Chị gặp lại chồng cũ trong một buổi chiều Hà Nội. Một buổi chiều cuối thu với những đợt heo may hoàng hôn se lạnh. Khi đấy chị vừa từ khách sạn xuống sảnh để chuẩn bị chu tất cho buổi tiệc khách mời cùng chương trình hội thảo tối. Chiếc váy màu xanh da trời với khăn quàng nhẹ trên vai cùng chút son đỏ thắm, chị nổi bật với vẻ đẹp đằm thắm của người phụ nữ tuổi 40, điềm tĩnh và cuốn hút, tự tin bước vào phòng tiệc.
- Loan!
Chị giật mình quay lại. Người đàn ông tầm thước, khuôn mặt pha chút khắc khổ đăm chiêu đang nhìn xoáy vào chị trong sự ngỡ ngàng.
- Anh!
Chị toan bước tiếp, cổ họng nghẹn ngào cùng cảm giác khó tả, nhưng đôi bàn tay rắn chắc của anh đã giữ chị lại.
- Em cũng đến đây à, đi một mình hay với ai?
Chị khẽ cười buồn ngước nhìn anh:
- Thế anh nghĩ tầm này em còn đi với ai nữa? Anh vẫn chả thật lòng chút gì cả.
- Anh xin lỗi, có lẽ vì gặp em bất ngờ quá!
Chị đã lấy lại vẻ bình thường, mỉm cười.
- Thôi, ta vào ăn cơm đi để kịp việc tối nay, em đi trước nhé!
Chị vội vàng bước đi dẫu biết rằng phía sau, người chồng cũ vẫn đứng lặng nhìn theo. Cảm giác cũ lại ùa về, không phải xúc cảm bình thường hay kỷ niệm, mà đó là nỗi sợ hãi mơ hồ khi có người sẽ hiểu thấu tận cùng những nỗi đau mà chị từng trải qua, chị không đủ tự tin để đối diện với anh.
Trong bữa tiệc nhẹ, chị ngồi cùng một số cán bộ ngành giáo dục và các giáo viên. Bữa chiều diễn ra vui vẻ trong sự thân mật làm quen giữa các khách mời tham dự hội thảo. Chỉ còn 2 tiếng nữa, chương trình bắt đầu và chị sẽ là khách mời đặc biệt đồng thời cũng tham dự chủ tọa. Một chương trình mà chị ấp ủ nhiều năm nay, chị thấy một chút xao xuyến, hồi hộp trong lòng.
Chiếc điện thoại trong túi khẽ rung lên, chị rút máy, số điện thoại quen thuộc với tin nhắn: “Anh muốn gặp em một chút ở bên ngoài, em ra nhé, anh có một số chuyện quan trọng cần trao đổi với em!”. Chị khẽ nhìn xung quanh và bắt gặp cái nhìn của anh. Rồi anh vội vã đi sang bên khu vực uống cà phê của khách sạn. Chị đứng dậy sau khi đã xin phép mọi người. Người phụ nữ ở tuổi 40 như chị đã trải qua bao tình huống thử thách rồi nên chị cũng thấy thật bình thường khi phải đối diện với người chồng cũ.
Chỗ 2 người ngồi là sảnh rộng nhìn bao quát toàn thành phố trên độ cao 12 tầng, ít người qua lại, nhưng hơi lạnh. Chị khẽ rùng mình kéo khăn cao ngang cổ.
- Công việc của em thế nào?
- Em vẫn ổn, vẫn làm công việc cũ và kiêm thêm một số việc mới.
- Con hôm nay ở nhà với ông bà ngoại à?
Chị thở dài nhìn anh:
- Vậy anh nghĩ con chúng ta mấy tuổi rồi mà nó chịu ở nhà với ông bà. Có lẽ anh cũng chả nghĩ nhiều về nó!
Anh bối rối nhìn chị:
- Thì anh nghĩ, em bận rộn thế này, cho con đi cùng chỉ thêm vất vả! Em đừng nhạy cảm như thế có được không?
