VPF và chuyện "trên bảo, dưới không nghe"

27/08/2021 17:22

Xung đột gần đây giữa VPF và các câu lạc bộ đã vượt quá phạm vi tranh luận thông thường, thậm chí có xu hướng tiến đến việc mạt sát cá nhân dù họ là người cùng một nhà.


Ông Trần Anh Tú, đang giữ vai trò Chủ tịch VPF ở nhiệm kỳ thứ hai, chịu nhiều sức ép từ các câu lạc bộ khi V-League và giải hạng nhất bị hủy vì Covid-19

Sau khi VPF, đơn vị điều hành và tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam, gửi công văn đề nghị Câu lạc bộ Hải Phòng giải trình về những phát ngôn có tính bôi nhọ, công kích của Chủ tịch Trần Văn Hoàn đối với công ty cũng như các lãnh đạo VPF trên một số tờ báo, chính ông Hoàn tuyên bố: "Báo chí viết như thế là... nhẹ. Tôi còn nói nặng hơn".

Ai đúng, ai sai chưa biết, nhưng sự việc lần này lộ ra những điều bất thường trong mối tương quan giữa những người cùng một tổ chức. VPF hay các câu lạc bộ chuyên nghiệp đều là thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), các câu lạc bộ cũng chính là cổ đông của VPF. Nếu có những mâu thuẫn trong công việc hằng ngày thì cũng là chuyện nội bộ, họ cần tự giải quyết với nhau. Người yêu bóng đá nói riêng không nhất thiết phải biết tại sao, và hình ảnh của bóng đá Việt Nam nói chung không đáng chịu tiếng xấu từ những xung đột ấy.

Bóng đá chỉ là một thành viên của cả nền thể thao quốc gia. Nền bóng đá của một quốc gia cũng không gói gọn trong 27 câu lạc bộ của V-League và hạng nhất, hay Công ty VPF. Phía sau đó là các hệ thống đào tạo, hàng nghìn con người vô danh đang làm việc với những khoản thu nhập ít ỏi trong việc gìn giữ phong trào, phát triển tài năng để cho chính các câu lạc bộ chuyên nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất. Những mâu thuẫn ở khu vực chuyên nghiệp chắc chắn sẽ tác động xấu đến phần còn lại. Làm sao những người làm bóng đá phong trào, các bậc phụ huynh hay rộng hơn là những tổ chức xã hội, doanh nghiệp... sẵn sàng đóng góp cho bóng đá khi chính những người quyết định "đầu ra" ở phần trên cùng của nó đang bận... cãi nhau.

Những phát biểu của Chủ tịch Câu lạc bộ Hải Phòng có thể có những ý đúng, nhưng việc công khai chỉ trích, thậm chí là dùng các lời lẽ nặng nề tấn công một vài lãnh đạo của VPF, xem chừng không sòng phẳng. VPF hoạt động theo mô hình cổ phần, ban lãnh đạo cũng như hội đồng quản trị được các cổ đông bầu ra cũng có những chức trách và quyền hạn nhất định đã được giao. Trong một vài trường hợp cụ thể, các quyết định của lãnh đạo Công ty VPF không nhất thiết phải được các cổ đông thông qua. Nếu các cổ đông, cũng chính là các câu lạc bộ, không đồng ý, thì có quyền nêu ý kiến riêng và có thể sử dụng quyền của mình ở đại hội cổ đông hoặc ít nhất là các cuộc họp đầy đủ thành viên. Một câu lạc bộ, một cổ đông công khai chỉ trích chính ban tổ chức và lãnh đạo công ty do mình bầu ra, thì chắc chắn không phải là chuyện tốt đẹp. Đấy là chưa nói, những quyết định về chuyên môn của VPF cũng không phải là cuối cùng, vì còn phải được thông qua bởi VFF, và cũng bằng hình thức bỏ phiếu biểu quyết của Ban chấp hành - vốn đại diện cho nhiều thành phần của nền bóng đá chứ không chỉ là các câu lạc bộ chuyên nghiệp.

Vấn đề tai hại ở chỗ, đây không phải là lần đầu mà các câu lạc bộ lên trên truyền thông để chỉ trích "người nhà". VPF có đến 24 cổ đông, chuyện một vài thành viên có ý kiến khác biệt hay không "phục" các quyết định của Hội đồng Quản trị VPF cũng là chuyện bình thường, vì về nguyên tắc, các quyết sách của công ty vẫn phải biểu quyết dựa trên số đông. Thế nên, không thể cứ bất bình với lãnh đạo công ty là lại tung hê ý kiến ra công chúng. Bất kỳ công ty nào cũng có điều lệ hoạt động, quy trình thực hiện các quyết định và những quy tắc về phát ngôn. Nếu xảy ra một vấn đề lớn, có tính cấp thiết, có nhiều khúc mắc hoặc mâu thuẫn khó giải quyết bằng các cuộc họp đơn lẻ thì các cổ đông vẫn có quyền đề nghị họp đại hội cổ đông bất thường để giải quyết. Nếu chưa thể thực hiện các bước pháp lý ấy, thì cũng đừng phản đối quyết định của Hội đồng Quản trị theo cách cá nhân mang tính công kích, bôi nhọ chính tổ chức mà mình đang là một phần của nó. Chưa kể, ý kiến đó cũng không thể khẳng định là đúng hay sai, có phù hợp với số đông hay không.

Được công nhận là thành viên của VFF, tham gia V-League hay làm cổ đông của VPF đều cần một quá trình chứ không phải tự nhiên mà có được các tư cách đó. Hơn nữa, quá trình này đều dựa trên tinh thần tự nguyện, bởi sự tồn tại của một câu lạc bộ là do tự thân họ quyết định, cả VFF hay Công ty VPF đều không thể can thiệp. Đóng góp của các câu lạc bộ đối với nền bóng đá là một điều tốt, góp ý của họ nhằm giúp cho VFF hay VPF trở nên tốt hơn, cũng đáng trân trọng. Chỉ có điều, nó không thể là những bức xúc và đả kích nhau trên truyền thông, bởi nói cho cùng, đấy vẫn chỉ là chuyện nội bộ của một phần trong nền bóng đá.

Nhưng việc Công ty VPF hay bản thân VFF để xảy ra tình trạng "trên bảo, dưới không nghe" thì cũng cần nhìn nhận lại bản chất, vai trò cũng như mô hình hoạt động của mình. Phải thấy rằng, các câu lạc bộ chuyên nghiệp là cột trụ của nền bóng đá, là đầu tàu cho một hệ thống phía sau có liên quan như đào tạo trẻ, cổ động viên và các nguồn lực xã hội đóng góp thông qua nó.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    VPF và chuyện "trên bảo, dưới không nghe"