Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vậy là phải ngót nghét 10 năm tôi mới có dịp trở lại đảo Cô Tô.
Tuần tra bảo vệ đảo
Lần thứ nhất, tôi được cấp trên điều động trên cương vị Đại đội Phó Chính trị Đại đội Phòng không bảo vệ đảo. Lần này tôi ra đảo một mình, cái chính là để thăm lại chốn cũ, cảnh xưa.
Đổi thay trên đảo tiền tiêuLấy vé bước xuống con tàu cao tốc Mạnh Quang tại cầu cảng Vân Đồn, lòng bồi hồi nhớ con tàu gỗ mà tôi đã đi lại mấy năm đóng quân trên đảo. Ngày ấy, mỗi tuần chỉ có hai chuyến tàu ra đảo chứ không chạy một ngày hai chuyến như bây giờ. Tôi nhớ, có lần trả phép, tàu ra đến gần cửa Đối thì hỏng máy, trôi tự do giữa mênh mông trời nước. Thật may, sau nửa giờ khắc phục, tiếng nổ giòn giã của máy tàu khiến gần trăm hành khách bừng tỉnh, thở phào nhẹ nhõm... Bấy giờ cuộc sống lính đảo khó khăn, thiếu thốn nhiều, ban ngày lăn lộn với thao trường, bãi tập, tối đến thắp đèn dầu sinh hoạt, đọc báo, đọc thư nhà. Mùa khô, nước ngọt khan hiếm, tắm giặt, ăn uống phải chắt chiu, hằng ngày bộ đội vác từng can nước lên trận địa trực chiến... Thi thoảng anh em vẫn truyền nhau ca cẩm câu cửa miệng: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Cô Tô”...
Đang miên man chìm trong dòng kỷ niệm thì tàu cập cảng đảo Cô Tô, tôi bừng tỉnh, nhìn đồng hồ đúng 1 giờ 15, rút ngắn được 2/3 thời gian so với trước đây. Đứng trên cầu tàu lộng gió lòng ngập tràn niềm xúc động. Đây! Vẫn hòn đảo của tôi, nhưng chừng ấy năm, con người, cảnh vật với nhiều sự đổi thay. Người ra đảo hôm nay, không chỉ có những anh lính đi canh giữ đảo mà rất nhiều khách du lịch đi khám phá đảo khơi... Trước mắt tôi, phố huyện Cô Tô nhà tầng san sát, đường bê-tông chạy dọc, ngang, chợ huyện đông đúc tấp nập, trên bến dưới thuyền, một số nhà hàng, khách sạn có kiến trúc đẹp, tiện nghi mọc lên...
Đảo Cô Tô, thật ra chỉ là tên gọi riêng cho đảo Cô Tô lớn và đảo Cô Tô con. Còn tên gọi chính xác là quần đảo Cô Tô với gần 50 hòn đảo lớn nhỏ. Các hòn đảo nằm rải rác theo hình cánh cung và đều được đặt tên từ xa xưa như: cồn Gạc Hươu, cồn Sao Nhỏ, cồn Tai Khỉ, hòn Đá Sao Đêm, hòn Nhạn Xanh, hòn Núi Nhọn, hòn Sao Hỏa, hòn Sao Mộc, hòn Vệ Tinh... Cô Tô có tên cổ là Núi Chàng, từ lâu đời đã là nơi trú ngụ của thuyền bè ngư dân vùng Đông Bắc. Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng Đốc Hải An (Hải Dương - An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt là làng Hướng Hoá. Ít lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển. Qua thời kỳ Pháp chiếm đóng, rồi qua nhiều lần tách nhập vào các huyện của tỉnh Quảng Ninh, đến năm 1994, huyện Cô Tô được thành lập. Còn khu vực địa danh hành chính huyện Cô Tô bây giờ có diện tích 46,2 km2, gồm có thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến và xã đảo Thanh Lân. Dân số gần 6.000 nhân khẩu. Ngư trường Cô Tô rộng 300 km2. Từ lâu, biển đảo Cô Tô nổi tiếng với nhiều sản vật như: ngọc trai, tôm rồng, cầu gai, bào ngư… và gần 1.000 loài cá, trong đó khoảng 60 loài có giá trị kinh tế cao, có trữ lượng lớn. Cô Tô có bãi cát trắng hình vầng trăng khuyết, làn nước biển xanh như “vạt áo chàng Kim Trọng” và rừng dương gió vi vút hút hồn du khách thập phương...
Gặp đồng đội cũ10 năm trước, Trần Thế Vinh là giáo viên Trường THPT Cô Tô, chúng tôi gắn bó nhau trong công tác Đoàn Thanh niên giữa nhà trường và đơn vị. Nay gặp lại, anh là Trưởng phòng Văn hóa huyện Cô Tô. Đưa chúng tôi vào thăm khu di tích Bác Hồ trên đảo, anh giới thiệu: “Năm 2005, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc huyện đảo đã xây dựng ngôi đền thờ Bác. Năm 2010, khu di tích tiếp tục được đầu tư tôn tạo, với tổng diện tích được mở rộng từ 6.500 m2 lên trên 62.500 m2 gồm các hạng mục: khu khuôn viên tượng đài và đền thờ Bác Hồ, ao cá Bác Hồ, hệ thống hồ điều hoà cùng nhiều hạng mục khác...”. Chính tại nơi này, ngày 9-5-1961, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, Người căn dặn: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào các đảo đoàn kết, cố gắng và cùng tiến bộ". Trước nguyện vọng của nhân dân trên đảo, Cô Tô là nơi duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng khi Người còn sống. Trước lúc đi xa, Người vẫn đau đáu trong tim một niềm thương, nỗi nhớ với Cô Tô, Bác gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng tấm ảnh của Bác cho quân và dân đảo Cô Tô có dòng chữ: "Khuyên cán bộ, bộ đội, nhân dân đoàn kết một lòng, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi".
