“Cái ông nhiều thóc nhất vùng Nam Sách còn ở đây không đấy?”.
“Cái ông nhiều thóc nhất vùng Nam Sách còn ở đây không đấy?”. Nghe tiếng ông Thức ngoài cổng trang trại, ông Yên ngừng cộng sổ, từ trong nhà tranh, đon đả mời ông bạn già vào uống nước bằng chất giọng của một người hào sảng. “Tôi vừa pha trà đấy. Mời ông ngồi!”. Suốt bao năm, hai ông vẫn giữ mối thâm tình. Lúc rảnh rỗi hay khi tâm trạng không vui, ông Thức thường tìm ra chốn mênh mông mà cũng thơm ngát này của ông Yên, nơi đã làm tiếng ông trở nên thơm nức: Người nhiều thóc nhất vùng này.
Nhớ cách đây hơn hai chục năm, cả khu vực lút đầy cỏ dại, nước ngập xâm xấp chỉ để vỗ béo mấy bác đánh dậm, đánh lươn. Nhờ chính quyền tạo điều kiện cho thuê lại, với sự chăm chỉ của hai vợ chồng ông Yên cùng bầy con cháu đằng đẵng hơn một năm, đã mọc lên khu vườn cây ăn quả xanh tốt, cùng mấy cái ao thả cá, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Rồi chuyện ông dồn điền, đổi thửa, xin ruộng bỏ hoang, biến thành hơn hai mươi mẫu ruộng, đầu tư máy móc gieo sạ. Nhiều người lắc đầu lè lưỡi, cho rằng ông liều, nhưng ông Yên yên tâm với quyết định của mình. “Công ty gia đình” do ông chỉ huy mỗi vụ thu năm mươi tấn thóc, cả vùng bái phục.
Thấy khuôn mặt ông Thức không vui, ông Yên hỏi:
- Nhìn mặt ông là biết lại có chuyện gì muốn tâm sự rồi. Tôi xin nghe!
Hơn bảy chục tuổi đầu, mà cái kiểu từ thời thanh niên vẫn không đổi, hễ có gì khó nói là mặt ông Thức lại đỏ bừng lên. Ông Yên phải bồi thêm một câu rằng bạn bè nhiều năm, việc cần chia sẻ thì nên nói ngay. Ông Thức hơi lắc, rồi lại gật đầu.
- Ừ, thì lại là chuyện gia đình thôi ông. Thằng cu út cưới xong đó, đòi ăn riêng ngay, vợ chồng tôi khuyên thế nào cũng chẳng được. Ông có bí quyết gì mà “trị” gia đình giỏi vậy?
Phía sau câu hỏi đầy vị nể của ông Thức còn có ước muốn và tiếng thở dài. Hai ông cùng tuổi, sinh ra cùng xóm Sõi ven sông Kinh Thầy, tuổi niên thiếu cùng uống nước giếng Thiên Ân đầu làng, thời thanh niên cùng lên đường nhập ngũ, chiến đấu cùng đơn vị rồi một người chuyển đơn vị khác. Thống nhất, ông Thức về địa phương trước ông Yên một tháng sáu ngày. Hai người lại cùng cưới vợ trong một năm, thế mà hoàn cảnh khác nhau quá. Ông Yên thì sinh một lèo bốn đứa con, cuộc sống an yên. Còn ông Thức chật vật mãi mới sinh được hai con. Một thằng lấy vợ đã có hai con, đòi bố phải mua cho bằng được suất đất ở ngã tư làng để bán hàng tạp hóa. Nhưng rồi dính bài bạc, nợ nần, suất đất đã làm nhà hai tầng cũng bốc hơi. Mất của, thằng nhớn đâm ra liều lĩnh, rượu chè mê muội. Ông Thức phải xây tạm cho gian nhà ở bên cạnh mình, được một thời gian lại đòi dọn về nhà bố mẹ vợ. Giờ thằng nhớn bỏ vợ con, nay đây mai đó. Ông Thức trông cậy vào thằng con thứ hai. Trước khi cưới vợ, ông bà đã động viên con học gia đình bác Yên. Bốn đứa con đều dựng vợ gả chồng, quây quần bên bố mẹ, làm thành đại gia đình nổi tiếng cả vùng. Thằng thứ vâng dạ. Ông Thức bảo con: “Hai vợ chồng cứ ở cái phòng bố mẹ đã xây cho anh cả. Còn chuyện ăn riêng, cứ từ từ”.
- Nó xô xát với mẹ, hễ to tiếng lại đòi ăn riêng. Tôi khuyên thế nào cũng không được.
Mặt ông Thức căng lên. Là người lính, mang vết thương trong người, ông dễ xúc động, dễ tự ái, tổn thương. Ông lại hay nhìn sang ông bạn Yên, rồi cả nghĩ, mặc cảm.