Bất giác, chị muốn khóc nức nở như một con bé 20 tuổi khi bị người ta đổ oan hay coi thường. Cả hai rơi vào tình thế gượng gạo. Quá khứ mà chị muốn quên đi giờ đây lại ùa về...
*
Chị vẫn nhớ cái ngày chị báo tin mình có thai, anh ôm choàng lấy chị và bế bổng lên khiến cả 2 suýt ngã. Rồi buổi chiều sau khi cả 2 người cùng vào viện siêu âm thai, suốt đoạn đường về nhà anh vui như trúng xổ số, huýt sáo liên tục. Rồi anh lao vào nhà tắm đánh chùi sạch sẽ từng xen ti mét với lý do sợ nền gạch trơn, chị dễ bị trượt ngã. Anh vốn đi làm xa, thường cuối tuần mới về, nhưng từ hôm chị có thai, chẳng quản ngại đường sá, anh sáng đi tối về vì lo chị ở nhà vất vả.
Hạnh phúc khi đó thật giản đơn, chị làm nhân viên UBND thị xã còn anh làm giáo viên, chỉ có đồng lương ba cọc ba đồng mà lúc nào cũng vui vầy... Cả hai mong ngóng đứa con đầu chào đời trong niềm hy vọng tràn đầy. Có những hôm vui chuyện, cả hai đố nhau sau này con sẽ làm gì. Rồi chị vùng vằng dỗi hờn khi anh cứ cam đoan nó sẽ làm thầy giáo giống anh, còn chị mơ ước nó sẽ trở thành bác sĩ! Nghĩ đến tương lai, đến tận ngày sinh chị vẫn không quản ngại làm thêm giờ để tăng thu nhập... Vì sinh mổ nên chị phải ở viện một tuần. Họ hàng, bố mẹ, anh chị em hai bên mừng vui khôn xiết vì nó là cháu đích tôn, chị tưởng như hạnh phúc mãi mãi.
Thế rồi, đứa con trai của chị lớn lên trong sự lo lắng mơ hồ của cả nhà khi mà nó có những biểu hiện khác lạ so với những đứa trẻ cùng tuổi trong xóm. Ðêm đêm, nó quấy khóc đến 2 giờ sáng, không theo bất kỳ ai ngoài bố mẹ. Khi biết đi, nó cứ lao như mũi tên vào bờ tường và khi mọi đứa trẻ khác cùng tuổi bập bẹ biết gọi, biết nói thì con chị vẫn câm lặng trong ngơ ngác. Nó xa lánh và biệt lập với thế giới xung quanh, kể cả với chị thì nó cũng không biết đáp lại những tình cảm yêu thương vỗ về... Hai vợ chồng hoang mang sợ hãi. Cái ngày Bệnh viện Nhi Trung ương thông báo kết luận chính thức: Con trai của chị bị mắc chứng tự kỷ thể nặng thì đôi chân chị khuỵu xuống, chị trách ông trời sao nỡ ác, khi bất hạnh lại rơi đúng chị. Với chị khi đó, khái niệm căn bệnh tự kỷ thật khủng khiếp, như thể nó đã khép lại tương lai của đứa con thân yêu. Vừa phải đối mặt với bệnh tật của con, lại vừa phải lo lắng kinh tế vì nó thường xuyên ốm đau còi cọc, bệnh nọ cứ nối tiếp bệnh kia, một tháng có khi đến 2 lần chị phải đưa con vào viện.
