Trên đỉnh đồi nơi tòa thị chính điêu tàn đã được biến thành trại tị nạn, Mae Lyka Guardino mải ngắm bầu trời trong veo...
Đây từng là thành phố phồn thịnh, khắp nơi treo khẩu hiệu: “Tôi yêu Tacloban”
Hôm ấy là ngày thứ sáu sau khi siêu bão Haiyan quét qua Tacloban và cả dải miền trung Philippines. Tôi trở lại thành phố, vẫn thấy Mae đứng trên thềm tòa thị chính, nơi cô đã tị nạn từ mấy ngày nay. Mae 19 tuổi, là sinh viên Đại học công Leyte. Lần đầu tôi tới nơi này, ngày thứ ba sau bão, đã thấy Mae ở đấy.
“Cả gia đình em chịu cảnh màn trời chiếu đất một đêm. Sau đó thì tình hình phức tạp quá, trộm cướp, đói rét không chịu được nên kéo lên đây”, Mae kể. “Gia đình em may mắn sống sót. Nhưng cả gia đình bà dì ruột thì không biết giờ ở phương nào”.
Sau cuộc gặp gỡ tình cờ lần đầu tiên, tôi rời Tacloban để chạy theo đoàn người di tản lên Cebu. Hai hôm sau, tôi trở lại, vẫn thấy Mae đứng đó. “Em không di tản à?”, “Không anh ạ. Biết đi đâu bây giờ”.
Đêm ấy, chúng tôi ngồi trên đỉnh đồi ngắm trăng. Trăng sáng vằng vặc. Ở đây thật thanh bình. Và nếu như chốc chốc Mae không phải rùng mình vì mùi tử thi quyện trong gió, hay bất chợt nhìn xuống, nhìn quanh bắt gặp cảnh hoang tàn đổ nát, thì tôi đã ngỡ mình đang trong một cuộc thưởng trăng êm đềm. “Trăng đẹp quá anh à... nhưng càng đẹp thì càng buồn”.
“Mae à, đêm nay em ngủ đâu?”, tôi hỏi. Trăng đẹp thật, nhưng lúc ấy Mae đang tị nạn, chứ không phải đến đây để ngắm trăng đẹp. “Vẫn trên nền nhà ngoài hiên tòa thị chính anh ạ. Cả tuần nay em ngủ ở đó. Quen rồi”, Mae cười buồn. “Thế tắm rửa thì sao? Đi vệ sinh? Giặt giũ?”, tôi vẫn chưa dứt những thắc mắc. “Hằng ngày, tụi em đi xuống phố, chạy giữa những đống hoang tàn để tìm giếng khoan. Bọn em tắm ở đấy. Mỗi ngày em đều phải đi tìm nước sạch”.
Xác chết nằm ngổn ngang, nhiều ngày rồi không có ai nhận. Có thể lắm chứ, những thi thể đó là bạn bè, là người bà con của em”, Mae kể mỗi lần xuống phố tìm nước sạch, cô và người anh trai phải chạy thật nhanh qua những khu phố nặng mùi.
Ở nơi này, tầm 5 giờ chiều là trời bắt đầu tối nhanh. Trăng treo trên đỉnh núi thấp. Lũ trẻ con chạy tung tăng, đùa nghịch quanh nghĩa trang công cộng nằm kề bên ngôi làng Basper nhỏ bé. Chúng leo lên bờ rào, ghé mắt nhìn bãi xác người mà những chiếc xe chuyên dụng vừa bỏ lại bên hố chôn tập thể mới đào. Mùi tử thi phân hủy, dù đã được xử lý hóa chất, quánh đặc không gian. Dù thế, bọn trẻ vẫn không hề kiềm được cơn tò mò.
Nơi nghĩa trang Basper, khoảng 300 thi thể vô thừa nhận sắp được chôn chung trong một cái hố sâu và dài. Đấy là những con người xấu số đã chết đâu đó quanh Tacloban, được các đội quy tập gom lại, bỏ vào các bao màu đen và đưa đến đây. Cảnh tượng nơi này làm tôi nhớ tới Daniel Peruta, một người đàn ông ngoài 40 tuổi tôi đã gặp ban sáng dưới phố Calanipawan, cách không xa Trung tâm hội nghị Tacloban.
