Trong khó khăn xuất khẩu vẫn tăng trưởng

11/02/2013 10:08

Năm 2012, giữa bộn bề khó khăn, trong bức tranh kinh tế ảm đạm, nhiều chỉ tiêu đạt thấp, thì hoạt động xuất khẩu lại mang gam màu sáng hơn.



Công ty TNHH Haivina (100 % vốn Hàn Quốc) ở khu công nghiệp Nam Sách chuyên sản xuất găng tay thể thao,
găng tay công nghiệp, trang phục thể thao xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Ảnh: TC


CỐ GẮNG LỚN

"Nhân tố quan trọng nhất tác động đến tăng trưởng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ta là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sự suy giảm của nền kinh tế thế giới cộng với khủng hoảng nợ công ở một số quốc gia lớn đã ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Nhiều nước thắt chặt chi tiêu, thị trường tiêu dùng suy giảm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở Hải Dương cũng phải đối mặt với khó khăn do lượng hàng tồn kho lớn và những khó khăn, hạn chế kéo dài trong nhiều năm qua như: chi phí vay vốn cao và khó tiếp cận các nguồn vốn, chi phí đầu vào cao, công nghệ lạc hậu... Mặc dù vậy, năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hải Dương vẫn đạt gần 1,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2011. Mức tăng trưởng này tuy chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì đây là mức tăng trưởng khá, thể hiện sự nỗ lực rất cao của các doanh nghiệp và hiệu quả từ các giải pháp đồng bộ mà Chính phủ và UBND tỉnh đã triển khai.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, chủ trương hạ lãi suất cho vay đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu được nhiều doanh nghiệp đón nhận, coi là “nút mở” để tìm thấy lối ra. Với chủ trương này, những khó khăn tài chính cơ bản được giải quyết, các doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Sở Công thương cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp góp phần thực hiện mục tiêu xuất khẩu như việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, nhất là các sản phẩm nông sản, giày da, quần áo may sẵn, dây và cáp điện... Các cơ quan quản lý nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tổ chức xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm nhằm quảng bá thương hiệu, tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống, thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan... Đến nay, hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Hải Dương đã có mặt ở trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, châu Âu, Bắc Mỹ... Ngoài ra, các doanh nghiệp trong tỉnh đã bước đầu khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng ở châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ...

NHỮNG NHÂN TỐ TÍCH CỰC

Nhân tố quan trọng nhất tác động đến tăng trưởng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ta là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp thuộc khối này có tiềm lực tài chính dồi dào, thị trường ổn định, phương thức quản lý, trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt, chất lượng, mẫu mã sản phẩm luôn được cải tiến nhằm đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng. Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp khối FDI đạt gần 1 tỷ 592 triệu USD, tăng 9% so với năm 2011, chiếm tới 96,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp FDI luôn giữ vững vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu như: Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam, Công ty TNHH May Tinh Lợi, Công ty TNHH Điện tử UMC Việt Nam...

Năm 2012, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền) đã sản xuất và xuất khẩu được hơn 2 triệu sản phẩm, gồm các loại máy in, máy fax, máy khâu... sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ với tổng kim ngạch khoảng 390 triệu USD, tăng 30% so với năm 2011. Công ty là thành viên của Tập đoàn Brother (Nhật Bản), với các sản phẩm chủ yếu là máy in la-de và máy đa chức năng. Hiện nay, tập đoàn đã có 17 nhà máy sản xuất, hàng chục cơ sở bán hàng tại 44 quốc gia trên thế giới. Đây là tiền đề vững chắc để Brother Việt Nam liên tục có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua.

Không có được quy mô như Brother, Công ty TNHH Shinst BVT (TP Hải Dương) lại giữ vững vị thế của mình ở lĩnh vực quần áo cao cấp cho một số môn thể thao đặc thù như trượt tuyết và đua xe đạp. Công ty luôn được lựa chọn sản xuất quần áo thể thao cho các thương hiệu nổi tiếng như JW, BH, Trango, SF và KTM. Đơn vị có gần 40 dây chuyền may quần áo, thu hút trên 3.800 lao động. Năm 2012, lường trước những khó khăn của khủng hoảng kinh tế, công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, đơn vị vẫn xuất khẩu trên 1 triệu sản phẩm sang châu Âu, Hàn Quốc và Bắc Mỹ, tăng khoảng 15% so với năm 2011. Ngoài việc mở rộng sản xuất tại cơ sở hiện nay, doanh nghiệp dự kiến mở thêm các chi nhánh tại một số địa phương có nhiều lao động.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục doanh nghiệp FDI có tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực xuất khẩu năm 2012. Nếu xét trên khía cạnh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm trước là: nông sản, thực phẩm tăng 13,8%, hàng điện tử tăng 287,6% và dây cáp điện tăng 42,6%. Các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 200 triệu USD là dệt may, hàng điện tử, dây và cáp điện, trong đó mặt hàng dây và cáp điện đạt giá trị kim ngạch hơn 500 triệu USD, tăng 42,6% so với năm 2011, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong bức tranh hanh sáng của xuất khẩu năm 2012 vẫn còn một vết gợn đáng phải suy ngẫm. Đó là xuất khẩu của các doanh nghiệp địa phương chỉ đạt 55 triệu 494 nghìn USD, chiếm chưa tới 4% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 16% so với năm trước. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường, cải tiến thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần có những chỉ đạo sát với tình hình thực tế, đề ra những chính sách trợ giúp cụ thể, thiết thực về vốn, hạ tầng, cơ chế để giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất và mở rộng xuất khẩu.

LONG THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trong khó khăn xuất khẩu vẫn tăng trưởng