Thời gian qua, nhiều gia đình phải nhờ tới truyền thông, mạng xã hội để đăng thông tin tìm con… bỏ nhà đi.
Cha mẹ cần thực sự là một người bạn tâm giao của con cái để ngăn chặn những suy nghĩ, lối sống lệch lạc từ nhỏ
Thiếu quan tâm
Ngày 20.8 vừa qua, 2 em Đ.H.H. (sinh năm 2010) và và Đ.G.H (sinh năm 2008) ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) đã bỏ nhà đi sau khi để lại một bức thư cho gia đình. Cả hai đang là học sinh Trường THCS Văn Tố, có mối quan hệ họ hàng. Điều đáng nói là 2 em này đều ngoan, không chơi điện tử. Trong bức thư để lại cho người thân của em Đ.H.H có đoạn: “Con rất thương ông bà nhưng mà con đã chán phải học bài và những việc con không thích…”. Cả hai đã được gia đình tìm thấy khi đang làm việc cho một quán ăn tại thị trấn Tứ Kỳ sau đó 2 ngày.
Trước đó, trung tuần tháng 6, cháu L.T.D. (sinh năm 2009) ở xã Hiệp Cát (Nam Sách) cũng bỏ nhà đi sau khi để lại một lá thư cho ông bà, bố mẹ. Nhờ sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng mạng, cháu bé đã được tìm thấy tại huyện Văn Lâm (Hưng Yên)…
Thời gian qua, có nhiều trẻ trong tỉnh bỏ nhà đi. Từ các vụ việc cho thấy nguyên nhân cốt lõi dẫn tới việc trẻ bỏ nhà đi là do cha mẹ chưa dành thời gian quan tâm thoả đáng tới con mình. Anh Đ.V.L. (bố em Đ.H.H) thừa nhận: “Cả hai vợ chồng tôi cùng làm công nhân, gần như hôm nào cũng đi từ sáng sớm cho tới khuya muộn mới về. Thế nên chẳng có mấy thời gian quan tâm, hỏi han con nên mới có chuyện cháu chán nản bỏ nhà đi”.
Cuộc sống bộn bề lo toan khiến nhiều cha mẹ có rất ít thời gian bên con. Nhiều phụ huynh quan niệm cứ làm ra tiền, mua sắm cho con đầy đủ những thứ cần thiết là ổn. Họ đi sớm, về muộn, để con ở một mình, tự chăm sóc bản thân, số khác thì sống với ông bà. Có không ít trường hợp bố mẹ đi xuất khẩu lao động, làm ăn xa quê phải gửi gắm con ở nhà cho người thân. Trẻ thiếu thốn sự chăm sóc, yêu thương của bố mẹ lâu ngày tích tụ dẫn đến u uất, suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là trầm cảm…
Có những trẻ bỏ nhà đi do chịu áp lực từ chính cha mẹ. Nhiều người đặt thành tích học tập của con lên trên tất cả nên khi con không đạt được thì quay ra trách mắng, chì chiết, ép con học triền miên và buộc hạn chế tham gia các hoạt động bên ngoài. Không hiếm cha mẹ khi phát hiện con có những hành động, lời lẽ chưa chuẩn mực thì ngay lập tức chửi bới, đánh đập. Có nhiều trẻ vì được nuông chiều từ bé nên khi không được cha mẹ đáp ứng một nguyện vọng nào đó thì sinh ra hờn dỗi và bỏ nhà đi. Một số em có hoàn cảnh éo le, cha mẹ ly hôn hoặc thường xuyên bị người thân bạo hành… Tất cả những nguyên nhân này đều liên quan đến gia đình, khiến trẻ bị tổn thương dưới nhiều góc độ và việc lựa chọn bỏ nhà đi, thậm chí là tự tử như một biện pháp để giải thoát.
Trẻ bỏ nhà đi không chỉ khiến gia đình hoang mang, lo lắng mà còn khiến các em đối diện với nhiều nguy hiểm. Còn nhỏ, cả kiến thức, ý thức xã hội đều thiếu hụt nên trẻ bỏ nhà đi rất dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội nếu như có người khác lôi kéo, bị xâm hại tình dục. Bỏ nhà đi trong tâm trạng uất ức, bực bội dễ khiến trẻ hình thành nên tính cách của một người cục cằn, thô lỗ…
“Hãy cho trẻ một ngôi nhà hạnh phúc”
Theo thạc sĩ Vũ Thị Thu Trang, giảng viên môn tâm lý học đại cương Trường Đại học Hải Dương, để trẻ phải bỏ nhà đi với bất kỳ nguyên nhân nào thì lỗi đó vẫn thuộc về sự thiếu quan tâm sâu sát của cha mẹ. “Theo tôi, mỗi bậc cha mẹ cần coi con trẻ như một người bạn thân thiết đặc biệt. Hãy dành thời gian hơn để nói chuyện, chia sẻ với con về những điều mà cuộc sống đặt ra, khuyến khích con được nói ra những suy nghĩ trong lòng. Hãy cho trẻ một ngôi nhà hạnh phúc thực sự, có đầy ắp tình cảm của cha mẹ, người thân, chứ chỉ chu cấp đầy đủ vật chất thôi thì chưa đủ. Trẻ cần cảm nhận được sự yêu thương của người thân để sau này có thể trở thành những người biết thương yêu”, cô Trang nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cha mẹ mắng chửi, bạo hành khi phát hiện con làm chuyện không tốt là một sai lầm lớn. Thay vào đó, hãy ngồi lại hỏi han, phân tích cho con hiểu được đúng sai, rút ra bài học gì sau những sai lầm đó. Trong chuyện học hành, cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào con cái để rồi gây ra áp lực cho trẻ nhỏ. Nếu có điều kiện, cha mẹ hãy cho con được tham gia vào nhiều hoạt động xã hội để làm giàu kiến thức, kỹ năng ứng xử. Thường xuyên cho trẻ đọc sách, xem những chương trình giáo dục kỹ năng sống trên truyền hình để hình thành trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng trong mỗi đứa trẻ…
Cha mẹ khi thấy con chưa ngoan, chưa tiến bộ thì cũng cần hạn chế những câu nói dễ gây tổn thương đến trẻ và không nên so sánh con mình với con nhà khác.
TIẾN MẠNH