Báo động lứa U23 ở Thường Châu

25/06/2020 11:25

Sự vụ lùm xùm của Quang Hải đã tiếp tục kéo dài thêm chuyện buồn liên quan đến “những người hùng Thường Châu”.

Sau hơn 2 năm, từ tháng 1.2018 không thể nào quên, những chàng trai năm ấy đang gặp đủ mọi vấn đề theo cách khác nhau.

BAO DONG DO THUONG CHAU anh 1

Những người hùng ở Thường Châu đang gặp khó khăn theo cách khác nhau, cả trong lẫn ngoài sân cỏ

Trục xương sống của đội tuyển quốc gia

Mỗi đội tuyển đều được xây dựng trên một trục dọc. Dẫu chiến thuật mỗi huấn luyện viên (HLV) khác nhau, nhưng trục xương sống là điều cần thiết nhất của các câu lạc bộ (CLB), đội tuyển. Đấy là những cầu thủ trụ cột không thể thay thế, điểm tựa tinh thần, linh hồn lối chơi của đội tuyển. Ví dụ Ancelotti xây dựng AC Milan đầu thập niên 2000 gồm trục Nesta - Pirlo - Rui Costa - Shevchenko hay Mourinho xây dựng Chelsea bằng trục Cech - Terry - Lampard - Drogba.

Nhìn vào bóng đá Việt bây giờ, HLV Park Hang-seo đương nhiên cũng không nằm ngoài quy luật xây dựng lối chơi ấy. Dưới đây là trục xương sống của tuyển Việt Nam đang chinh chiến ở vòng loại World Cup 2022 - đấu trường đỉnh cao nhất mà Việt Nam đang hướng tới. Đó là 4 con người trải dài trên 4 tuyến với đầu tiên là thủ môn Đặng Văn Lâm, chàng trai đã cản phá quả penalty của Thái Lan hồi tháng 11. Anh đang là chốt chặn tin cậy nhất của đội tuyển. Tài năng, sự tin tưởng dành cho Văn Lâm giờ đã vững như bàn thạch, và người hâm mộ vẫn đang chờ được thấy Văn Lâm bước ra sân với niềm tin chưa bao giờ phai mờ.

Người thứ hai là trụ cột hàng hậu vệ, không ai khác chính là đội trưởng Quế Ngọc Hải. Đầy đủ khí chất anh hào xứ Nghệ, cứng rắn, quyết liệt, xả thân và bảo vệ đồng đội. Người thứ ba, trái tim của tuyến giữa, nhưng không phải Quang Hải mà là Hùng Dũng - đương kim Quả bóng vàng Việt Nam. Chính Hùng Dũng mới là tiền vệ quan trọng nhất của Park Hang-seo lúc này.

Chiếc huy chương vàng SEA Games 30 mà bóng đá Việt Nam mất nhiều năm mới có được, có công không nhỏ của Hùng Dũng. Chính anh đã dẫn dắt đàn em và cũng là linh hồn trong lối chơi của đội tuyển. Bạn có thể so sánh tập thể U22 ấy có Hùng Dũng và không Hùng Dũng đã thi đấu thế nào ở U23 châu Á vừa rồi.

Ở vị trí tiền đạo, đó là Nguyễn Tiến Linh. Chàng trai đang thuộc biên chế của CLB Bình Dương mới là người mà HLV Park Hang Seo đặt niềm tin nhiều nhất, chứ không phải Hà Đức Chinh hay thậm chí là Công Phượng.

Điểm chung của “trục xương sống” Văn Lâm - Ngọc Hải - Hùng Dũng - Tiến Linh là gì? Tất cả họ đều không thuộc đội hình U23 Việt Nam giành vị trí á quân U23 châu Á. Đấy là sự thật đang trải ra trước mắt.

Hơn 2 năm sau những kỳ tích tạo được ở Thường Châu, nhân vật chính của đội tuyển lúc này đang không có hình hài Thường Châu. Vị trí thủ môn nhắc đến Bùi Tiến Dũng là những thất vọng tràn trề đã kéo dài từ năm này qua năm khác. Trên hàng hậu vệ, chấn thương của Đình Trọng khiến anh mất đi vị trí số một mà anh đã giành được sau AFF Cup 2018.

Tại hàng tiền vệ, những tinh hoa đẹp nhất mà Quang Hải thực hiện đã chững lại vào ngày 10.10.2019, thời điểm anh ngả người volley góc hẹp vào lưới Malaysia. Kể từ đó cho đến hôm nay, Quang Hải không còn những phép màu mà chúng ta trông đợi nữa. Thậm chí ở hàng tiền vệ lúc này, bên cạnh Hùng Dũng thì người quan trọng không kém phải là Tuấn Anh - người đã vắng mặt ở Thường Châu vì chấn thương. Trên hàng tiền đạo, Công Phượng đang nỗ lực lấy cảm giác ghi bàn sau thời gian khó khăn ở Bỉ, Hà Đức Chinh là chuyện mạng xã hội, còn Phan Văn Đức làm quen với những chấn thương nhiều hơn.

Những người hùng Thường Châu không phải là biến mất, họ vẫn xuất sắc theo cách riêng, vẫn là những sự mảnh ghép tạo nên một đội tuyển quốc gia Việt Nam. Duy Mạnh luôn là một trong ba sự lựa chọn ở hàng hậu vệ 3 người của thầy Park, những bước chạy của Văn Toàn có thể khiến các cầu thủ Tây Á luýnh quýnh và Quang Hải vẫn là ngôi sao hay nhất mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh. Tuy nhiên, họ không phải là không thể thay thế trên tuyển Việt Nam, ít nhất là cho đến lúc này.

BAO DONG DO THUONG CHAU anh 2

Những ngôi sao từng tỏa sáng ở Thường Châu đang dần đánh mất vị thế tại đội tuyển quốc gia

Vì đâu nên nỗi?

Cựu trung vệ Vũ Như Thành từng nói thế hệ cầu thủ hôm nay may mắn hơn thế hệ của anh. Một trong những lý do quan trọng nhất chính là được tạo điều kiện về kinh tế và học hỏi kinh nghiệm đàn anh đi trước, tránh những vết xe đổ mà thế hệ anh dính chàm.

Tuy nhiên, mỗi thời đại có những cái khó khăn của thời đại. Các cầu thủ hôm nay, mà chính xác là thế hệ Thường Châu, chịu áp lực nặng nề từ mạng xã hội. Trở về từ Thường Châu, họ đối mặt với đủ thứ chuyện liên quan trên mạng xã hội, những vụ “thả thính”, chuyện liên quan đến bảng giá quảng cáo.

Chuyện Xuân Trường - bạn gái Xuân Trường dùng tiếng Anh chửi người hâm mộ, kế đến những phát ngôn ngông cuồng của người đại diện Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chinh. Cuối cùng, sự kiện Quang Hải bị hack trang cá nhân, lộ ra vụ lùm xùm tình cảm chỉ là đòn tiếp theo cho những vấn đề xung quanh mạng xã hội mà thế hệ Thường Châu phải đối mặt.

Thế hệ Thường Châu cũng bị dính vào các hợp đồng quảng cáo quá nhiều. Đương nhiên chẳng ai cấm cầu thủ kiếm tiền bằng hình ảnh bản thân, nhưng muốn vậy phải nâng cao vị thế trên sân cỏ, đằng này quảng cáo nơi nào cũng góp mặt, mà cuối tuần lại ngồi trên ghế dự bị. Họ nghĩ còn ăn khách quảng cáo khi không được thi đấu ư? Nếu không có sự hướng dẫn và đặt các cầu thủ vào đúng lộ trình, sẽ nhiều người hùng trôi vào quên lãng ở mặt cỏ xanh, mà chỉ hiện hình trên showbiz.

“Những người hùng Thường Châu” còn hạn chế ở tuổi đời và kinh nghiệm. Điều dễ thấy nhất chính là sự so sánh giữa Bùi Tiến Dũng và Đặng Văn Lâm. Những người có chuyên môn đều lựa chọn Bùi Tiến Dũng cho vị trí dự bị. Không phải họ không thương mến chàng trai này, nhưng cặp mắt chuyên môn của họ biết Bùi Tiến Dũng năng lực chưa đủ cho đấu trường đỉnh cao.

Ngược hẳn với Đặng Văn Lâm đã kinh qua trăm trận, mòn chân ở đấu trường khắc nghiệt V.League. So với Đặng Văn Lâm đi qua bao tủi nhục để được trấn giữ khung thành đội tuyển quốc gia, Quế Ngọc Hải trải qua những bão táp miệng đời để nắm lấy chiếc băng đội trưởng, thì những “người hùng Thường Châu” (trừ Công Phượng nếm đủ “nhân tình thế thái”) thật sự còn được nuông chiều.

Đặc điểm của “trục xương sống” chính là khả năng chỉ huy, vượt khó. Nếu so với Thường Châu, các cầu thủ được thầy Park trao ấn kiếm mang chất chiến binh cao hơn nhiều.

BAO DONG DO THUONG CHAU anh 3

Bên trên là những lý do chủ quan, còn lý do khách quan? “Những người hùng Thường Châu” bị quá tải. Họ còn quá trẻ, nhưng mật độ thi đấu quá khủng khiếp từ CLB đến đội tuyển quốc gia. Điển hình là Quang Hải, trước khi bị rách cơ và chấm dứt SEA Games, chàng tiền vệ Hà Nội thi đấu đến 60 trận trong năm 2019 - con số mà các cầu thủ châu Âu còn phải nể.

Phan Văn Đức, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Thanh, Xuân Trường - những người hùng Thường Châu đều lần lượt thay nhau bị chấn thương đầu gối. 5 cầu thủ của Thường Châu bị chấn thương dây chằng đầu gối. Đấy không hề là điều ngẫu nhiên. Các cầu thủ còn trẻ, cơ chưa phát triển hết.

Đến cả Quang Hải còn liêu xiêu vì chấn thương và mạng xã hội, thì báo động đỏ nên được vang lên để cảnh tỉnh tất cả.

Thường Châu là ký ức đẹp, đẹp đến nao lòng. Thế hệ này đã tạo nên 3 năm rực rỡ cho bóng đá Việt.

Một lần là người hùng, mãi mãi là người hùng. Tuy nhiên, khi các người hùng cứ thay nhau gục ngã theo cách này hay cách khác, thì hãy bật báo động đỏ lên và giữ họ lại. Đừng để thế hệ này rời bỏ chúng ta vì những điều đáng tiếc.

Theo Zing

(0) Bình luận
Báo động lứa U23 ở Thường Châu