Ở nước ta, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) hiện đang ở mức cao, do nhiều nguyên nhân, trong đó có không ít quan điểm sai lầm của cha mẹ.
Không cho con bú sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn thức ăn tự nhiên tốt nhất cho trẻ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ phù hợp, thích hợp với hệ tiêu hóa và hấp thụ của trẻ. Sữa mẹ còn có kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ SDD hoặc thừa cân béo phì, các bệnh mãn tính không lây khi trưởng thành, đặc biệt là bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản.
Ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn
Theo các nhà dinh dưỡng, trẻ ăn dặm khi chưa được 4 tháng sẽ gây nặng nề cho bộ máy tiêu hóa. Vì thức ăn dặm thường khó tiêu nên bé sẽ biếng ăn. Không đủ chất dinh dưỡng, bé sẽ chậm tăng cân và dễ bị SDD. Không có thức ăn nào thích hợp cho bé ở giai đoạn này ngoài sữa mẹ.
Ngược lại, khi trẻ trên 6 tháng tuổi mà chưa được bổ sung thức ăn nào khác ngoài sữa mẹ thì trẻ cũng chậm tăng cân. Sữa mẹ sau 6 tháng không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng lên của trẻ, nên phải cho trẻ ăn thêm thức ăn từ bên ngoài. Ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ cần được ăn thêm từ 1-2 bữa bột trong ngày.
Cho trẻ ăn quá nhiều chất bổ dưỡng
Lượng đạm bé cần mỗi ngày là 4-4,5 gam/kg thể trọng (với trẻ 1 tuổi, mỗi ngày dùng tối đa 20-30 gam thịt), lượng dầu mỡ cũng tương tự như vậy. Lượng bột phải cao gấp 4 lần.
Trong năm đầu, việc nuôi trẻ có một mâu thuẫn: Trẻ cần rất nhiều dinh dưỡng để phát triển trong khi hệ tiêu hóa lại còn rất yếu, nếu nuôi không khéo sẽ gây tiêu chảy, kéo theo SDD, còi xương. Vì vậy, các bà mẹ phải hết sức chú ý vấn đề vệ sinh và đừng vì sốt ruột mà cho trẻ ăn quá bổ dưỡng. Nhiều bà mẹ cho trẻ ăn vài gram thịt/ngày và ngạc nhiên thấy bé ngày càng còi cọc, đó là do khẩu phần quá nhiều đạm, khiến hệ tiêu hóa non nớt phải làm việc mệt mỏi, dễ rối loạn, gây phân sống, tiêu chảy, càng nuôi càng chậm lớn.
Ăn không đủ chất dinh dưỡng
Nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Các em chỉ được ăn đủ về mặt số lượng thức ăn, chứ chưa ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như vi chất khoáng, can-xi... Hơn nữa, ăn uống không đúng cách còn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh béo phì ở trẻ.
Nhỏ không được chăm sóc, lớn lên sẽ “bù”
Thực tế khoa học đã chứng minh, chiều cao, cân nặng và bộ não có “đạt” hay không, phần lớn được quyết định trong 3 năm đầu đời của trẻ thường được gọi là 3 năm “vàng”. Đến năm 3 tuổi não của trẻ đã bằng 85% so với não người trưởng thành. Riêng về chiều cao, lúc bé 2 tuổi, đã đạt được 50% chiều cao lúc trưởng thành. Sau khi sinh 1 năm, trẻ tăng gấp 3 lần trọng lượng lúc mới sinh. Nếu sau 3 năm đầu mà trẻ bị còi hoặc ốm yếu, thì dù chúng ta có nỗ lực đến đâu cũng không thể bù đắp được vì hầu như mọi chuyện đã được “an bài”. Vì vậy, việc hỗ trợ dinh dưỡng ở giai đoạn này đạt kết quả tối ưu so với bất kỳ giai đoạn nào khác trong cuộc đời của trẻ.
Biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng
Phụ nữ khi có thai cần chăm sóc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để đạt mức tối thiểu tăng 10 - 12 cân; khám thai ít nhất 3 lần, vào các thời gian: lần 1 khi phát hiện có thai trong 3 tháng đầu, lần 2 thời gian 3 tháng giữa, lần 3 vào 3 tháng cuối. Tiêm đủ, đúng lịch 2 mũi phòng uốn ván; uống viên sắt a-xít pho-lích hằng ngày. Trẻ em sau sinh cho bú mẹ ngay trong vòng 1 giờ đầu; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi; cho trẻ ăn bổ sung từ tháng thứ 7 và cho ăn đủ 4 nhóm thực phẩm: dầu thực vật hoặc mỡ động vật; chất đạm như trứng, thịt, tôm, cua, cá... bột gạo; rau xanh và các loại trái cây chín. Trẻ từ 6-36 tháng cho uống vi-ta-min A liều cao, năm uống 2 lần và tiêm phòng đầy đủ đúng lịch các vắc xin phòng bệnh, chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho trẻ bệnh. Sử dụng nguồn nước sạch trong ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Định kỳ tẩy giun cho trẻ và thực hiện rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Theo dõi thường xuyên biểu đồ tăng trưởng của trẻ. Bên cạnh việc chăm sóc vấn đề về dinh dưỡng và sức khỏe, cần tạo cho trẻ có tinh thần vui chơi thoải mái, giúp cho trẻ phát triển khỏe mạnh toàn diện.
(Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe)