Trẻ em vẫn bị bạo hành

03/12/2020 15:00

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện không ít trường hợp trẻ em nghi vấn bị bạo lực gây nhức nhối dư luận.


Trẻ em cần được quan tâm chăm sóc, tạo điều kiện tham gia các hoạt động để phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần. Ảnh có tính chất minh họa

Người thân là thủ phạm

Ngày 27.11, Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp nhận thông tin từ Tổng đài 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em) về một vụ việc có dấu hiệu bạo hành tinh thần trẻ em ở huyện Thanh Miện. Theo lời người tố cáo, ông bà đang nuôi cháu nội 8 tuổi do bố của đứa trẻ đi làm ăn nơi khác. Trước đó, anh ta ly hôn với vợ, tòa xử cháu ở với bố. Gần đây, anh ta trở về, đe dọa con, gây sức ép để bố mẹ chia đất hoặc tài sản cho mình, nếu không sẽ đón đứa trẻ về nuôi. Lo lắng cho tinh thần của trẻ và trường hợp cháu sẽ không được chăm sóc chu đáo nếu về ở với con trai, ông bà đã gọi điện đến Tổng đài 111 để phản ánh sự việc.

Đây là vụ việc mới nhất có dấu hiệu bạo hành trẻ em (BHTE) mà Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới nhận được thông tin. Phòng đã yêu cầu Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thanh Miện báo cáo vụ việc, chỉ đạo cán bộ chuyên môn tại địa phương theo sát tình hình ở gia đình để can thiệp khi cần thiết. Quan trọng nhất là bảo đảm quyền lợi, giúp trẻ được sống trong môi trường có sự chăm sóc và giáo dục tốt nhất.

Cách đây vài tháng tại huyện Gia Lộc cũng diễn ra vụ việc nghi vấn bố bạo hành con. Sau khi ly hôn, tòa xử bố nuôi 1 người con, mẹ nuôi người con còn lại. Trong thời gian ở với bố, cháu bé đã bị gẫy xương ngón tay, nghi là do bị bạo hành. Sau đó, người mẹ đã đưa cháu bé về ở cùng mình ở địa phương khác. Cũng trong năm 2020, anh Nguyễn Hữu H. ở khu Cẩm Khê, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) bị tố bạo hành con đẻ. Mẹ cháu bé cho biết anh H. đã đánh con tím tay, tím chân, tím mông. Vợ chồng anh H. ly hôn từ năm 2016.

Dù xảy ra đã lâu, nhưng nhiều người vẫn chưa quên được vụ việc thương tâm sát hại trẻ em vào năm 2015 ở huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn) do mâu thuẫn gia đình. Tháng 3.2015, N.T.L., sinh năm 1992 ở xã Thái Thịnh đã vứt cháu N.X.S., 1 tuổi, con của anh trai và chị dâu xuống giếng nước nhà hàng xóm để trả thù chị dâu. L. đã bị khởi tố về tội giết người.

Không chỉ ở tỉnh ta, thời gian qua trong cả nước phát hiện nhiều vụ việc BHTE gây rúng động dư luận như vụ việc cháu bé bị chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh hành hạ dã man; cô giáo đánh, cắn vào tay trẻ trong giờ ăn ở TP Hồ Chí Minh; bạo hành con đến chết ở TP Hà Nội... Trẻ bị bạo hành bởi những người xung quanh, có khi chính là những người thân như bố, mẹ.

Môi trường gia đình chưa tốt

Theo Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, những vụ việc BHTE được biết tới mới là "phần nổi của tảng băng chìm". Một phần nguyên nhân là nhiều phụ huynh chưa có ý thức đúng đắn về quyền trẻ em. Người Việt Nam có câu "yêu cho roi cho vọt", vì vậy nhiều bậc phụ huynh nghĩ phải dạy con nghiêm khắc bằng đòn roi mà không biết rằng đó là hình thức tiêu cực để giáo dục trẻ.

Lý do chính dẫn đến tình trạng BHTE là môi trường gia đình của trẻ. Nhiều vụ việc ở trên cho thấy việc BHTE diễn ra nhiều ở những gia đình không hạnh phúc, ly tán, có nhiều mâu thuẫn. Là nạn nhân trong sự đổ vỡ của gia đình, trẻ hứng chịu nhiều thiệt thòi do thiếu sự quan tâm chăm sóc, có lúc còn trở thành "công cụ" để chính người thân đạt được mục đích của mình.

"Để xảy ra BHTE, tôi nghĩ gia đình, nhà trường, các ngành, các cấp, hội, đoàn thể đều có trách nhiệm. Để tránh những sự việc đáng tiếc như trên, các cấp, ngành cần quan tâm nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em, kịp thời phát hiện các vấn đề gây tổn thương, xây dựng gia đình, nhà trường, cộng đồng an toàn, lấy trẻ làm trung tâm", ông Vũ Hồng Quân, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới khẳng định.

Nội dung bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bạo lực là một trong hai chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 diễn ra từ ngày15-11-15.12 năm nay. Để thực hiện hiệu quả tháng hành động này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch gồm nhiều hoạt động chính như xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động tại các sở, ngành, địa phương, đơn vị. Tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức đối thoại, tọa đàm, cuộc thi... Tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Huy động các nguồn lực để triển khai tháng hành động, tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bảo đảm 100% số nạn nhân được phát hiện, hỗ trợ... Đây đều là các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ em vẫn bị bạo hành