Ung thư kéo sập tuổi thơ, cướp luôn cánh tay của cậu bé có cái tên gợi tưởng đến niềm hi vọng - Hải Đăng (13 tuổi, Trường THCS Hòa Hưng, huyện Long Thành, Đồng Nai).
Và giờ những tấm lòng hội ngộ để biến ước mơ có một cánh tay robot của cậu bé thành sự thật.
Một ngày đầu tháng 11.2018, chị Võ Thị Hồng Vân dẫn con trai Hải Đăng từ Đồng Nai lên TP Hồ Chí Minh, tuyến đường quen thuộc mà hai mẹ con đã đi không biết bao nhiêu lần trong hành trình đối diện với ung thư suốt mấy năm qua.
Với chị Vân, đến TP Hồ Chí Minh luôn là nỗi ám ảnh. Lần này, chị đi trong tâm trạng háo hức, mong mỏi để tận mắt thấy con mình được lắp cánh tay robot. "Những lần trước, dẫn con đi mà cứ lo sợ không biết bệnh có cướp thêm phần cơ thể nào của con không. Còn lần này, con tôi được nối dài cánh tay như vực lại thiệt thòi bấy lâu mà cháu phải chịu" - chị Vân trải lòng.
Lần đầu tiên chị Vân đến TP Hồ Chí Minh vào đầu năm 2015, điểm đến là bệnh viện Nhi Đồng 2. Lúc đó, cánh tay Hải Đăng sưng to, đau nhức. "99% khả năng cháu bị ung thư xương, phải nhập viện điều trị ngay" - chị Vân vẫn nhớ như in từng lời của bác sĩ buổi ban đầu.
Từng lời của bác sĩ vò nát trái tim người mẹ. Hải Đăng ngây ngô: "Con phải nằm viện bao lâu hả mẹ?". Giấu nỗi buồn, chị Vân trấn an: "Khi nào tay con trở lại bình thường thì về".
Rồi buổi sáng giữa năm 2015 ám ảnh đến. "Lúc đó bác sĩ gọi tôi vào phòng trao đổi riêng, tôi tưởng là tin tốt nhưng không ngờ lại là tin dữ. Đăng buộc phải cắt bỏ cánh tay trái để ngăn chặn di căn. Tôi sốc, cố hỏi xem còn cách nào khác, nhưng bác sĩ bảo đã cố gắng hết sức. Lúc đó, tôi chẳng biết sẽ phải nói với con thế nào" - chị Vân kể.
Đêm trắng, chị như nghe thấy tiếng bác sĩ vọng lại: "Phải tiến hành nhanh, không thì chẳng kịp". Làm mẹ, chị không thể nói lên sự thật đau đớn ấy. Chị phải nhờ bác sĩ giúp mình. "Lúc nghe vậy Đăng không chịu, cứ hỏi tôi là con phải cắt tay hả mẹ, tay con có mọc lại không. Tôi ừ đại rồi dỗ Đăng ngủ, con ngủ thì tôi khóc" - chị Vân nhớ lại. Sáng hôm sau, Đăng bỗng dưng quay ngoắt 180 độ, gật đầu đồng ý cắt đi cánh tay của chính mình.
Đo vẽ cánh tay của Hải Đăng vào tháng 7.2018 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trong những tháng ngày mệt nhoài bước đi trên con đường mà chị Vân tự an ủi là "số phận" ấy, hai mẹ con đã có những phút giây quên đi đớn đau với những niềm vui từ chương trình Ước mơ của Thúy. Các tình nguyện viên của chương trình đã đến giường bệnh để sẻ chia niềm yêu thương với Đăng bằng cả tấm lòng. Điều ước của Hải Đăng nói với tình nguyện viên là được bắt tay với chú phi công, được lên buồng lái và lái máy bay bằng hai tay.
Các tình nguyện viên đã tìm mọi cách để Hải Đăng hoàn thành ước nguyện là được một lần thấy khoang lái trước khi lên bàn phẫu thuật. Nhưng những quy định nghiêm ngặt về an toàn bay không thể giúp ước mơ ấy thành hiện thực. Ca mổ cắt cánh tay đến, còn điều ước bỏ lại sau lưng.
Sau ca mổ, Hải Đăng tỉnh dậy, cậu khua cánh tay trái. Mọi thứ khác quá, bàn tay đã biến mất, chỉ còn từ cùi chỏ trở lên được băng kín. Lúc ôm còn từ phòng mổ ra chị Vân khóc rất nhiều, nhưng Hải Đăng lại trấn an mẹ. "Thấy tui khóc, nó nói mẹ ơi mẹ đừng có khóc, con không chịu được. Con lúc nào cũng muốn mẹ vui, mẹ vui thì con mới khỏe. Làm cha mẹ, nhìn con như vậy ai mà chịu được. Đăng là đứa trẻ ngoan, không bao giờ muốn làm ba mẹ buồn nên không nhắc về cánh tay. Nó lúc nào cũng vô tư để mình không suy nghĩ" - chị Vân kể.
Cuối năm 2016, Hải Đăng được xuất viện, cậu trở về nhà và cố gắng làm mọi việc để không phiền đến ba mẹ. Có những việc cần hai tay cậu không thể thực hiện được nên nói với mẹ "ước gì con có cánh tay robot mẹ nhỉ".