- Mỗi nhà mỗi cảnh - ông Yên khuyên - Cậu thứ cũng khẩu khí lắm. Tôi tin lúc bình tĩnh lại, dần dần cu cậu sẽ nghe thôi.
Nhấp ngụm nước trà thơm, khuôn mặt giãn ra, thư thái, ông Yên tiếp:
- Ông trưởng thôn nêu cao được phong trào gìn giữ lối sống văn hóa xưa là rất hay, đặc biệt được người dân ủng hộ cao. Gia đình nhiều thế hệ chung sống. Rất tuyệt!
*
Ông Thức nể gia đình ông Yên thì rõ rồi, nhưng cả làng đều chung sự vị nể vì ông Yên làm được những việc mà gia đình khác không làm được. Trong khi gia đình tam, tứ, đại đồng đường gần như tuyệt chủng ở các làng quê và đô thị, thì ông Yên đã làm được việc trọng đại. Ông không chỉ xây cùng lúc bốn cái nhà trên một khoảnh đất, có không gian sinh hoạt chung, mà đại gia đình đều cùng làm, ăn cơm chung mâm và tiêu cùng một túi tiền. Lớn hơn nữa là cả đại gia đình tổng cộng hai mươi ba người mà không hề lộn xộn. Ông sắp xếp, phân công công việc đâu vào đấy, kể cả việc ai chủ trì nấu ăn cũng chỉn chu quan trọng. Với đại gia đình của ông, bình thường bữa cơm trưa sẽ một người lên huyện làm ở ủy ban, hai người con là cán bộ xã, một vài cháu đi học trên thị trấn, nên có thể thiếu người. Bữa tối là gia đình đông đủ tụ họp trong không khí vui vầy, mà mỗi thành viên đều thấy giá trị của mình đã góp phần tạo nên không gian này. Công việc trông nom trang trại vào ban đêm sẽ do con trai thứ hai và thứ ba lo. Tuổi như ông Yên ở cái vùng quê này, nhiều người còn vất vả, nhưng ông đã đàng hoàng, an nhiên hơn chục năm, khuôn mặt lúc nào cũng bừng lên niềm vui, da dẻ hồng hào, không ai nghĩ ông đã hơn bẩy mươi tuổi.
Để nuôi dưỡng cho con cái nết ăn nết ở, đùm bọc nhau, ông Yên được học hỏi, ảnh hưởng nhiều từ cụ Hồng, mẹ đẻ của ông. Người mẹ mà giờ ông vẫn gọi là “u”, xưng “con” và làm việc gì cũng kính cẩn xin ý kiến. Cụ Hồng là người phụ nữ kiên trung nức tiếng, được người làng Kỳ Vỹ vị nể. Chồng cụ hoạt động cách mạng, hy sinh khi đánh bốt Tây. Còn cụ Hồng thuở thanh xuân cũng nghe tiếng tăm đội du kích Hoàng Ngân dội về. Cụ cũng cùng bà con nông dân tham gia phá kho thóc của phát xít, giành chính quyền về tay nhân dân. Ở vùng chiêm trũng, cụ cần mẫn lặng thầm nuôi hai con. Khi đánh Mỹ, cụ cũng tham gia vào đội du kích thôn bảo vệ các công trình thủy lợi trong những năm bị đánh bom. Con lớn, cụ nén nước mắt đồng ý cho con gái lớn xung phong vào chiến trường. Con gái hy sinh, con trai thứ hai là ông Yên tiếp nối truyền thống gia đình, cùng lớp thanh niên ngày đó nô nức lên đường…
Cụ sống thờ chồng nuôi con, để đức cho con cháu. Ông Yên được cụ răn dạy, cộng với bản lĩnh của người lính, đã cùng vợ chăm sóc mẹ già, nuôi nấng con cái, làm nên sức sống của vùng chiêm nghèo khó này. Cụ Hồng tuổi cao, không ra ngoài nhiều, thế mà tân tiến lắm. Cụ dặn con trai: “Bố chúng nó dạy dỗ con thế nào thì dạy, nhưng phải để chúng nó mãi quây quần bên mình. Thế hệ này tiếp nối thế hệ kia nhá”. Chỉ nghe đưa tin trên ti vi rằng gia đình Việt Nam truyền thống đang mất dần, cụ thốt lên: “Dại quá. Sao lại như thế được?”.
Để có đại tổ ấm này, thật tình ông Yên cũng nghĩ nát óc. Trong khi bọn trẻ ra ngoài, học những cái mới, bên cạnh hoa thơm bao giờ cũng có gió độc. Ông phải nêu gương, sáng tạo trong cả cung cách làm ăn và giáo dục. Bài học của cụ Hồng vẫn còn đó, cụ sống vui bên con cháu chắt, rồi có cả đàn sẻ nâu, chào mào trong vườn làm bạn.
