Bạo lực V.League đằng sau chiếc thẻ vàng của trọng tài

27/03/2021 21:41

Nếu Đỗ Hùng Dũng không bị gãy chân, Ngô Hoàng Thịnh chỉ phải nhận thẻ vàng. Bạo lực sân cỏ V.League nảy mầm có phần không nhỏ từ nhận định của trọng tài.

Bốn ngày sau cú vào bóng của Hoàng Thịnh khiến Hùng Dũng gãy chân, mọi chuyện dần lắng xuống. Tiền vệ Câu lạc bộ (CLB) Hà Nội chuẩn bị xuất viện, cầu thủ của TP.HCM trở về nhà, khóa mạng xã hội. Còn lại gì sau hình ảnh đau đớn trên sân Thống Nhất tối 23.3? Đó phải là câu hỏi bạo lực sân cỏ xuất phát từ đâu.

Trọng tài và chiếc thẻ vàng

Nhìn lại hoàn cảnh diễn ra pha bóng ở phút 27, người xem có thể nhận ra ông Vũ Nguyên Vũ, trọng tài chính điều khiển trận đấu giữa CLB TP Hồ Chí Minh với Hà Nội ở vòng 5, đã ngay lập tức rút chiếc thẻ vàng từ trong túi ra. Chỉ cần chờ tiền vệ mang áo số 9 đứng dậy, trọng tài sẽ phạt Hoàng Thịnh thẻ vàng.

Trọng tài Vũ rất dứt khoát khi rút thẻ vàng, bởi ông chỉ đứng cách đó không hơn 20 m và có góc quan sát tốt. Nhận định của ông là tình huống này chỉ đáng thẻ vàng. Trong khi Hùng Dũng đau đớn nằm sân, Hoàng Thịnh hoảng loạn, ông Vũ gặp áp lực rất lớn từ các cầu thủ Hà Nội vì quyết định rút thẻ vàng của mình.

Thủ môn Tấn Trường là người ức chế nhất lúc đó. Anh lao lên để chỉ cho trọng tài thấy chấn thương của đồng đội mà trọng tài chỉ phạt thẻ vàng. Phản ứng dữ dội của đội khách, nếu chiếu theo chủ trương mới của Ban trọng tài VFF, ai phản ứng là người đó nhận thẻ vàng. May mắn là điều đó không được áp dụng.

Cho đến khi Hùng Dũng rời sân bằng xe cấp cứu, người ta mới biết Hoàng Thịnh rời sân vì chiếc thẻ đỏ trực tiếp. Một quyết định chính xác, nhưng tiếc là không kịp thời. Chiếc thẻ vàng mà ông Vũ rút ra trước đó đã nói lên một thực trạng là bạo lực sân cỏ đang không được các trọng tài kiểm soát được bằng thẻ phạt.

hung dung gay chan anh 2

Nhiều người đặt dấu hỏi khi thấy trọng tài Vũ Nguyên Vũ rút thẻ vàng chờ sẵn Hoàng Thịnh. Mãi sau khi Hùng Dũng rời sân, Hoàng Thịnh mới nhận thẻ đỏ

Ông Đoàn Phú Tấn, nguyên Trưởng ban Trọng tài VFF kiêm Phó Ban kỷ luật VFF, đặt vấn đề: "Thẻ đỏ hay thẻ vàng là do động tác thực hiện lỗi, hay do hậu quả có gãy chân hay không?". Trọng tài Vũ Nguyễn Vũ có lỗi khi "rút thẻ vàng" trước rồi mới phạt thẻ đỏ hay không? Câu trả lời nằm ở bảng phân công trọng tài vòng 6.

Chúng ta hãy nhớ lại 6 năm về trước (13.9.2015), trung vệ Quế Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An) đạp gãy chân Trần Anh Khoa (CLB Đã Nẵng), trọng tài Phùng Đình Dũng cũng rút ra một chiếc thẻ vàng rất dứt khoát. Ngọc Hải tiếp tục thi đấu trên sân, còn anh Khoa từ đó về sau không thể trở lại sân cỏ với tư cách một cầu thủ chuyên nghiệp.

Hai pha bóng, hai hậu quả tương tự nhau và suýt nữa giống nhau nếu trọng tài Vũ không "sửa sai" bằng chiếc thẻ đỏ cho Hoàng Thịnh. Tuy nhiên, những đồng nghiệp của ông thì khác. Nhiều pha vào bóng nguy hiểm chỉ nhận được chiếc thẻ vàng ở mùa giải 2021 nếu khán giả để ý kỹ hơn.

Bạo lực đằng sau tấm thẻ

Ngay vòng đấu đầu tiên trong trận CLB Đà Nẵng tiếp CLB TP Hồ Chí Minh, tiền vệ Phan Thanh Hậu mếu máo rời sân trong đau đớn khi bị Võ Ngọc Toàn đốn ngã từ phía sau. Thanh Hậu may mắn không bị gãy chân hay đứt dây chằng, nhưng anh phải ngồi ngoài từ sau đó cho đến trước vòng 6 mới bình phục hoàn toàn.