Anh cũng động viên chị và dồn tiền chạy chữa cho con. Cả hai dù chẳng ai dám nói ra sự thật nhưng đều thầm hiểu, căn bệnh này không có thuốc chữa mà phải dành thời gian để gần gũi và giúp đỡ con... Có đêm chị tỉnh giấc thấy anh chưa ngủ, vẫn ngồi thần bên chiếc máy vi tính để tra cứu về nguyên nhân của bệnh... Rồi có lần, anh bất ngờ hỏi chị rằng bên gia đình chị ai có tiền sử mắc bệnh tâm thần hoặc nhiễm chất độc da cam... Chị cũng thật lòng nói về người nọ người kia, trong đó cả bố chị cũng có thể nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin bởi ông từng tham gia chiến trường chống Mỹ. Anh nhìn chị bằng ánh mắt rất lạ mà khi đó chị chưa kịp hiểu ra. Lúc đó, chị chỉ nghĩ phải có thật nhiều tiền để lo cho con nên ngoài thời gian chăm sóc, dạy dỗ con, chị cố đi làm thêm, vất vả gấp đôi... Chị dần trở thành con người khác, từ một phụ nữ trẻ trung, luôn chăm chút bản thân, nay thành ra trầm tư, già trước tuổi, cũng chẳng còn điều kiện chăm chút nhan sắc nữa. Ừ thì còn quan trọng gì nữa khi mà cứ suốt ngày quay cuồng vật lộn với việc nhà, việc con, việc cơ quan…Cũng không còn nữa những bữa cơm đầm ấm cùng tiếng cười khi mà ba con người cùng câm lặng bên mâm cơm, vừa ăn mà nghẹn lòng khi thấy đứa con vô hồn khi thì bi bô lảm nhảm những lời vô nghĩa, khi thì đập phá tanh bành, khóc lóc liên hồi. Lúc ấy, anh lại thở dài, buông bát ra ngoài hiên, đốt thuốc...
Rồi anh cũng ít về nhà, lấy lý do bận việc dưới trường, khi thì đám cưới, khi trời mưa, khi xe hỏng... Chỉ còn chị với chuỗi ngày vật lộn với con. Cả những khi con sốt cao co giật, ốm đau triền miên, thật tội vì nó cũng chẳng biết thủ thỉ với chị như bao đứa trẻ khác nếu như nó đau bụng, đau răng hay đơn giản là đói... Chị muốn buông xuôi, nhưng rồi mỗi đêm nhìn con, chị biết rằng nó đang cần mình biết bao! Chị lại lau nước mắt để cố vượt qua, giữ nụ cười trên môi khi ai hỏi chuyện, bình thản khi có người nhắc đến và kiên nhẫn trước những đổi thay tình cảm của chồng. Chị cũng hiểu, vì anh đã bất lực khi không biết phải làm gì để cứu con mình. Cả những khi trở về, anh muốn ôm con và nói chuyện với nó nhưng đáp lại chỉ là những tiếng la hét, cào cấu. Chị không dám trách anh.
Khi con 3 tuổi, ông bà nội ngoại động viên vợ chồng chị sinh thêm đứa nữa. Chị biết rằng nếu sinh thêm thì sẽ vất vả nhưng chị hy vọng đứa thứ hai sẽ hoàn thiện hơn. Những lúc vợ chồng chung chăn gối, chị thì thầm khát khao điều mong mỏi ấy thì anh gạt đi, buồn bã nói rằng: “Anh đã hỏi một số người, nếu sinh đứa đầu mắc căn bệnh tự kỷ thì khả năng cao đứa thứ hai cũng sẽ bị. Nên tốt nhất mình dừng lại ở đây”.
Chị nhớ mãi buổi chiều hôm đó, vô tình nghe được cuộc điện thoại của chồng với mẹ chồng, chị đã hiểu. Câu nói cuối cùng làm chị đau lắm: “Mẹ ạ, trẻ tự kỷ nguyên nhân là do người mẹ khi mang thai, với lại cả di truyền bên nhà vợ con, nếu cô ấy sinh đứa nữa thì cũng sẽ lại lặp lại bi kịch này thôi, con không thể tiếp tục!”.
Bên kia, mẹ chồng chị thở dài: “Thôi, âu cũng là cái duyên số mà các con không thể chung đường được. Mẹ cũng muốn có một đứa cháu khôn ngoan lanh lợi, chứ thế này thì...!”.
