Sân vận động thôn: Nhiều nơi có cũng như không

19/09/2020 11:03

Sân vận động thôn ở nhiều nơi bị bỏ hoang, không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan nông thôn mới.


Cỏ mọc um tùm ở sân vận động thôn Trung, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng)

Trong khi ở nhiều đô thị, người dân phải thuê sân vận động (SVĐ) để chơi các môn thể thao thì tại nhiều vùng nông thôn, SVĐ thôn không được sử dụng, gây lãng phí.

Làm nơi "trồng cỏ"

SVĐ thôn Ngọc Trại, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) lâu nay cỏ dại mọc um tùm, từ xa nhìn giống như một thửa ruộng bỏ hoang. Một số người dân ở đây cho biết trước kia thôn có tổ chức một số hoạt động thể thao nhưng đã lâu sân không được sử dụng, là nơi thả trâu bò. Hoạt động thể thao quần chúng của thôn cũng rất trầm lắng. Người tham gia hoạt động thể dục thể thao đều đã lớn tuổi và chủ yếu đi bộ ngoài đường. Toàn xã Ngọc Kỳ có 5 SVĐ ở các thôn Tứ Kỳ Thượng, Kim Đôi, Đại Đình, Ngọc Lý, Ngọc Trại thì chỉ có SVĐ thôn Kim Đôi và Tứ Kỳ Thượng thỉnh thoảng có học sinh đá bóng.

Không chỉ ở Ngọc Kỳ, SVĐ thôn bị lãng phí là tình trạng chung tại nhiều nơi trong tỉnh. Thôn Trung, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) cũng có 1 SVĐ nhưng cỏ dại mọc khắp mặt sân, cao hàng chục cm. "Nếu vị trí này xây dựng cụm dân cư hoặc lát gạch, kê ghế đá thì vừa tăng nguồn thu cho thôn lại vừa tạo cảnh quan", ông T. ở thôn Trung nói. Tại xã Cẩm Đông, SVĐ thôn Thượng cũng trong tình cảnh tương tự.

107 thôn, khu dân cư của huyện Cẩm Giàng hiện có 114 SVĐ. Trong đó, 4 SVĐ ở thôn Vĩnh Lại (Cẩm Đông), Phú An (Cao An) và Đông Giao, Mậu Thìn (Lương Điền) được xã hội hóa làm mặt cỏ nhân tạo, số còn lại là sân đất. Phần lớn các SVĐ ở vị trí đẹp, vuông vắn, diện tích lớn nhưng không được quan tâm tu sửa khiến nhiều sân xuống cấp rất lãng phí, ảnh hưởng đến phong trào thể thao quần chúng.

Qua rà soát có một số SVĐ thôn hoạt động thường xuyên, tạo phong trào thể thao sôi nổi ở các thôn, khu dân cư. Điển hình như thôn Mỹ Hảo (Ngọc Liên) dành đất làm SVĐ, được thanh niên hưởng ứng kêu gọi xã hội hóa lắp đặt ghế đá, thường xuyên sửa chữa mặt sân, làm hàng rào. Không chỉ thanh niên trong làng thường xuyên đá bóng, đây còn là nơi tổ chức nhiều giải bóng đá giữa các thôn trong và ngoài xã. Tuy vậy, đây chỉ là số ít, còn lại hầu hết SVĐ đang bị bỏ hoang hóa.

Nguyên nhân chủ quan

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hoặc phấn đấu đạt danh hiệu thôn, khu dân cư văn hóa, nhiều nơi đã xây dựng SVĐ thôn. Mặc dù vậy, việc khai thác và phát huy tác dụng của SVĐ chưa được quan tâm.

Thực tế cho thấy nếu nơi nào quan tâm đến phong trào thể dục thể thao, có sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân thì SVĐ được sử dụng. Theo lý giải của đại diện một số Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao cấp huyện, SVĐ thôn ở nhiều nơi bị bỏ hoang còn do người làm phong trào không quan tâm đưa được môn thể thao phù hợp đến với người dân địa phương. Không chỉ bóng đá, SVĐ còn có thể là nơi tổ chức bóng chuyền, bóng chuyền hơi... cho nhiều lứa tuổi. Thanh niên ở nhiều thôn, khu dân cư trong tỉnh đã thoát ly hoặc vẫn ở địa phương nhưng đi làm tại các doanh nghiệp, tan tầm muộn cũng là nguyên nhân khiến SVĐ ít hoặc không được sử dụng...

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 957 trong tổng số 1.343 thôn, khu dân cư có SVĐ đạt chuẩn. Ngoài ra, cũng còn nhiều sân có từ trước, không nằm trong quy hoạch, không đủ diện tích ở các thôn, khu dân cư. Theo ông Vũ Mạnh Huy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện Cẩm Giàng, việc SVĐ bỏ hoang phí đang là tình trạng chung ở nhiều địa phương. Không chỉ lãng phí diện tích, SVĐ bỏ hoang còn ảnh hưởng đến cảnh quan nông thôn mới và khiến nhiều người dân đặt câu hỏi phải chăng xây dựng SVĐ thôn chỉ mang tính hình thức? Vì vậy, ngoài ngành văn hóa, chính quyền các địa phương cần quan tâm tuyên truyền, khuyến khích phát triển phong trào thể dục thể thao ở từng địa phương, cũng như tận dụng hiệu quả các SVĐ...

CẨM GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân vận động thôn: Nhiều nơi có cũng như không