Người mẹ nghèo, điều ước ấy là không tưởng, chỉ biết cười vỗ về con trai. Thế rồi, hai mẹ con mang điều ước ấy đến gửi gắm tại Ngày hội Hoa hướng dương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2017. Điều ước này Đăng nói lên giản đơn và nhẹ tênh như chính cách mà em đã đối diện với những đau đớn mấy năm qua. Nhưng ngược lại, điều ước này làm nặng lòng biết bao người tham dự ngày hội khi nhìn em với một cơ thể không toàn vẹn. Và chính từ ngày hội này, hành trình đi tìm cánh tay robot cho cậu bé bắt đầu.
Chị Vân cười hạnh phúc khi thấy cánh tay robot có thật dành cho con mình - Ảnh: TRẦN MAI
Cổ tích đã có thật, tại Ngày hội Hoa hướng dương năm 2017, một "ông bụt" đã xuất hiện và hứa với Đăng "sẽ tặng con một cánh tay". Đó là mạnh thường quân Lê Bá Thông, người đã gắn bới với bệnh nhi ung thư và Ước mơ của Thúy thông qua chương trình Giấc mơ đêm mùa đông.
"Ông bụt" Thông biết tại Việt Nam, các bạn trẻ Fablab Saigon (nơi dành cho những người trẻ sáng tạo và đam mê công nghệ) có thể giúp đôi tay robot thành sự thật và tìm đến kể lại câu chuyện của Hải Đăng. Fablab Saigon gật đầu. Họ lao vào thế giới ảo, tìm kiếm cánh tay thật hoàn thành nguyện ước của Đăng.
Thật may mắn khi tìm thấy tại Đài Loan, tổ chức TGH (tổ chức chuyên lắp đặt những cánh tay robot cho những trường hợp khó khăn) đang có những cánh tay như Hải Đăng ước. Điều ước của một đứa trẻ vượt khỏi khuôn khổ ngôn ngữ, văn hóa, Scott Chen - nhà sáng lập tổ chức TGH - đã nhận lời phụ trách thiết kế ý tưởng chủ đạo, in và ráp tay từ khuỷu trở xuống tại Đài Loan sau khi nghe câu chuyện.
Mai và Hải Đăng cùng hành phúc khi chiếc tay robot được lắp thử nghiệm - Ảnh: TRẦN MAI
Tại Việt Nam các bạn trẻ Fablab Saigon nhận trách nhiệm scan 3D và thiết kế bộ phận gá tay và các bước tiếp theo để lắp động cơ. Nguyễn Hoàng Giang - kỹ thuật viên Fablab Saigon - đảm nhận chính phần này.
Những tháng ngày ròng rã, Fablab và TGH chỉ liên hệ với nhau qua thế giới mạng, nhưng cánh tay được làm hoàn hảo chuyển về Việt Nam sau 5 tháng trao đổi. Bạn Nguyễn Thị Thanh Mai, quản lý dự án làm cánh tay cho Hải Đăng bay qua Đài Loan để gặp Scott Chen, cùng nhau hoàn thiện cánh tay mang về Việt Nam hoàn thiện các phần còn thiếu chuẩn bị trao cho Hải Đăng sau một năm đợi chờ.
Mai tâm sự: "Tụi mình chưa từng gặp Scott Chen trước đó, nhưng mỗi lần phân công công việc điều nhắc nhau Hải Đăng là chiến binh cuối cùng ở phòng bệnh, phải cố gắng hoàn thành điều ước này. Mọi người làm liên tục, có đêm hai bên thức tới sáng để trao đổi".
Ngày đưa cánh tay từ Đài Loan về Việt Nam, Mai đã báo cho mẹ con Hải Đăng biết. Hai mẹ con tức tốc lên TP Hồ Chí Minh. Cậu bé trố mắt, cầm lấy cánh tay đầy tò mò, rồi nở nụ cười. Lúc Mai và Giang đo vẽ và chụp 3D để lắp nối phần tay thực của Hải Đăng với cánh tay robot, nhìn Đăng vui mà chị Vân trào nước mắt: "Làm mẹ, tôi không giúp được gì cho con mình. Lâu lắm rồi tôi mới thấy cháu nó nụ cười non nít vậy. Từ ngày bị bệnh, tính cháu người lớn lắm".
Một năm trôi qua, ngày hội Hoa hướng dương lại đến, những tấm lòng đang gấp rút hoàn thành các công đoạn cuối cùng, còn Hải Đăng và mẹ háo hức chờ đến ngày ấy để cánh tay mất đi vì bạo bệnh được thay thế bằng cánh tay robot. "Con sẽ là đứa trẻ hạnh phúc nhất ngày hội năm nay", Hải Đăng nói.
"Khi nghe chương trình thông báo là có nhà tài trợ lo cánh tay cho con, tôi rất vui mừng. Cha mẹ không lo cho con được thì chương trình lo được. Không riêng mình tui đâu, Hải Đăng cũng rất là mừng thấy cái tay, hí hửng luôn đó. Đăng nói Mẹ ơi cánh tay con được rồi kìa mẹ, kì này con về là mẹ khỏi phải lo nữa rồi", chị Vân kể.
TRẦN MAI - NGỌC HIỂN (Tuổi trẻ)