Ngọc Toàn thậm chí không nhận một chiếc thẻ nào của trọng tài Nguyễn Viết Duẩn. Thanh Hậu nói: "Pha bóng như thế lỡ may trúng, tôi nghĩ tôi gãy chân rồi. Đá bóng chỉ có đôi chân, chúng ta phải biết giữ chân cho nhau". Tình huống này cũng không được VPF báo cáo lên ban kỷ luật để xử lý phạt nguội.

hung dung gay chan anh 3

6 năm trước, trọng tài Phùng Đình Dũng đã phạt Quế Ngọc Hải thẻ vàng. Sau đó, Anh Khoa bị dứt dây chằng, giã từ sự nghiệp thì Hải mới bị cấm thi đấu 6 tháng

Gần đây nhất là pha bóng ở phút 79 trong trận đấu vòng 4 giữa Bình Dương và Hải Phòng. Cầu thủ Lê Mạnh Dũng của đội khách vào bóng nguy hiểm hất tiền đạo Ngô Hồng Phước lên trời. Trọng tài Hoàng Ngọc Hà cho Bình Dương hưởng lợi thế nhưng sau đó cắt còi để phạt thẻ vàng với số 20 của Hải Phòng.

Hồng Phước ôm chân nằm đau đớn trong khi bên ngoài, ban huấn luyện CLB Bình Dương phản ứng dữ dội, vẫn chỉ là một chiếc thẻ vàng cho các pha vào bóng nguy hiểm chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Thanh Hậu nghỉ vài vòng đấu, Hồng Phước may mắn rút chân trụ kịp thời nên có thể thi đấu tiếp sau đó.

Cựu trung vệ Danny van Bakel cho rằng: "Tôi chỉ hy vọng những gì diễn ra ở sân Thống Nhất sẽ là bài học cho tương lai. Các trọng tài đều rút thẻ đỏ với những pha tắc bóng bằng hai chân. Với cú vào bóng của Hoàng Thịnh, ngay cả khi Hùng Dũng có nhảy lên và né được, trọng tài cũng cần rút thẻ đỏ".

Theo số liệu thống kê của VPF trước vòng 6, đã có 5 chiếc thẻ đỏ được rút ra. Trong số này, 2 thẻ đỏ dành cho 2 cầu thủ SLNA (Hoàng Văn Khánh và Thái Bá Sang) vì lỗi "ngăn cản đối phương ghi bàn trước cơ hội rõ rệt", 2 thẻ đỏ gián tiếp vì lỗi phản ứng trọng tài (Nguyễn Văn Ngọ và Kelly). Hoàng Thịnh là trường hợp duy nhất bị truất quyền thi đấu vì lỗi vào bóng thô bạo.

Số liệu thẻ đỏ không phản ánh được các pha bóng bạo lực trên sân cỏ V.League 2021. Trường hợp gãy chân của Hùng Dũng là hình ảnh tiêu biểu và tạo được sự quan tâm. Dù gì thì tiền vệ sinh năm 1993 là tuyển thủ quốc gia, học trò cưng của HLV Park Hang-seo. Nếu chúng ta theo dõi kỹ ở giải chuyên nghiệp, còn rất nhiều pha bóng thô bạo không được chú ý, bị trọng tài bỏ qua, phạt thẻ vàng cảnh cáo.

hung dung gay chan anh 4

Bóng đá là môn đối kháng, tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào và với bất cứ cầu thủ nào

Ở mùa giải 2021, Ban Trọng tài VFF có chủ trương mạnh tay với các phản ứng của cầu thủ, thành viên ban huấn luyện với trọng tài. Điều này ngay lập tực được áp dụng triệt để và không ít cầu thủ, thành viên đội bóng bị phạt thẻ vàng, thậm chí là thẻ đỏ gián tiếp. Thế nhưng, chủ trương chống bạo lực sân cỏ thì có từ lâu và luôn dấy lên mỗi khi có trường hợp đặc biệt, nhưng vấn nạn này vẫn còn.

Cách thi đấu của trung vệ Phạm Mạnh Hùng của đội Hải Phòng ở mùa giải 2020 đã rất phản cảm. Báo chí có đủ tư liệu về lối chơi bóng, vào bóng của cầu thủ xứ Nghệ, anh cũng từng bị "lên án" nhiều lần nhưng rồi đâu cũng vào đó. Mạnh Hùng chỉ nhận 4 thẻ vàng sau 16 trận đấu, không một thẻ đỏ. Và cách hành xử của anh với các trọng tài cũng không giống ai.

Một khi trọng tài còn sợ cầu thủ, ngại đội chủ nhà, chỉ dám rút thẻ vàng cảnh cáo các lỗi nghiêm trọng, thì bạo lực sân cỏ không bao giờ mất đi. Nó chỉ tiềm ẩn và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, với bất cứ ai chứ không riêng gì với tuyển thủ quốc gia. Còn hay không những pha vào bóng như Hoàng Thịnh, phần còn lại của mùa giải sẽ cho khán giả thấy. Ban trọng tài VFF không thể không có động thái quyết liệt hơn như cách áp dụng với các cầu thủ phản ứng.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo lực V.League đằng sau chiếc thẻ vàng của trọng tài