm trọng tài được hầu hết các môn thể thao phong trào. Vừa làm công việc chuyên môn cộng thêm vai trò trọng tài nên tôi khá bận rộn", anh Phùng Văn Huynh, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Đông (Cẩm Giàng) nói.  

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm người làm trọng tài nghiệp dư. Phần lớn họ là những huấn luyện viên, giáo viên thể dục, cán bộ ở các trung tâm thể dục, thể thao. Tuy là nghề "tay trái" nhưng nguồn thu nhập từ công việc trọng tài cũng góp phần đáng kể giúp họ trang trải cuộc sống. Trong đó nhiều việc và có thu nhập ổn định nhất là trọng tài bóng đá. Mỗi trận, họ được trả 150.000 - 200.000 đồng.

Giúp trận đấu thêm chuyên nghiệp  

Anh Phạm Ngọc Sơn, chủ sân bóng đá cỏ nhân tạo Hoa Na cho biết: "Hằng tuần, trên sân diễn ra hàng chục trận bóng. Ngoài những buổi đá tập, còn các trận đấu giữa các câu lạc bộ, đội với nhau họ đều thuê trọng tài. Chúng tôi luôn có danh sách của trên dưới 10 trọng tài để khi các đội bóng cần là có".

Dù là các hoạt động thi đấu, giao lưu thể thao phong trào nhưng khi có sự xuất hiện của trọng tài, không khí trận đấu trở nên nghiêm túc hơn, bài bản hơn bởi các trận đấu được điều hành khách quan, đúng luật. Anh Lê Huy Hiếu, đội bóng đá FC 34 (TP Hải Dương) cho biết trước đây khi thi đấu giao lưu, đội thường cử một cầu thủ ra làm trọng tài. Tuy cầu thủ này cũng nắm chắc luật nhưng kỹ năng điều hành thiếu bài bản và đôi lúc chưa khách quan. Sau đó, đội quyết định thuê trọng tài. "Có trọng tài điều hành, tinh thần, thái độ của các cầu thủ thay đổi hẳn. Họ trở nên nghiêm túc, chấp hành luật hơn. Không còn tình trạng cãi vã trên sân khi có pha bóng nhạy cảm và hạn chế được những tình huống chơi xấu, văng tục, chửi bậy trên sân", anh Hiếu nhận xét.

Thông qua điều hành, các trọng tài còn trở thành người tuyên truyền, phổ biến luật thi đấu các môn thể thao rất hiệu quả. Nhất là đối với người mới chơi thể thao chưa nắm chắc luật. Ngoài ra, trọng tài còn nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ các chủ sân, ban tổ chức giải tổ chức, điều hành hoạt động bài bản, chỉn chu hơn.

Để trở thành trọng tài có uy tín đối với các giải đấu, các câu lạc bộ, đội bóng không hề đơn giản. Đối với môn bóng đá, không phải trọng tài nào vào sân cũng thể hiện được uy tín. Để điều khiển tốt một trận đấu bóng đá, ngoài nắm chắc luật, trọng tài còn phải có khả năng quan sát, phán đoán, chọn vị trí tốt, "đọc" trận đấu. Chỉ cần mất tập trung, khi xảy ra lỗi không biết xử lý thế nào sẽ mất uy tín và sẽ "ế" dài, không còn được mời bắt bóng.

Trọng tài Lê Huy Tuấn cho biết để cầm còi được, anh phải học từ cách thổi còi, từng động tác điều hành, cách xử lý tình huống. Quan trọng nhất là trọng tài phải làm chủ trận đấu. Không chỉ bắt đúng luật, trọng tài còn phải biết điều tiết trận đấu. Anh Tuấn lấy ví dụ: "Lúc cầu thủ hai bên đang có cái đầu nóng phải tìm cách hạ nhiệt bằng cách tuýt còi nhiều lần, kiên quyết xử lý lỗi thô bạo. Cùng với đó là thái độ ôn hòa, cởi mở kèm theo lời động viên, nhắc nhở nhẹ nhàng".

Nhiều giải đấu được đầu tư lớn nên tính chất mỗi trận đấu rất căng thẳng. Trọng tài Nguyễn Duẩn (Thanh Miện) nhận xét: "Đội thắng thì không sao, còn đội thất bại có thể quay sang gây sức ép, thậm chí còn đổ lỗi, dọa nạt trọng tài. Một số trận đấu xảy ra xô xát giữa hai bên, chúng tôi phải nhờ đến lực lượng an ninh hỗ trợ".

Dù là nghiệp dư nhưng đội ngũ trọng tài vẫn mong muốn thành lập được một tổ chức để hoạt động bài bản, quy củ hơn. Đồng thời họ mong  được tập huấn thường xuyên, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng điều hành thi đấu. Cũng qua tổ chức này, trách nhiệm, quyền lợi của trọng tài nghiệp dư được bảo đảm, nâng cao hơn.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Tất bật trọng tài thể thao nghiệp dư