Chị bỗng hiểu ra nhiều điều hơn chị tưởng và thấy rằng giờ đây chỉ còn chị là người đồng hành với đứa con bé nhỏ đáng thương này!
Mọi chuyện cũng vì thế mà cứ đi theo chiều hướng xấu. Bất cứ việc gì, lời nói gì hay chỉ là chút vô tình liên quan đến con, anh đều đổ lỗi cho chị và coi chị như là căn nguyên của mọi vấn đề. Chị thấy như người có lỗi dù nhiều lúc chị đã cố gắng nhiều hơn bất kỳ một người phụ nữ mạnh mẽ nào. Còn anh thì luôn ở cái thế của người phán xét, là nạn nhân trong cuộc hôn nhân. Chị thành quen và trở nên nhẫn nhục, song có những đêm không ngủ được trong nước mắt cùng câu hỏi: “Vì đâu mà cuộc sống của gia đình chị đến nông nỗi này? Giá như chị có một đứa con thông minh lanh lợi như bao người bình thường, thật bình thường...”.
Cho đến một hôm, chị bị đau bụng dữ dội, chỉ kịp xin nghỉ làm và tự mình đi lên Bệnh viện Phụ sản kiểm tra. Khi đang chờ đến lượt siêu âm, chị bất ngờ và choáng váng khi thấy chồng mình tay trong tay với một người phụ nữ còn rất trẻ cũng đi vào. Cô gái xinh đẹp rạng rỡ hai tay e ấp trước cái bụng đã lùm lùm. Trời đất như xây xẩm, chị đứng bật dậy quên cả cơn đau. Người chồng sững lại khi thấy chị.
Tối hôm ấy, chị gửi con về bà ngoại. Hai vợ chồng ngồi đối diện trong câm lặng và anh đã là người phá tan đi sự nặng nề đó: “Em hãy hiểu và chấp nhận. Có lẽ chúng ta không thể đi chung đường để có với nhau những đứa con lành lặn và thông minh. Mong em giúp anh và đây cũng là lần cuối cùng anh nhờ em một việc, dù biết rằng nó thật khó khăn...”.
- Cô ấy là ai?
- Cô ấy là học sinh cũ của anh! Cô ấy vốn đã có tình cảm với anh trước khi chúng ta đến với nhau và đến giờ cô ấy vẫn chấp nhận chờ anh.
Chị hít một hơi thật sâu để giữ cho giọng nói của mình trở lại bình thường:
- Thôi được rồi! Dù em có níu kéo cũng không thể và em không làm được gì nữa, cô ấy cũng đang sắp có một đứa con với anh, em sẽ viết đơn.
Một cảm giác trống rỗng tận cùng đè nặng đôi vai nhỏ bé của chị, chị không còn thấy đau đớn oán giận nữa, chị đã nghĩ tới đứa con nhỏ và hành trình của 2 mẹ con ở trước mắt.
*
Hầu như mọi người đều bảo rằng: “Ly hôn là thất bại lớn nhất của hôn nhân”, nhưng với chị, giờ đây chị thầm cảm ơn cái ngày ấy, “khi mà ai đó buông ra khiến mình sắp ngã thì chính mình không được ngã mà phải cố gắng đứng vững một mình”. Chị đã có thêm sức mạnh từ cuộc sống khó khăn. Một mình chị phải lo cuộc sống cho hai mẹ con, vừa dành dụm tiền mua thuốc và đưa con đi chữa bệnh. Chị vào mạng, tra cứu và gia nhập các nhóm cha mẹ có con bị tự kỷ. Chị kết thân với các y tá, bác sĩ và những người có kinh nghiệm để tự tìm ra phương pháp giúp đỡ, can thiệp tốt nhất cho con. Và trời không phụ công chị, dù trải qua gian nan vô cùng, con trai chị đã dần tiến bộ. Con bắt đầu đi học tiểu học dù muộn hơn bạn cùng lứa và thật bất ngờ khi con trai chị có khả năng đặc biệt về âm nhạc và hội họa, dù ngôn ngữ diễn tả chưa thể tự tin. Bước vào cấp 2, chị đã luôn đồng hành sát cánh bên con trong vai trò người bạn, bảo vệ cho con và giúp con ngày càng tự tin. Không chỉ có kết quả học tập tốt, con trai chị đã nhận được 1 giải thưởng âm nhạc do Bộ Giáo dục và Ðào tạo phối hợp với Trung ương Ðoàn tổ chức. Rất nhiều cha mẹ có con bị tự kỷ đã tìm đến chị để xem thực hư và xin kinh nghiệm của chị.
Chị chỉ cười buồn và giấu đi những giọt nước mắt vào tim. Nhiều đêm, chị vẫn theo dõi thông tin về chồng cũ và biết anh cũng đang hạnh phúc với đứa con mới chào đời. Vào trang Facebook của anh ngày đó, thấy anh cùng vợ con rạng rỡ, chị nghẹn ngào lướt qua. Thế rồi, anh cũng ít điện thoại hỏi thăm con, đóng cửa trang Facebook hoặc xóa tên chị khỏi danh sách kết bạn. Chị cảm giác cuộc sống của anh không được dư dả hay vì lý do nào đấy. Rồi thì bặt tin khi anh chuyển cả gia đình cùng bố mẹ về Hà Nội sau khi nhận công tác tại một trường đại học trên Thủ đô.
Còn chị, chị quyết định nhận lời mời của một tổ chức giáo dục quốc tế để viết một cuốn sách dành cho các bà mẹ có con mắc bệnh tự kỷ. Không có nhiều thời gian nhưng với quyết tâm, sau gần một năm, chị hoàn thành cuốn sách và được một nhà xuất bản nhận phát hành độc quyền với lượng người mua tăng đến không ngờ...
Cứ thế, chị cũng không còn nhiều thời gian rảnh rỗi để mà buồn. Không còn những giày vò, đớn đau và tủi hận, tất cả đã phải lùi lại để chị dành nhiều hơn cho con và chia sẻ, giúp đỡ, đồng hành với những ai cùng cảnh ngộ. Chị cũng nhận được nhiều hơn những lời mời trong công việc, khi thì với vai trò là tác giả viết sách, báo, khi thì là một diễn giả hay đơn giản chỉ là một nhóm nhỏ câu lạc bộ những người phụ nữ như chị...
*
Tiếng nhạc rộn rã cất lên từ hội trường lớn khiến cả hai giật mình trở về với thực tại... Chị luống cuống đôi chút, còn anh thoáng chút thẫn thờ đến vô hồn.
- Anh là một người chồng ích kỷ! Chắc em đang nghĩ thế phải không?
- Thôi, chuyện cũ qua lâu rồi anh! Bây giờ anh thế nào?
- Anh à, cũng bình thường thôi em ạ. Anh cũng chỉ có một cháu thôi.
- Thế hai mẹ con cô ấy có đến đây không?
- Cô ấy bận! Chỉ có anh đưa cháu đến thôi.
- Vậy à, thế mà em không biết, anh vào với cháu đi!
Chợt có tiếng khóc của đứa trẻ. Thằng bé chừng hơn 10 tuổi đang ngơ ngác như trẻ lên ba với đôi mắt vô hồn, ào đến bên anh:
- Bố!
Và thằng bé chỉ nói được có thế, tất cả còn lại là những âm thanh không cắt được nghĩa với vẻ đáng thương.
Chị sững sờ! Khuôn mặt anh biến sắc. Là người mẹ có kinh nghiệm, chị hiểu được điều gì đã xảy ra với anh và đứa con của anh. Chị thấy trong tiếng khóc và những âm thanh vô nghĩa kia là hình bóng của đứa con thân yêu ngày nào. Chẳng còn chút oán giận, chỉ còn nỗi thương cảm như tâm trạng mà bao lần chị giữ trong lòng khi tiếp xúc với những người bạn đặc biệt.
