Không còn e ngại và sợ mang tiếng thất nghiệp, nhiều người Mỹ thích thú khoe lên mạng xã hội chuyện bỏ việc, thậm chí rủ người khác nghỉ cùng.
Gabby Ianniello ở New York đang làm podcast kêu gọi mọi người từ bỏ lối sống "9 to 5" (làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều)
Tiffany Knighten, 28 tuổi, buồn bã khi phát hiện lương hàng năm của một đồng nghiệp cao hơn cô 10.000 USD, dù cùng khối lượng công việc. Cô quyết định nộp đơn xin nghỉ và đăng một video chia sẻ về chuyện rời công ty.
"Sức khoẻ tinh thần của tôi dần được cải thiện", Tiffany nói. Suốt video, cô nàng đội chiếc mũi ghi dòng chữ "I hate it here", ám chỉ chuyện chán ghét công ty cũ.
Tiffany không phải là trường hợp cá biệt. Cảm giác chán ghét công việc đang âm thầm diễn ra trong giới nhân viên văn phòng tại Mỹ. Thay vì ngại ngùng, giấu giếm, họ sẵn sàng nghỉ việc và thông báo điều này lên mạng xã hội như một "chiến tích".
Tỷ lệ người lao động bỏ việc tại Mỹ đang ở ngưỡng cao, với 3% vào mùa thu năm nay, và có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng này trên các nền tảng mạng xã hội với hashtag #quitmyjob (bỏ việc) xuất hiện công khai. Người dùng bày tỏ sự hạnh phúc khi thoát khỏi những giờ làm việc căng thẳng và khoe ảnh chụp màn hình đoạn tin nhắn "không cần công việc này" với sếp. Bên cạnh đó, một số video có nội dung tư vấn hoặc hỗ trợ tinh thần cho những người đang cân nhắc nghỉ việc.
Từ khi nghỉ việc, Tiffany cùng những người bạn thoải mái tham gia vào các bữa tiệc. "Mọi người đều tự hào vì đã rời bỏ môi trường không đem lại lợi ích cho bản thân", cô nói về quyết định nghỉ việc để mở công ty truyền thông riêng.
Còn với Giovanna Gonzalez, 32 tuổi, người đã rời bỏ vai trò quản lý đầu tư tại Phoenix, hồi tháng 6 năm ngoái từng do dự khi công khai chuyện nghỉ việc vì sợ đồng nghiệp cũ đánh giá. Nhưng vì muốn truyền động lực cho người khác sự tự tin để "rời khỏi vùng an toàn" Giovanna bắt đầu làm clip chia sẻ. "Tôi không khoe khoang, tôi muốn các bạn biến điều không thể thành có thể", cô nói.
Không chỉ nhân viên, các giám đốc điều hành cũng tham gia vào xu hướng này. Jack Dorsey, người đứng đầu nền tảng Twitter cũng tuyên bố sẽ từ chức, kèm theo hình ảnh gửi mail xin thôi việc.
Thời gian trước, công khai chuyện nghỉ việc lên mạng xã hội được coi là không khôn ngoan. Thậm chí chê bai công ty cũ là điều cấm kị, dễ khiến các nhà tuyển dụng sau có cái nhìn thiếu thiện cảm với ứng viên.
Nhưng sau hơn một năm đại dịch, một bộ phận nhân viên sẵn sàng bỏ các tiêu chuẩn cũ và nói lên quan điểm cá nhân. Thậm chí, lợi thế đang nghiêng về những lao động đã mạnh dạn nghỉ việc. Khi mức cung-cầu của thị trường lao động đang có lợi cho họ và nhà tuyển dụng ngày càng ít lựa chọn hơn.
Đáng chú ý, tỉ lệ các bài đăng tuyển dụng trên website ZipRecruiter yêu cầu "không cần kinh nghiệm" tăng lên 22,9% trong năm nay, so với 12,8% năm ngoái. Tỷ lệ yêu cầu có bằng cử nhân giảm từ 11,4% xuống 8,3%. Tại một số vùng của Mỹ như Nebraska, có 69.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng, trong khi số người thất nghiệp chỉ là 19.300.
"Trong 25 năm qua, đây lần đầu tiên nhiều đơn vị khát người đến mức tuyển cả nhân viên không phù hợp với tiêu chuẩn", Tom Gimbel, người đứng đầu công ty chuyên về nhân sự LaSalle Network, nói.
Những người điều hành công ty cũng dần thông cảm cho nhân viên khi xin nghỉ, dù trước đó hành động này được coi là sự phản bội.
"Họ dần hiểu rằng những nhân viên đang lo lắng. Không ít các đơn vị đưa ra chế độ cho nhân viên nghỉ phép một năm, nghĩa là người bỏ việc có thể quay lại bất cứ lúc nào cùng các quyền lợi giữ nguyên", Anthony Klotz, nhà tâm lý học tại Đại học Texas A&M, nói. Nhưng không ít người vẫn dứt áo ra đi.
Còn với Gabby Ianniello, 28 tuổi, điều phối viên tiếp thị ở Manhattan, người luôn mệt mỏi khi phải thức dậy lúc 4h45 để kịp giờ đến công sở, vừa ăn trưa vừa xử lý công việc và bật khóc vì những vết phồng rộp do phải đi giày cao gót mỗi sáng... cũng từ chức.
Sau khi nghỉ việc hồi tháng 2 năm nay với khoảng 10.000 USD tiền tiết kiệm. Đến mùa hè, cô chia sẻ những cảm xúc hạnh phúc trên mạng xã hội. Giờ đây, Gabby còn mở thêm một kênh podcast nói về cuộc sống mới cùng lời nhắn "ngay bây giờ, bỏ việc là điều cần thiết".
Tuy nhiên, một số chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cảnh báo xu hướng này chỉ là niềm vui ngắn hạn. Không ít nhà tuyển dụng vẫn đang tìm kiếm ứng viên trên mạng xã hội và xem các bài kể xấu công ty cũ là điều không thể chấp nhận.
Trong khi những người khác nói rằng lực lượng lao động đang giảm khoảng ba triệu người, nhưng đến một thời điểm nhận định, nhu cầu việc làm sẽ cao hơn thực tại.
Theo VNE