Trong đào tạo lái xe ô-tô: Cung chưa đủ cầu

17/08/2011 08:42

Với số lượng cơ sở đào tạo lái xe hiện có chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, tỉnh ta cần phải có từ 3 - 5 cơ sở đào tạo mới.


Trung tâm Dạy nghề Việt Đức ở thị trấn Nam Sách đầu tư hơn 15 tỷ đồng xây dựng giai đoạn 1 cơ sở đào tạ
o lái xe mô-tô, ô-tô đến hạng C và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2, xây dựng Trung tâm Sát hạch lái xe ô-tô


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở đào tạo nghề lái xe, trong đó chỉ có 3 cơ sở đào tạo lái xe ô-tô gồm Trường Trung cấp nghề cơ giới đường bộ (Chí Linh) trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đào tạo giấy phép lái xe đến hạng E, lưu lượng đào tạo 905 học viên/khóa; Trung tâm Giới thiệu việc làm Hải Dương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đào tạo đến hạng E, lưu lượng đào tạo 600 học viên/khóa; Trung tâm Dạy nghề Việt Đức ở thị trấn Nam Sách đào tạo đến hạng C, lưu lượng đào tạo 210 học viên/khóa. Nhu cầu học lái xe ô-tô ở tỉnh ta hiện nay gần 10 nghìn người/năm. Do cơ sở đào tạo còn ít, quy mô nhỏ nên nhiều người dân Hải Dương có nhu cầu phải sang tỉnh ngoài học. Từ năm 2005 đến năm 2010, toàn tỉnh có 36.147 người học lái xe ô-tô, song chỉ có 9.505 người do các cơ sở trong tỉnh đào tạo, Sở Giao thông vận tải Hải Dương sát hạch. Riêng năm 2010, các cơ sở trong tỉnh chỉ đào tạo được 1.570 học viên. Trong khi đó, các cơ sở tỉnh ngoài "đào tạo hộ" 7.230 người. Nhu cầu học, thi lấy giấy phép lái xe ô-tô bình quân tăng 20% năm nhưng cơ sở đào tạo lái xe ô-tô trên địa bàn tỉnh lại chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Hải Dương cũng chưa có trung tâm sát hạch ô-tô đủ điều kiện theo quy định. Do đó, Sở Giao thông vận tải phải hợp đồng thuê trung tâm sát hạch lái xe ở Hưng Yên và Bắc Ninh.

Ông Mạc Văn Thái, Trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải Hải Dương) cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và xây dựng các trung tâm sát hạch lái xe. Ở tỉnh ta, nhiều cơ sở đã lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch như: Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải (Sở Giao thông vận tải) đã xây dựng xong sân tập lái xe ô-tô; Công ty CP Thương mại và sản xuất Lập Phương Thành (TP Hải Dương) đang triển khai xây dựng Trung tâm đào tạo lái xe ô-tô đến hạng C và Trung tâm sát hạch lái xe loại II; Công ty CP Dịch vụ thương mại và xây dựng Thành Tài (Tứ Kỳ) đăng ký dạy nghề lái xe ô-tô và sát hạch lái xe ô-tô quy mô 3.780 học viên/năm; Trường Trung cấp nghề CNT Hải Dương (Cẩm Giàng) đăng ký đào tạo lái xe ô-tô 4.650 học viên/năm… Đăng ký đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch nhiều nhưng chưa có cơ sở nào hoàn thiện, bởi vốn đầu tư tương đối cao, từ 70 - 100 tỷ đồng mỗi cơ sở. Đồng thời, xây dựng trung tâm đòi hỏi mặt bằng rộng, thủ tục hành chính thành lập trung tâm tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, tỉnh hiện chưa có định hướng quy hoạch các cơ sở đào tạo hợp lý để các nhà đầu tư nghiên cứu, lựa chọn. Tiến độ đầu tư nhanh nhất hiện nay là Trung tâm Dạy nghề Việt Đức. Ông Trần Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị trung tâm cho biết: Đơn vị đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng xây dựng hệ thống sân tập loại II theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Mua sắm mới 25 xe tập lái, 9 phòng học lý thuyết và 35 giáo viên giảng dạy. Đến nay, trung tâm đã đào tạo hơn 300 lái xe ô-tô và đang đề nghị với tỉnh cho phép mở rộng thêm 4 ha để mở rộng đào tạo, sát hạch lái xe mô-tô hạng A1, A2 với quy mô 1.900 học viên/năm và xây dựng Trung tâm sát hạch đào tạo lái xe ô-tô hạng B1, B2, C, với 2.000 học viên/năm. Kinh phí đầu tư mở rộng khoảng 42 tỷ đồng. Trung tâm đã chuẩn bị nguồn lực, dự kiến xây dựng xong Trung tâm sát hạch lái xe ô-tô trong năm 2012.

Theo Sở Giao thông vận tải, với số lượng cơ sở hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, tỉnh ta cần có từ 3 - 5 cơ sở đào tạo mới. Sở đã đề xuất với UBND tỉnh, trong những năm tới  cần xây dựng 8 cơ sở đào tạo, 3 trung tâm sát hạch lái xe ô-tô ở TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Nam Sách. Thời gian tới, tỉnh cần sớm có định hướng quy hoạch, phát triển các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, có chính sách ưu đãi, nhằm khuyến khích, thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng các trung tâm sát hạch.

TRẦN TUẤN

(0) Bình luận
Trong đào tạo lái xe ô-tô: Cung chưa đủ cầu