Để dịch bệnh không bùng phát và xâm nhập vào tỉnh ta, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tổ chức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm mới nhập đàn...
|
Cho lợn ăn uống đầy đủ là biện pháp tốt để phòng dịch bệnh |
Trong đợt dịch tai xanh đầu tháng 4 vừa qua, gia đình ông Đào Văn Hiển ở thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) bị thiệt hại nặng nề. Ông Hiển cho biết, mặc dù khu chăn nuôi của gia đình tách riêng biệt hoàn toàn với khu dân cư, song đàn lợn vẫn bị dịch. Nguyên nhân có thể do một số người đến mua lợn hoặc do gia đình đi lại, sinh hoạt đã mang theo mầm bệnh vào trang trại. Thêm vào đó, do thời tiết ẩm, khâu vệ sinh chuồng trại chưa được chú trọng là điều kiện bùng phát dịch. Gia đình ông có 100 con lợn thịt bị dịch, thiệt hại 50-60 triệu đồng. Rút kinh nghiệm, trong những đợt nuôi sau này, trước khi nhập đàn, ông phun thuốc khử trùng, tiêu độc; hằng ngày vệ sinh chuồng, trại sạch sẽ; đàn lợn được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin theo đúng quy định. Đặc biệt, ông hạn chế người lạ đến gần khu chăn nuôi... Gia đình ông luôn cảnh giác, theo dõi sát đàn lợn để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường...
Cẩm Giàng là huyện thiệt hại nặng nề trong đợt dịch tai xanh vừa qua. 11 trong tổng số 19 xã, thị trấn của huyện có lợn mắc dịch. 2 tháng dịch xuất hiện đã làm 2.500 con lợn mắc bệnh, chiếm 7% tổng đàn, trong đó có 80 con lợn nái, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Đợt dịch này làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của địa phương. Nguyên nhân là do người tiêu dùng lo sợ lợn bị dịch, không sử dụng các sản phẩm từ lợn nên những con lợn khỏe cũng khó bán. Việc tái đàn, nuôi trở lại đối với các hộ dân cũng rất khó khăn. Một phần vì nhân dân không có tiền để đầu tư, phần khác vì nguồn lợn giống khan hiếm, giá thành cao.
Trong khi điều kiện thời tiết ngày càng có nhiều bất lợi cho người chăn nuôi, mầm bệnh luôn tồn tại trong không khí, ý thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh chưa cao, một bộ phận cán bộ thú y cơ sở chưa thật sự có trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất lớn. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra, Trạm Thú y huyện Cẩm Giàng đã đẩy mạnh công tác tiêm phòng vụ thu cho đàn vật nuôi. Huyện yêu cầu các xã, thị trấn thống kê số lượng gia súc, gia cầm nuôi tại địa phương và đăng ký vắc-xin với trạm. Trước khi tiêm phòng, huyện tổ chức tập huấn cho đội ngũ làm công tác thú y địa phương về cách thức tiêm, tỷ lệ thuốc, vị trí tiêm... Hằng tháng, huyện tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm mới nhập đàn. Do vậy, vụ thu này, kết quả tiêm phòng vắc- xin trên đàn gia súc, gia cầm huyện Cẩm Giàng đạt trên 80%. Những tháng cuối năm, để ngăn chặn dịch bệnh có thể xảy ra, huyện vừa tiêm bổ sung vắc- xin dịch tả trên đàn lợn và phòng cúm gia cầm. Huyện phân bổ 240 lít thuốc khử trùng, tiêu độc cho các xã. Hằng ngày, cán bộ huyện tăng cường xuống các xã, thị trấn, đặc biệt là những vùng đã có dịch trước đây để kiểm tra, nắm bắt tình hình nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu của dịch bệnh.
Cùng với Cẩm Giàng, huyện Gia Lộc cũng đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh. Bà Phạm Thị Chuốt, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Gia Lộc cho biết: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ngoài văn bản chỉ đạo của cấp trên, Trạm Thú y huyện cũng tham mưu cho UBND huyện ra văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn trong việc phòng, chống dịch bệnh và phát trên hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn. Cán bộ Trạm Thú y phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường xuống các hộ kiểm tra việc chăn nuôi, đồng thời tư vấn, hỗ trợ nhân dân cách chăn nuôi an toàn, hiệu quả. Hướng dẫn người dân cách phát hiện dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác tiêm phòng chính vụ và tiêm phòng bổ sung. Coi tiêm phòng là một trong những biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh.
Từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển gia súc, gia cầm lớn. Đặc biệt, một số tỉnh giáp với tỉnh ta như Nam Định, Quảng Ninh, Hà Nam... đã xuất hiện dịch lở mồm, long móng, cúm gia cầm... vì vậy nguy cơ lây nhiễm rất cao. Để dịch bệnh không bùng phát và xâm nhập vào tỉnh ta, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm mới nhập đàn, ở những nơi tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp. Thường xuyên tổ chức tiêu độc, phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi tập trung buôn bán gia súc, gia cầm, tiêu diệt mầm bệnh còn tồn lưu trong môi trường. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường. Thành lập đội kiểm tra liên ngành, tăng cường kiểm tra ở các con đường dẫn sang tỉnh ta, tránh hiện tượng người dân vận chuyển gia súc, gia cầm từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh. Tập trung tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về các biện pháp phòng, chống, cách nhận biết dấu hiệu nhiễm bệnh của gia súc, gia cầm. Các hộ dân cần chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh. Không nên coi đó là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn. Cần sử dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; cho gia súc, gia cầm ăn uống đầy đủ để tăng cường khả năng chống bệnh.
THANH HÀ