Tránh chuyển đổi theo phong trào

13/05/2016 14:39

Để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, nhất là chú trọng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nông sản...



Nông dân xã Hùng Sơn (Thanh Miện) chuyển diện tích cấy lúa chân ruộng cao, khó lấy nước sang trồng dưa lê


Chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu, kết hợp phát triển chăn nuôi là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, từng địa phương cần phải có định hướng cụ thể, đúng đắn để có thể phát huy thế mạnh, tiềm năng, tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt, gây lãng phí.

Những năm qua, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hải Dương luôn quan tâm tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mục đích sử dụng đất lúa. Đây là xu thế tất yếu khi biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện và đặc thù riêng lựa chọn hình thức chuyển đổi phù hợp. Ở những khu vực có cốt đất cao, khó lấy nước, có thể thay thế cây lúa bằng những cây chịu hạn tốt như ngô, lạc, đỗ tương... Ngược lại, những nơi cấy lúa kém hiệu quả có thể quy hoạch thành khu chăn nuôi tập trung. Ngay trong chính bộ giống cây trồng, vật nuôi cũng phải có sự chuyển dịch để thích ứng với điều kiện sản xuất mới.

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều huyện có kinh nghiệm trong việc thâm canh, chuyên canh rau màu như Gia Lộc, Kim Thành... mở rộng diện tích trồng, tập trung vào những loại cây có thị trường tiêu thụ thuận lợi là ngô ngọt, dưa hấu, bí xanh... Các khu vực đồng trũng của huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ... được quy hoạch thành trang trại chăn nuôi. Vốn gắn bó với cây lúa lâu đời huyện Thanh Miện cũng đang tích cực xây dựng nhiều mô hình chuyên canh cây ăn quả, rau màu, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Điều này đã tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Đến nay, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp của tỉnh đã đạt hơn 125 triệu đồng/năm, tăng gần 30 triệu đồng/năm so với năm 2010. Đây là dấu hiệu tích cực, khả quan để chúng ta đưa ra những định hướng phát triển lâu dài cho ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi ồ ạt cũng đã gây nên nhiều hậu quả đáng lo ngại. Đã từng có thời vải là cây thoát nghèo, cây làm giàu của nông dân Thanh Hà nên người dân đua nhau chuyển đất cấy lúa thành vườn trồng vải. Nhưng thời gian sau đó, nông dân lại đồng loạt phá bỏ vì cung vượt cầu. Tại các vựa rau màu của tỉnh, cũng đã có thời kỳ bà con ngao ngán vì giá cải bắp, su hào, cà rốt... xuống thấp, phải cắt bỏ cho gia súc ăn. Người chăn nuôi nhiều lần lao đao vì thị trường tiêu thụ bấp bênh. Mặt khác, mức đầu tư cho việc chuyển đổi rất tốn kém, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, nếu không tính toán kỹ lưỡng sẽ gây lãng phí lớn, người dân vẫn phải chịu thua thiệt, không thoát khỏi vòng luẩn quẩn mất mùa, được giá và được mùa, mất giá.

Trong thời gian tới, Hải Dương có kế hoạch chuyển đổi 5.000 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao và quy vùng chăn nuôi tập trung. Đây là giải pháp để tỉnh có thể tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao giá trị sản xuất. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả lâu dài, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, nhất là chú trọng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giúp nông dân tiết kiệm thời gian, công sức. Có như vậy, người dân mới an tâm sản xuất và hạn chế được việc chuyển đổi tự phát.

DŨNG CƯỜNG(Thanh Hà)

(0) Bình luận
Tránh chuyển đổi theo phong trào