HĐQT VPF đã duyệt mức đãi ngộ mới cho lực lượng trọng tài làm việc ở mùa giải 2012 với khoảng 10 triệu đồng/trận đối với trọng tài chính.
4 trọng tài bị loại sau hai phần kiểm tra bắt buộc
Trong 4 ngày tập huấn vừa qua (từ 12 đến 16-12), Ban trọng tài lẫn VPF đều quyết tâm đưa công tác quản lý - giáo dục trọng tài vào quy củ. Nhất là khâu sàng lọc lực lượng ngay từ đầu đã được thể hiện quyết liệt. Ngoài các buổi giảng chính khóa, Ban trọng tài cũng có cuộc sát hạch nghiêm khắc về thể lực, sức khỏe lẫn yếu tố chuyên môn của 100 trọng tài có mặt tại Đà Nẵng lần này.
Vào ngày 13-12, toàn bộ trọng tài bước vào môn thi chạy kiểm tra độ bền thể lực. So với năm trước chỉ thi 8 vòng, Ban trọng tài nâng lên thành 12 vòng. Đây là bài test bắt buộc bảo đảm "Vua sân cỏ" đủ sức đáp ứng các trận đấu căng thẳng tới đây. Sau gần nửa ngày kiểm tra, có 3 trong số 100 trọng tài không vượt qua bài thi sức bền.
Đến sáng 15-12, các trọng tài còn lại tiếp tục bước vào giai đoạn khám sức khỏe, kiểm tra tố chất. Trong đợt kiểm tra này, có thêm 1 trọng tài bị loại do bị huyết áp cao quá quy định. Như vậy, sau 2 phần kiểm tra bắt buộc, Trưởng ban trọng tài, ông Dương Vũ Lâm, có thể an tâm về số trọng tài sẽ điều khiển tại Super League (tên mới của V-League) và giải hạng Nhất (đổi tên thành V-League II).
Trong những ngày ở Đà Nẵng, 2 vấn đề mấu chốt khác cũng được đưa thảo luận. Đầu tiên việc nâng cao chế độ của lực lượng giám sát và trọng tài. Theo đó, trọng tài chính sẽ có chế độ 8 triệu đồng/trận, trọng tài biên sẽ có mức chế độ 5 triệu đồng/trận. Riêng tiền ăn uống đi lại trong 4 ngày cầm còi được nâng lên mức phí 500.000 đồng/ngày, riêng 3 ngày không cầm còi sẽ được chi tầm 100.000 đồng tiền ăn. Mức chế độ của giám sát lẫn trọng tài thổi V-League II cũng dao động từ 3-5 triệu đồng/trận.
Với mức phê duyệt chế độ mới, các trọng tài đều rất hài lòng với sự thay đổi trong cơ chế từ VPF lẫn Ban trọng tài. Đó là sự thay đổi bắt buộc và kịp thời để cho "Vua sân cỏ" hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tất nhiên, cám dỗ từ bên ngoài vẫn rất lớn, ngoài việc các trọng tài tự bảo vệ mình, Ban trọng tài cũng như VPF cũng cần một bên thứ 3 tác động để vừa răn đe vừa bảo vệ trọng tài...
VPF mời C45 vào chống tiêu cực
Ngay sau khi nhậm chức, TGĐ VPF, ông Phạm Ngọc Viễn, đã ngay lập tức bay vào Đà Nẵng để gặp mặt đội ngũ trọng tài điều hành giải. Theo khẳng định của ông Viễn, VPF quyết tâm thay đổi giải chuyên nghiệp theo từng bước nhỏ. Không chỉ từ khả năng quản lý - điều hành từ BTC, sự đầu tư bài bản từ các CLB, mà còn quan tâm tới lực lượng điều khiển trận đấu. Nếu các trọng tài tốt mới giúp các trận đấu diễn ra thành công như mong đợi.
Chính ông Viễn lẫn HĐQT VPF đã nhanh chóng phê duyệt mức chế độ mới cho lực lượng trọng tài. Ông Viễn khẳng định các trọng tài sẽ nhận tất cả các chế độ ăn ở, đi lại, tiền phục vụ tầm 10 triệu đồng/trận (tính ở Super V-League) đã giải quyết phần nào vấn đề. Nhưng các trọng tài vẫn phải tự tránh xa cám dỗ, bởi chuyện một CLB có thể chi vài trăm triệu mua chuộc trọng tài có thể xảy ra. Và trong trường hợp ấy, Ban trọng tài lẫn người sát sao bên cạnh trọng tài là lực lượng giám sát cũng phải có một phần trách nhiệm.
Còn nhiệm vụ thứ 2, VPF cần mời thêm lực lượng an ninh vào cuộc để thực hiện mọi việc triệt để hơn. Vừa qua, VPF vừa mời Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng vào chức danh Cố vấn an ninh. Dù mới về hưu, "tướng" Hưởng nổi tiếng người có chuyên môn về công tác an ninh và phòng chống tiêu cực trong quá khứ.
Ngoài ra, VPF cũng cậy nhờ lãnh đạo đầu ngành Cục C45 (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công An) vào cuộc để bảo vệ từ phía sau cho công tác trọng tài. Không những thế, cục C45 cũng hợp tác trong việc điều tra những nghi án bán độ có thể xảy ra trong thời điểm mùa giải bắt đầu. Hẳn nhiên với sự xuất hiện lực lượng điều tra, độ trong sạch và khách quan sẽ được nâng lên mức cao hơn là điều tính tới.
Kết thúc buổi tập huấn tại Đà Nẵng, VPF lẫn Ban trọng tài tự tin hướng đến một mùa giải mới. Đã có sự thay đổi dữ dội về thượng tầng trước mùa giải mới diễn ra để thay đổi dần thói quen làm bóng đá ở Việt Nam. Đó là tiền đề để VPF lẫn Ban trọng tài lành mạnh hóa bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Phan Anh (VnM)