Trẻ em mắc bệnh dạ dày

06/01/2018 09:06

Hiện nay, bệnh đau dạ dày đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở trẻ em, có trẻ mắc bệnh khi mới vài tuổi.


Mắc bệnh liên quan đến dạ dày từ nhỏ sẽ làm tăng các nguy cơ mắc bệnh ung thư sau này

Bệnh nhân ngày càng trẻ

Hơn 1 năm trước, cháu Nguyễn Ngọc H. (3 tuổi) ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) thường hay đau bụng, đầy hơi, nhiều khi nôn trớ. Kết quả xét nghiệm tại bệnh viện cho thấy cháu H. dương tính với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP- một loại vi khuẩn chủ yếu gây các bệnh liên quan đến dạ dày) và được chỉ định mổ nội soi. Đến lịch hẹn mổ nội soi, cháu H. bị viêm phế quản nên phải tạm hoãn. Một thời gian sau, qua kiểm tra, xét nghiệm, cháu H. âm tính với vi khuẩn HP nên gia đình dừng điều trị. Gần 2 tuần trở lại đây, cháu H. liên tục xuất hiện các cơn đau ở vùng bụng. Nghi ngờ con bị rối loạn tiêu hóa, gia đình đã đưa cháu tới Bệnh viện Nhi Hải Dương khám, kết quả chẩn đoán cháu bị viêm dạ dày.

Cháu Nguyễn Khánh H. ở xã Tiên Động (Tứ Kỳ) hiện đã 10 tuổi nhưng chỉ nặng 23 kg. Từ trước tới nay, cháu thường lười ăn và ăn rất ít. Cha mẹ của H. chỉ nghĩ con biếng ăn nên ngoài việc nhắc nhở con phải ăn uống đầy đủ họ cũng chưa bao giờ đưa con tới bệnh viện kiểm tra. Chỉ đến khi H.  thường xuyên bị đau bụng dữ dội, bố mẹ cháu mới tá hỏa đưa con đến bệnh viện. Họ vô cùng bất ngờ khi biết con mình bị mắc bệnh viêm dạ dày. “Trong gia đình tôi không có ai mắc các bệnh liên quan đến dạ dày. Từ trước tới nay, tôi cũng nghĩ chỉ người lớn mới mắc căn bệnh này nên không nghĩ con mình bị”, anh Nguyễn Đăng Kiên, bố cháu H. cho biết.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Bắc, Phó Trưởng Khoa Tiêu hóa dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi Hải Dương), tình trạng trẻ em mắc các bệnh về dạ dày ngày càng có xu hướng gia tăng. Nếu như một vài năm trước, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 60 trường hợp thì trong năm 2017 con số này tăng lên hơn 330 trường hợp. Theo bác sĩ Bắc, biểu hiện của các bệnh về dạ dày ở trẻ em không rõ ràng như người lớn nên nhiều cha mẹ chủ quan. Nhiều gia đình chỉ nghĩ trẻ biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, đau bụng giun nên không đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám kịp thời, đến khi phát hiện thì bệnh đã nặng, việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Mắc bệnh liên quan đến dạ dày từ nhỏ sẽ làm tăng các nguy cơ mắc bệnh ung thư sau này.

Nguyên nhân do đâu?

Một trong những nguyên nhân chính gây nên các bệnh lý về dạ dày là do vi khuẩn HP. Qua kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi Hải Dương cho thấy khoảng 80-90% số trẻ mắc bệnh dạ dày là do loại vi khuẩn này gây ra. Trong khi đó, vi khuẩn HP lại có nguy cơ lây lan trong môi trường sống, nhất là đối với những trường hợp gia đình trẻ đã từng có người mắc bệnh dạ dày. Người bị bệnh về dạ dày khi sử dụng chung dụng cụ ăn uống hoặc nhai, mớm cho trẻ cũng có thể lây bệnh cho trẻ.

Nguyên nhân khác phải kể đến như thói quen ăn uống thiếu khoa học. Nhiều phụ huynh cho con vừa ăn vừa xem ti vi, nghịch điện thoại, chơi các trò điện tử hoặc để trẻ thoải mái nô nghịch với nhiều loại đồ chơi. Đây chính là những nguy cơ tiềm tàng có thể khiến trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến dạ dày do trẻ không tập trung ăn uống, nhai không kỹ. Nhiều  trẻ 1-2 tuổi chưa biết nói bị cha mẹ bắt ăn quá nhiều khi đã no, thậm chí dẫn đến tình trạng nôn trớ. Dạ dày của trẻ ở độ tuổi này chưa phát triển hoàn thiện như ở người trưởng thành nên lượng thức ăn bị nhồi nhét vào sẽ khiến trẻ khó chịu, dạ dày phải hoạt động ở mức tối đa. Ở độ tuổi đi học, trẻ phải đối mặt với áp lực từ học hành, thi cử, áp lực từ sự kỳ vọng thái quá của bố mẹ, dẫn đến bị stress. Khi bị căng thẳng, thần kinh bị kích thích và lượng axit dịch vị được sản sinh nhiều hơn bình thường. Tình trạng này kéo dài sẽ làm niêm mạc dạ dày bị phá hủy, dần dần hình thành các ổ viêm loét khiến trẻ bị đau dạ dày.

Để điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày, Bệnh viện Nhi Hải Dương đã tiến hành mổ nội soi cho nhiều trường hợp. Các y, bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo cần loại bỏ những yếu tố gây bệnh như áp lực, căng thẳng, ép trẻ ăn uống. Phải cho trẻ ăn uống khoa học, ăn chín, uống sôi, ăn nhiều rau xanh, đủ chất dinh dưỡng, không ăn quá no, không ăn vào lúc quá khuya. Nên sử dụng dụng cụ chứa thức ăn riêng biệt, không nên nhai, mớm thức ăn cho trẻ. Hạn chế cho trẻ xem ti vi hoặc chơi nghịch điện thoại trong bữa ăn. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động, tập thể dục để tăng cường sức đề kháng của cơ thể, đồng thời trở thành người bạn thường xuyên trò chuyện hỏi han, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của con để giúp trẻ giải tỏa những áp lực, căng thẳng từ học hành, thi cử. Khi trẻ có các dấu hiệu về tiêu hóa như đau bụng, chán ăn, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón… cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.

       HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ em mắc bệnh dạ dày