- Anh và mẹ cháu hãy cố gắng gần gũi quan tâm cháu hơn!
- Chắc em hài lòng lắm nhỉ?
Chị thấy nghẹt thở, một nỗi tức giận ùa đến, chị đứng lên:
- Tôi xin anh đấy! Nếu anh còn nói chuyện với tôi như thế thì anh đừng nghĩ đến những gì mà chúng ta vừa trải qua. Tôi xin lỗi vào trước để chuẩn bị.
*
Sau khi nhận tài liệu, anh và con trai vào ngồi ở vị trí phía trái hội trường. Biết mình lỡ lời, anh đưa mắt tìm kiếm ở các hàng ghế để mong nhìn thấy chị, nói với chị một lời xin lỗi. Không thấy chị đâu, dù chị đã vào hội trường trước anh, khách mời cũng ngồi kín dần, sẵn sàng cho chương trình hội thảo.
- Xin trân trọng kính mời chị Phạm Thị Mai Loan, vị khách đặc biệt và cũng là diễn giả của các ông bố, bà mẹ ngày hôm nay! Chị Loan cũng đã có một đứa con mắc bệnh tự kỷ và chúng ta hãy cùng nghe chị chia sẻ!
Tiếng vỗ tay rào rào, anh loáng thoáng nghe thấy một số khách mời thể hiện sự phấn khích khi gặp lại người quen. Anh dụi mắt, chị trong chiếc váy tối màu giản dị, vẫn giọng nói nhẹ nhàng mà dứt khoát... Tai anh cứ bập bùng với những câu hỏi quay cuồng trong đầu.
- Và thật cảm động khi hôm nay, chúng ta sẽ gặp gỡ cháu Minh, với sự nỗ lực vượt lên chính mình và sự hỗ trợ của gia đình, bố mẹ, cháu đã là một học sinh giỏi của lớp. Trân trọng hơn, Minh sẽ tặng tất cả chúng ta một bài hát em tự sáng tác và tự đệm đàn hát.
Cậu bé bước ra, con trai của anh, nó đã cao lớn và chững chạc trong bộ áo vest sáng màu, dáng đi thong thả và ánh nhìn trong sáng hướng về khán giả. Tiếng đàn vút lên, lời ca êm ái, lời ca của một đứa trẻ với khát khao bay vào thiên hà, nắm lấy tình yêu và ước mơ...
Anh loạng choạng dắt con đi như chạy ra khỏi hội trường... Một mình nơi tiền sảnh vắng vẻ trong ánh điện chập chờn chìm dần vào bóng tối, những giọt nước mắt đàn ông mặn chát, đôi tay anh run rẩy ôm lấy con, thằng bé ngơ ngác nép vào anh một cách tội nghiệp. Tiếng nhạc từ chiếc điện thoại cất lên, anh mở tin nhắn, khẽ nhếch mép: “Sáng mai, tôi muốn gặp anh để thỏa thuận lần cuối về thủ tục ly hôn, anh cố gắng giúp tôi sớm cho kịp chuyến bay tuần sau”.
- Mẹ đâu? - thằng bé ngơ ngác.
- Mẹ không về được, mẹ nhắn tin rồi con ạ!
Anh và con vội vã ra bãi đỗ xe, thỉnh thoảng anh khẽ nhìn xung quanh như sợ ai bắt gặp.
Có một người phụ nữ đang đứng lặng trên ban công, im lìm như pho tượng, đôi mắt dõi theo bóng 2 bố con anh khuất dần sau rặng cây um tùm. Phía sau những cao ốc, mảnh trăng bé tí vàng vọt hắt ra những tia sáng yếu ớt hòa cùng cái se lạnh cuối thu.
Truyện ngắn của BÙI THỊ THU HẰNG