“Còn nể nang, né tránh, chưa mạnh dạn trong đấu tranh tự phê bình và phê bình” là hạn chế, khuyết điểm được nhiều cán bộ, đảng viên tự nhận trong mỗi dịp tổng kết năm.
“Nể nang, né tránh, ngại phê bình” đã trở thành căn bệnh trầm kha bởi với nhiều người, nó tồn tại dai dẳng hết năm này qua năm khác. Ở nhiều chi bộ, việc phê bình chỉ diễn ra "một chiều" của cấp trên đối với cấp dưới mà không có "chiều ngược lại" của cấp dưới đối với cấp trên hay "chiều ngang" giữa đảng viên với nhau. Có người lý sự, chúng tôi phê bình góp ý cho nhau hằng ngày ngay khi đồng chí, đồng nghiệp mắc khuyết điểm mà không cần đợi đến cuộc họp. Vì thế, không khí của các cuộc họp rất thoải mái, không căng thẳng như khi phải đấu tranh “phê và tự phê”. Lại có ý kiến cho rằng, phê bình làm gì, đấu tranh tức là “tránh đâu”. Phê bình đồng chí thì sợ mất lòng, mất phiếu tín nhiệm. Phê bình cấp trên, thủ trưởng thì sợ bị trù dập... Thế nên, dù đúng, dù sai thì “im lặng” vẫn là “vàng”, khuyết điểm to thì làm cho thành nhỏ, khuyết điểm nhỏ thì coi như không có. Ấy là đối với việc phê bình. Còn với tự phê bình, nhiều cán bộ, đảng viên tự nhận rõ khuyết điểm nhưng lại chậm khắc phục, sửa chữa, thành ra có những khuyết điểm trở thành “bệnh mạn tính”. Tệ hại hơn, có người không chịu thừa nhận khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm về hạn chế, thiếu sót mà mình đã gây ra.
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc nể nang, né tránh, không thực hiện tự phê bình và phê bình là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Tác hại mà “bệnh nể nang” gây ra là nhiều hạn chế, khuyết điểm bị che giấu, lâu ngày tích tụ lại thành hạn chế lớn. Nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật không được xử lý nghiêm minh. Và lâu dần, làm mất niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước. Để trị tận gốc căn bệnh này, trước hết phải nhìn rõ căn nguyên gây bệnh. Cán bộ, đảng viên chỉ có thể mạnh dạn tự phê bình và phê bình khi họ được sống và làm việc trong môi trường thực sự dân chủ, đoàn kết và cởi mở. Thực tế cho thấy ở các chi bộ thôn, khu dân cư, việc tự phê bình và phê bình thường diễn ra sôi nổi hơn. Đảng viên không nể nang, né tránh khuyết điểm bởi không sợ mất lòng cấp trên và mất lòng đồng chí của mình. Ở khối cơ quan thì khác. Ở đâu người đứng đầu không gương mẫu trong thực hiện tự phê bình và phê bình, không nghiêm trong thực hiện các quy định, nội quy, quy chế cơ quan, không thật sự cầu thị, hòa mình lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ, nhân viên cấp dưới, thì ở đó sẽ xuất hiện những người “cơ hội về chính trị”. Họ thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, được lòng hết cả mọi người hoặc cố tình che giấu khuyết điểm của người khác để được yên thân. Vì thế, việc làm trước tiên là phải tạo dựng môi trường làm việc lành mạnh, phát huy dân chủ, thực hiện nghiêm các quy định đã đề ra. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, học Bác phong cách quần chúng, dân chủ, tạo không khí cởi mở để lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng. Khi nhận ra khuyết điểm cần cầu thị sửa chữa, không trù dập người đã mạnh dạn phê bình mình. Các chi bộ cần tăng cường tuyên truyền, triển khai nghiêm túc các chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong sinh hoạt chi bộ, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc tự phê bình và phê bình, tránh suy nghĩ thực hiện phê bình trong cuộc họp sẽ làm không khí căng thẳng...
Việc tự phê bình và phê bình chỉ thực sự hiệu quả khi những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra được khắc phục, sửa chữa kịp thời. Việc phê bình phải được thực hiện trên tinh thần xây dựng, không lợi dụng phê bình để nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau vì động cơ cá nhân. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, nhìn thẳng vào sự thật để chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục sửa chữa...
HOÀI ANH