Khoa Nhi - Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Giàng, thời gian này, mỗi ngày điều trị cho hơn 30 trẻ, chủ yếu là các bệnh liên quan đến hô hấp, viêm phổi.
Chăm sóc trẻ tại Khoa Nhi - Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Giàng
Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp nặng, gây tổn thương nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, song trẻ dưới 2 tuổi hay gặp hơn. Khoa Nhi - Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Giàng, thời gian này, mỗi ngày điều trị cho hơn 30 trẻ, chủ yếu là các bệnh liên quan đến hô hấp, viêm phổi.
Bé Trần Thị Dung 13 tháng tuổi, nhập viện với triệu chứng viêm phổi điển hình như ho, sốt, lồng ngực lõm, cánh mũi phập phồng… Mẹ cháu là chị Dương Thị Thùy (ở thôn Kim Quang, xã Kim Giang) cho biết khi thấy cháu ho chị đã tự mua thuốc kháng sinh ở ngoài về điều trị cho con nhưng không khỏi.
Theo bà Vũ Thị Thúy (ở thôn Tràng Kênh, xã Kim Giang), từ mấy ngày nay cháu nội bà ăn kém, ngủ kém, sốt, sổ mũi, ho, khó thở nên ông bà đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Giàng khám. Các bác sĩ cho biết cháu bị viêm phổi và phải nhập viện.
Viêm phổi ở trẻ nhỏ là căn bệnh thường gặp và dễ tái phát. Theo bác sĩ Bùi Thị Hảo, Trưởng Khoa Nhi - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Giàng, viêm phổi có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân nhập viện điều trị hàng đầu trong các bệnh lý hô hấp. Biểu hiện viêm phổi ở trẻ rất đa dạng và tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh. Các triệu chứng thường gặp như ho, mệt, bú kém, chảy mũi, khò khè, thở nhanh, khó thở, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, sốt cao...
Viêm phổi ở trẻ lớn với những biểu hiện điển hình như sốt cao, ho nhiều, nghe lưng có thể thấy tiếng rít. Còn ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, viêm phổi diễn biến rất nhanh và dấu hiệu lại thường không điển hình, dễ bị bỏ qua, thậm chí có trẻ không sốt, không ho nên việc nhận biết dấu hiệu rất khó khăn.
Dự báo thời tiết năm nay sẽ còn nhiều đợt rét đậm kéo dài. Do đó, để phòng bệnh, cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ, nhưng cũng chú ý không mặc ấm quá mức khiến trẻ ra mồ hôi, dễ bị thấm ngược lại cơ thể gây nhiễm lạnh. Cần tránh cho trẻ hít phải khói thuốc lá, khói than, bụi bẩn; cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng; tiêm phòng các loại vaccin đủ liều và đúng lịch; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu…
Tuyệt đối không được dùng bếp than sưởi ấm cho trẻ hoặc giữ nhiệt trong phòng vì khói than rất độc hại. Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ không nên tự mua thuốc điều trị tại nhà vì nếu không được điều trị đúng phác đồ thì nguy cơ nhờn thuốc, kháng thuốc rất cao.
THU HƯƠNG