Trang trại cầm cự lúc khó khăn

15/10/2011 07:20

Thiếu vốn mở rộng chăn nuôi, giá thức ăn tăng, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp... khiến các trang trại chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.



Hiện nay, hầu hết các trang trại đều thu hẹp quy mô sản xuất do thiếu vốn. Trong ảnh: Kiểm tra trứng trước khi
đưa vào lò ấp ở trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Duy Huy (xã Nam Hồng, huyện Nam Sách)


Theo Cục Thống kê, hiện toàn tỉnh còn gần 300 trang trại theo tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong đó chủ yếu là trang trại chăn nuôi tổng hợp, trang trại thủy sản... Bên cạnh được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành thì kinh tế trang trại hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) có 2 trang trại. Trang trại nuôi gà rộng 4.000m2, vốn đầu tư xây dựng 15 tỷ đồng; trang trại nuôi lợn rộng 1.000 m2, vốn đầu tư 2 tỷ đồng. Ông Sơn cho biết, thời gian trước, chỉ có 1 trang trại lợn thì việc làm ăn của ông rất thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao vì vốn đầu tư ít, chủ yếu là vốn gia đình tự có. Tuy nhiên, từ khi đầu tư xây dựng thêm trại gà, ông gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Bao nhiêu vốn liếng tích lũy được từ nuôi lợn, ông đã đầu tư vào xây dựng chuồng trại. Tiền mua giống, thức ăn chăn nuôi, ông phải đi vay. Nếu sử dụng hết công suất chuồng, ông phải nhập từ 7,2 - 7,4 tỷ đồng tiền con giống. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên chuồng gà của gia đình ông chưa bao giờ được lấp đầy.  Hiện tại, ông Sơn đang muốn bán trang trại gà để đầu tư mở rộng trang trại nuôi lợn và trả tiền vay ngân hàng. Ông sẽ nâng quy mô đàn lợn lên 600 con nái ngoại, tiền con giống đầu tư khoảng 6 tỷ đồng. Bên cạnh khó khăn về vốn thì giá thức ăn tăng cao trong thời gian qua cũng làm ông ngần ngại. Ông Sơn tính, với số lượng lợn như vậy, mỗi tháng ông cũng chi phí gần 1 tỷ đồng tiền mua thức ăn. Để có số tiền đó, ông lại phải đi vay, trả lãi. Như vậy, lợi nhuận sẽ rất thấp, nếu tính toán không kỹ sẽ dẫn đến thua lỗ.

Ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ), trang trại của gia đình ông Bùi Văn Nhiên  đang hoạt động cầm chừng. Hiện tại, trang trại có 30 con lợn nái, 170 lợn con, lợn choai và 4 mẫu cá, khoảng 800 con gia cầm. Quy mô này chỉ bằng 60% công suất thiết kế trang trại. Với số lượng gia súc, gia cầm như vậy, mỗi tháng ông cũng phải chi phí gần 200 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi, gần chục triệu đồng tiền thuê nhân công lao động. Ông Nhiên cho biết, ngoài khó khăn về vốn để mở rộng thì vấn đề dịch bệnh cũng làm cho ông đắn đo. Trong đợt dịch tai xanh trên đàn lợn năm 2009, gia đình ông thiệt hại tới hơn 300 triệu đồng. Hiện nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến bất thường, chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, nên nếu xảy ra là sẽ thiệt hại nặng cho người chăn nuôi. Thị trường tiêu thụ hiện nay cũng rất bấp bênh, người chăn nuôi khó dự đoán được nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đầu năm đến giờ, giá lợn lên xuống thất thường, lúc cao, lúc thấp làm ông không dám đầu tư lớn.

Khó khăn của 2 trang trại trên đang là khó khăn chung của nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh ta hiện nay. Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: "Mặc dù các trang trại gặp nhiều khó khăn nhưng họ vẫn phải tìm mọi cách để duy trì. Các chủ trang trại đầu tư cả chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, nếu không tiếp tục sản xuất, kinh doanh, nhà xưởng sẽ xuống cấp và phải tiếp tục sản xuất thì mới có thể vay vốn ngân hàng để trả nợ cũ". Qua khảo sát thực tế, việc đầu tư phát triển trang trại hiện nay cần vốn rất lớn. Trước hết là tiền đất, trung bình một sào đất nông nghiệp hiện có giá khoảng 100 triệu đồng. Mỗi trang trại phải rộng khoảng 1 ha trở lên thì mới bảo đảm việc xây dựng chuồng trại, an toàn dịch bệnh. Chi phí cho việc xây dựng chuồng trại, nhân công cũng tăng đáng kể trong thời gian qua. Ngoài ra còn tiền mua con giống, mua thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng, trừ dịch bệnh… cũng mất vài tỷ đồng. Tính ra, để có thể đưa một trang trại đi vào hoạt động, người dân cần từ 5-7 tỷ đồng. Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh liên tục xảy ra, rất nhiều trang trại bị dịch tấn công đến khánh kiệt, khó khôi phục. Thị trường tiêu thụ bấp bênh, người chăn nuôi khó nắm được diễn biến của thị trường để có phương án đầu tư hiệu quả. Thêm vào đó, nguồn vốn cho phát triển trang trại của người dân hầu hết được vay từ ngân hàng, vay ngoài. Thời gian gần đây, do chính sách thắt chặt tín dụng, lãi suất vay cao, thủ tục phức tạp… làm nhiều chủ trang trại nản chí. Để có thể vay từ 2-3 tỷ đồng tại ngân hàng thì người chăn nuôi phải có tài sản thế chấp cao hơn số tiền muốn vay. Trong khi đó, đất làm trang trại chủ yếu là đất thuê 50 năm, không được cấp sổ đỏ, giấy chứng nhận đạt tiêu chí trang trại chỉ là điều kiện đủ chứ không phải là yếu tố quyết định để có thể được vay vốn ngân hàng. Theo Ngân hàng NN-PTNT tỉnh, hiện toàn tỉnh có 114 trang trại vay vốn của hệ thống ngân hàng nông nghiệp với tổng dư nợ hơn 45 tỷ đồng, trong đó có hơn 5 tỷ đồng nợ xấu. Số vốn này quá ít so với nhu cầu thực tế cần vay để phát triển sản xuất, kinh doanh của các chủ trang trại. Nguyên nhân là do các chủ trang trại không chứng minh được tài sản thế chấp, dự án vay vốn không hiệu quả.

Để thúc đẩy kinh tế trang trại nói riêng và ngành chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ta nói chung, tỉnh đã giao cho ngành nông nghiệp xây dựng đề án “Phát triển chăn nuôi thủy sản tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường giai đoạn 2011-2015” với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, sẽ có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi như: hỗ trợ 20% tổng vốn đầu tư cho khu chăn nuôi tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết bị lần đầu với quy mô từ 3 ha/khu trở lên và có từ 1 hộ chăn nuôi trở lên; 25-30% tổng kinh phí xây dựng hạ tầng vùng chăn nuôi thủy sản từ 50 ha trở lên; 100% tiền mua vắc-xin tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu, bò, lợn; dịch tả, đóng dấu lợn… Mục tiêu chủ yếu của đề án là hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu cho người dân sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự nỗ lực duy trì sản xuất của các chủ trang trại, các cấp, các ngành liên quan cần tìm cách giúp các chủ trang trại tháo gỡ khó khăn về vốn, kinh nghiệm sản xuất, thị trường tiêu thụ… góp phần nâng đỡ lĩnh vực kinh tế quan trọng trong nông nghiệp vượt qua khó khăn.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trang trại cầm cự lúc khó khăn