Trắng tóc đường lau ngổn ngang thế sự

06/11/2016 13:56

<br>Từng trải qua thời niên thiếu gian khó tại một làng quê ở huyện Kim Thành, lớn lên đi bộ đội, rồi học Đại học Y, trở thành một bác sĩ ngoại khoa có tiếng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khi về hưu sống tại Hà Nội, ông mới bắt đầu con đường văn chương. Đó là Vũ Oanh, tác giả của 7 tập truyện và thơ. Tác phẩm vừa mới ra mắt bạn đọc có 75 bài thơ được đặt nhan đề là Trắng tóc đường lau. Đọc tên tập thơ, đã thấy rõ tâm trạng của tác giả ngoại 70 tuổi này:<br>

Cuộc đời ơi, vui buồn nhân quả
Con muốn tái hiện về những số phận đau thương


Vâng, "những số phận đau thương" ấy, trước hết là quê hương làng Gạo và gia đình những năm đánh giặc, những tháng ngày gian khó không thể nào quên. Mỗi bài thơ là một tâm trạng, vẽ nên những số phận đau buồn. Tưởng nhớ những người thân đã trải qua cay đắng, ngọt bùi là các bài Bài ca đánh giậm, Tình dế, Chim cun cút... Ông thấy "trái tim mình vỗ lệch không trung" khi đứng trước mộ người thân. Bao năm sống xa quê, khi "Trở lại vườn xưa", ông ngơ ngác:

Bốn mươi năm trở lại vườn xưa
Ngõ trúc còn xanh, cau dừa hết quả
Đâu gốc táo, ổi, xoài
Cầu ao con ốc đá
Dấu chân ông, bà, cha, mẹ sớm trưa?


Đường đã thành "đường lau", người thì đã "trắng tóc", trước biết bao sôi động hằng ngày. Nhưng, những cái gì đã qua thì còn đọng lại. Chiến tranh là đề tài muôn thuở, song Vũ Oanh vẫn tìm được cách thể hiện riêng. Đó là khi đứng trước tượng đài tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tháng 12-1972 tại phố Khâm Thiên (Hà Nội):

Mẹ ôm chặt con rỏ máu
Khối hình nhức nhối không gian


Cuộc sống vẫn đang chuyển động. Một gia đình nông dân nghèo tất bật trong "Nửa đêm về sáng". Một cháu bé gái mất cái răng cửa, cả ngày đi bán bánh mì kiếm sống nhưng cứ khắc khoải: "Bao giờ trồng được cái răng cửa". Còn đây là cuộc sống của gia đình "Người bán sách cũ":

Vợ già quanh bếp nhỏ
Trai lớn chạy chợ xa
Cháu đích tôn bụi phố
Sách ngàn pho có thừa


Trong những năm cầm dao mổ ở bệnh viện, ông hiểu thấu sự đời qua những người bệnh, qua các chuyện xảy ra với một xã hội thu nhỏ. Trong bài "Cuộc mổ" ông viết "Trắng những miếng gạc mềm thấm đỏ/Ta cắt bỏ đi nguồn cội những ngày đau". Nhưng rồi lại dằn vặt:

Gieo một nỗi đau
Cắt đi nhiều nỗi đau đằng đẵng
Giữ lại con người cùng những vật lộn ngày mai...


Có nghĩa là còn những "vật lộn", còn những u cục mới có thể phải tìm đến thầy thuốc. Biết bao dằn vặt hằn lên trong các bài Gây mê, Người giữ chốn tận cùng cuộc sống (nhà xác bệnh viện)... Và trong sự mường tượng của tác giả, khi người bệnh không thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần, trở về với tro bụi thì đấy là "Hạnh phúc".

Nhưng, không khí bao trùm Trắng tóc đường lau vẫn là một cái nhìn về phía trước, như bông hoa tầm xuân trước cửa:

Bão giông, giặc giã, cơn nắng lửa...
Hoa vẫn vì ta nở đúng mùa


Và nhà thơ vẫn giữ nguyên "Lời hứa chiều", với một niềm tin yêu:

Bom đạn kẻ thù găm thân thể anh hiểm độc
Đớn đau, máu chảy... đã đi qua
Anh bẻ gãy lưỡi hái tử thần bằng thân thể mình yếu mỏi
Nhờ tấm lòng em và khát khao trở lại quê nhà


Trắng tóc đường lau được diễn đạt bằng nhiều thể thơ, có nhiều cách tân. Nhưng đọng lại là thế sự. Thế sự ngổn ngang nhưng luôn hướng ta đi tới.

VƯƠNG BẠCH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trắng tóc đường lau ngổn ngang thế sự