Trọng dụng nhân tài không khó, nhưng tạo môi trường cho nhân tài phát huy năng lực, cống hiến mới khó. Việc đó tiền không thể mua được.
Nghe các đại biểu Quốc hội tranh luận về chính sách trọng dụng nhân tài, lại nhớ hồi đầu nhiệm kỳ này, cuối năm 2016, nhiều đại biểu đã chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và công tác tuyển dụng nhân tài.
Thủ tướng đã khẳng định: "Tìm người tài chứ không phải tìm người nhà"; "Người tài ở bìa rừng góc bể cũng phải được trọng dụng".
Nhưng qua phiên thảo luận ở Quốc hội (ngày 24.10) cho thấy đây là vấn đề khó, gai góc. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng thời Hồ Chủ tịch sử dụng nhân tài cách đây hơn 70 năm, khi đó, do bối cảnh lịch sử đặc biệt, "lòng yêu nước" lớn hơn cả tiền bạc, nay tình hình có khác.
Phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc được bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn tranh luận: "Cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị cho dù 70 năm trôi qua". Ông Quốc tranh biện lại: "Tôi xin hỏi đại biểu Tuấn, bây giờ có thể bổ nhiệm giám đốc sở chứ đừng nói là một Phó Chủ tịch nước hay một Chủ tịch Quốc hội ngoài Đảng không? Chắc chắn là không".
Đúng là việc bổ nhiệm một người ngoài Đảng nắm giữ chức vụ như giám đốc sở trở lên thì rất khó. Thực tế vừa qua TP Hồ Chí Minh từng bổ nhiệm một người như vậy, mang theo bao kỳ vọng, nhưng sau một thời gian người đó xin nghỉ, dù trước đó ông đã sẵn sàng từ bỏ công việc tốt ở doanh nghiệp nước ngoài với lương cao hơn nhiều lần vị trí mới trong bộ máy nhà nước.
"Người tốt, người giỏi được bổ nhiệm, lãnh đạo là hồng phúc cho quốc gia. Người xấu, người thiếu năng lực mà không bị thải loại ra khỏi vị trí lãnh đạo là nguy cơ cho đất nước" - GS.TS. đại biểu Nguyễn Anh Trí từng bày tỏ khi nêu chất vấn Thủ tướng. Ai cũng hiểu là như vậy, nhưng cơ chế, giải pháp nào để thực hiện cho hiệu quả đến nay Quốc hội vẫn còn tranh luận.
Nhiệm kỳ trước, có lần phát biểu tại Quốc hội, ông Bùi Quang Vinh (nguyên Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư) từng than là cơ chế hiện tại rất bó buộc.
Ông Vinh kể có thể tìm được người tài giỏi ở bên ngoài làm thay và làm tốt hơn việc của 7-8 công chức đang có trong bộ máy, nhưng điều bất khả thi thứ nhất là ông không thể trả cho người giỏi này mức lương cao gấp 7-8 lần những người công chức kia, và điều bất khả thi thứ hai là ông không thể cho 7-8 công chức thôi việc. Vậy nên trong bao năm, khoảng 30% công chức trong bộ máy cứ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Nhưng để thu hút người tài vào bộ máy nhà nước, tiền không phải là tất cả. Nhà nước cũng chi nhiều tiền, thực hiện nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thậm chí đưa cán bộ đi nước ngoài học tập hết đợt này đến đợt khác, nhưng bộ máy vẫn khan hiếm người tài.
Nhớ chuyện cố nhà báo Hữu Thọ từng kể cách đây đã vài chục năm rằng ở một tỉnh nọ, lúc đầu với chính sách thu hút nhân tài qua mức lương hậu hĩnh, chính sách cấp đất cấp nhà cũng thu hút được 8 tiến sĩ vào bộ máy nhà nước. Nhưng chỉ sau vài năm, 7/8 nhân tài ấy xin nghỉ việc. Ông Hữu Thọ kết luận rằng nhân tài cần môi trường để làm việc, để thể hiện, để cống hiến, chứ không chỉ cần tiền.
Tóm lại, trọng dụng nhân tài không khó, nhưng tạo môi trường cho nhân tài phát huy năng lực, cống hiến mới khó. Việc đó tiền không thể mua được. Mà không tạo ra môi trường làm việc tốt, nhân tài rồi cũng ra đi...
LÊ KIÊN