Khắc ghi lời Bác, Đảng bộ, quân, dân huyện đảo Cô Tô không ngừng nỗ lực phát triển sản xuất, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những năm gần đây, được sự quan tâm nhiều hơn của cả nước, Cô Tô đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Điện, đường, trường trạm đã khang trang, đời sống người dân không ngừng cải thiện. Huyện có 10 trường học từ mầm non đến THPT, trong đó có 6 trường đã đạt chuẩn quốc gia; 98,94% số giáo viên đạt chuẩn, 100% học sinh hoàn thành phổ cập đúng độ tuổi từ năm 2005; 100% số xã, thị trấn có Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia; tất cả 12 phân khu có nhà văn hoá... Nước ngọt ở đảo luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Để bảo đảm nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của bà con, năm 2011, huyện Cô Tô khởi công xây dựng 4 hồ chứa nước là Trường Xuân, Chiến Thắng 2, Bạch Vân và C21, với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Trong đó, hồ Trường Xuân có dung tích lớn nhất là 170 nghìn m3, dự kiến sẽ đi vào sử dụng trong năm nay. Dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô đã được khởi công đầu tháng 11-2012, sẽ hoàn thành sau một năm thi công...
Gặp những người đồng đội giữ đảo có nước da nâu, ăn sóng, nói gió tôi thấy thân thương, ấm áp vô cùng. Thiếu tá Vũ Đình Hường, Chính trị viên Tiểu đoàn đảo, quê ở huyện Thanh Hà có 15 năm bám trụ tuyến đảo Đông Bắc. Hường cùng mấy đồng đội cũ “xạc” tôi ra trò. Nào là làm to quên hết anh em; được lắm, “lặn” một hơi đúng 10 năm mới “sủi tăm”; mấy em bưu điện vẫn nhắc về bài báo đầu tiên của cậu đấy; tối nay thì ông sẽ biết tay tụi này!... Lính đảo bộc trực nhưng vô tư, chân thật ào ạt như sóng biển khơi. Quân hàm cấp tá, cấp úy oai vệ là thế nhưng từ quan đến lính đều như nhau, mỗi tuần một đến hai lần ba lô 20 kg trên vai và một khẩu tiểu liên AK cùng hành quân rèn luyện quanh đảo. Bởi rèn sức dẻo dai, huấn luyện giỏi, bảo vệ vững chắc đảo thiêng liêng Tổ quốc là mục tiêu cao nhất của cán bộ, chiến sĩ ở đây. Thiếu tá Hường cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố xây dựng thế trận phòng thủ đảo, ý thức, sự quyết tâm bảo vệ đảo của người dân ở đây rất cao. Bằng chứng là những ngư dân bám biển vươn khơi đều xung phong vào lực lượng dân quân biển. Lực lượng dân quân của huyện được biên chế theo mô hình cụm tàu thuyền đánh cá, số lượng từ 3-5 chiếc; đối với cấp tiểu đội tập trung được sắp xếp theo khu dân cư, dòng họ. Việc tổ chức chặt chẽ, ý thức trách nhiệm cao, lực lượng dân quân biển Cô Tô luôn là “tai mắt”, vừa khai thác hải sản phát triển kinh tế gia đình, đồng thời làm tốt nhiệm vụ quản lý chủ quyền biển đảo. Những dấu hiệu khả nghi của tàu thuyền hoạt động trên biển đều được theo dõi đăng ký, thông báo kịp thời với cơ quan chức năng. Vì vậy, hằng năm lực lượng dân quân biển của huyện đã phối hợp với bộ đội biên phòng, cảnh sát biển xua đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm ngư trường, đánh bắt trộm hải sản, tham gia bắt giữ, xử lý hàng chục vụ buôn lậu, trốn thuế trên vùng biển thuộc địa bàn quản lý. Công tác trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được duy trì nghiêm túc. 3 năm qua, các lực lượng trên đảo đã phối hợp chặt chẽ tổ chức tìm kiếm cứu trên 100 ngư dân và 30 phương tiện bị nạn do các cơn bão và áp thấp nhiệt đới cũng như thiên tai bất thường xảy ra... Những kết quả đó là minh chứng cho tinh thần đoàn kết bám trụ, kiên cường giữ đảo của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió.
Đảo Cô Tô- hòn đảo nơi tiền tiêu trong vùng biển Đông Bắc Tổ quốc Việt Nam đang thức dậy những tiềm năng để trở thành hòn đảo giàu đẹp, vững vàng trước mọi bão tố phong ba như lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu... Về lại đất liền trong tâm trí tôi là hình ảnh của Bác đứng giữa muôn trùng con sóng tay giơ cao vẫy chào với nụ cười hiền hậu.
LÊ THÀNH VINH