Ông Yên noi gương mẹ. Bằng cách mưa dầm thấm lâu, bằng những bài học từ thực tiễn cải tạo khu đất, làm nên cơ ngơi là trang trại cho hoa thơm trái ngọt, xưởng chế biến gỗ, đại lý thức ăn chăn nuôi… các con đã nhiệt liệt ủng hộ. Tỷ dụ như ông nói: “Các con học nhiều, thử trả lời bố rằng một cái cây có làm nên rừng xanh không? Hay cái vườn quả của gia đình mình kia, nếu chỉ có ổi, na, mít, bưởi và chúng đứng riêng ra, liệu có thể làm thành một khu vườn thơm? Cộng đồng nào, gia đình nào cũng vậy. Nền nếp gia phong rất quan trọng và quan trọng mỗi cái cây trong đầu chúng ta đều được chăm sóc tốt, để sinh hoa trái”. Các con ông cứ uống từng lời. Cứ đà này, gia đình hiếu thuận, hạnh phúc, cụ Hồng sẽ rất thọ. Ông Yên hy vọng một năm nữa, gia đình ông sẽ có “ngũ đại đồng đường”.
*
Ấm chè đã cạn. Ông Thức sực tỉnh ra đến lúc ông bạn già phải về ăn cơm cùng đại gia đình. Ông Thức thao thiết:
- Tu mấy kiếp nữa thì tôi mới có được đại gia đình như ông?
Ông Yên nắm tay ông Thức thật chặt, rồi ôn tồn:
- Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng tôi tin bọn trẻ nhà ông chưa hỏng đâu. Ông phải khơi đúng cách, chúng nó vẫn biết tôn trọng bố.
Như sực nhớ ra điều gì, ông Thức luýnh quýnh.
- À, có việc này nữa. Thằng con thứ của tôi rất nể ông. Đặc biệt thích cái khu vườn cây ăn trái vẫn cung cấp hoa quả sạch cho các siêu thị ở thành phố. Lúc nào tôi bảo nó sang, ông chỉ dạy cho nó với, biết đâu ông nói lại hiệu quả.
- Được rồi, tôi sẽ làm.
Ông Yên khép cửa trại, rồi về nơi mọi người đợi cơm tối. Tuần sau, anh con thứ tên Vững của ông Thức đến gõ cửa trang trại, ông Yên rước vào vườn.
Nhìn thấy cây gì Vững cũng mắt chữ a mồm chữ o.
- Người ta nói bác là “vua thóc” xứ này chẳng sai. Cái gì bác làm cũng trọn vẹn, còn bố cháu thì…
Ông Yên nhún vai, cười, rồi kéo Vững đến gốc cây bưởi:
- Cậu thấy cái gốc bưởi này có lớn không? Khá lớn và tạo ra những cái cành khá cường tráng. Từ cành cường tráng mà lá xanh tốt. Như thế thì có hoa tươi, rồi có quả tốt và ngọt. Nhưng cậu ạ, thế hệ tôi và bố cậu già rồi, tư duy có khác nhưng cần phải có sự ủng hộ của thế hệ các cậu. Với cái cây, gốc tốt thì quả tốt. Tôi và bố cậu cũng thế, là gốc. Nhưng gốc cây phải được trồng ở chốn cao. Để thấp mưa xuống, nước đọng, cây dễ chết. Các cậu cũng phải đôn bố các cậu lên. Tưới tình yêu và sự sum suê của các cậu cho ông ấy. Khi kính trọng cha mẹ, các cậu sẽ học được cách tôn trọng mình và sẽ thấy no đủ.
Dẫn Vững đến bất kỳ cây nào đang dâng hương quả mùa thu, ông Yên cũng đều nói được những câu chuyện khơi mở những giá trị, đạo lý làm người. Vững say sưa uống từng lời. Rồi ông Yên chốt lại:
- Các con bác chung tay cùng bác. Chúng ta đôn nhau lên cùng các giá trị. Quê ta hào phóng lắm. Chỉ cần gõ cửa nhiệt tình vào đất đai là đất đai trả lời ta bằng hoa thơm, quả ngọt.
- Cháu sẽ suy nghĩ sâu về những lời của bác - Vững tỏ lòng.
Lúc tiễn Vững về, ông Yên vỗ vai:
- À này Vững ơi, dịp Quốc khánh 2-9, bác cùng bố cháu sẽ đi thăm những người bạn ở xã Hợp Tiến, nơi có phong trào cách mạng sớm nhất tỉnh ta đấy. Mọi người sẽ ôn lại rất nhiều kỷ niệm thời gian khó ở chiến trường. Cháu đi cùng để cháu hiểu thêm thế hệ bác và bố cháu nhé.
Cả Vững và ông Yên đều cười. Hương quả mùa thu đang nhuộm thơm không gian. Phía cánh đồng, mặt trời vàng nhấp nhính nhuộm sắc thu lên những thửa ruộng, hàng cây.
Truyện ngắn của DIÊN KHÁNH