“Tôi đang tìm em trai. Lúc bão vô, nó chạy qua nhà hàng xóm. Rồi những cơn sóng biển dồn dập quật vào. Đến bây giờ tôi vẫn chưa gặp lại nó”, Peruta nói và nhìn tôi bằng đôi mắt khô cạn, vô hồn.
|
Sau vài đợt gió đầu tiên của bão Haiyan, Peruta chạy lên núi. Còn người em đã chạy sang nhà hàng xóm trước đó. Lúc anh trở về sau bão, khu phố đã bị san bằng, bởi gió và sóng. Khi không thể tìm được người em trai còn sống, trong vô vọng, anh bới các đống đổ nát nặng mùi tử thi. Hy vọng có thể tìm được thi thể em và tự mình chôn cất em. Nhưng lúc Peruta gặp tôi, đã là ngày thứ sáu sau bão, anh vẫn chưa tìm thấy người em 35 tuổi của mình, dù còn sống nguyên vẹn hay chỉ là một thi thể bất động.
Không có khái niệm “may mắn” trong đau thương. Nhưng giữa Tacloban điêu tàn, việc có thể tự tay mình chôn cất người thân đã chết là ước nguyện cuối cùng, là niềm an ủi mà không nhiều người có được. Như giữa nghĩa trang Basper lạnh vắng, khoảng 300 thi thể đang nằm đây, vô thừa nhận. Trong số họ, có nhiều người là thành viên của cùng một gia đình. Họ đã cùng sống, rồi trong một cơn giận dữ của đất trời, cùng nhau họ bay về miền vô định.
Tôi chia tay Tacloban vào sáng thứ bảy, hơn một tuần sau khi cơn cuồng phong quét qua. Thành phố vẫn đổ nát, mùi tử thi vẫn quánh đặc. Tôi bắt tay Mae Lyka và các thành viên trong gia đình cô, vẫn bên thềm tòa thị chính đổ nát. “Em vẫn ở lại đây à?”. “Em không biết đi đâu cả. Nhưng em cũng muốn ở lại đây và trở thành một phần trong sự hồi sinh của Tacloban”, Mae nói, giọng rất buồn. “Một hai năm sau nếu anh trở lại, sẽ thấy Tacloban vươn lên mạnh mẽ như thế nào”.
Tôi đã nghe rất nhiều nạn nhân bão Haiyan kể về quá khứ phồn thịnh của Tacloban, thành phố lớn nhất đảo Leyte. Khắp thành phố, khẩu hiệu “Tôi yêu Tacloban” vẫn hiện diện bên cạnh đống đổ nát, như dấu tích của một quá khứ kiêu hùng, và như quyết tâm đứng lên của những con người nơi đây. “Điêu tàn, sụp đổ, nhưng chúng tôi sẽ vượt qua”, nữ bác sĩ Merin Obgyn ở Bệnh viện tư Divine Word đã nói với tôi như thế, trong ngày đầu tôi đến đây.
Buổi tối cùng ngày, chàng xe ôm Daniel Montealto chở tôi chạy dọc bờ biển miền tây đảo Leyte, từ Ormoc xuống Hilongos để đón phà qua Cebu. Ở đây cũng điêu tàn, xơ xác, dù đỡ hơn miệt Tacloban. “Trăng đẹp quá”, tôi lại buột miệng, dưới vầng trăng cận rằm treo trên đỉnh núi. “Anh hãy nhìn lên cao, sẽ thấy rất đẹp, dù xung quanh đây vẫn còn hoang tàn”, Montealto nói. Anh chàng mới 28 tuổi, đã tốt nghiệp cao đẳng, chạy xe ôm trong khi chờ công việc mới.
Nhìn lên cao và nhìn ra phía trước, đó là cách mà Mae Lyka, nữ bác sĩ Merin Obgyn và anh chàng Daniel Motealto đối diện với bi kịch khủng khiếp này.
Gần nửa đêm, chiếc phà Wonderful Stars của hãng Roble cất hồi còi tạm biệt cảng Hilongos, rời xa hòn đảo Leyte đầy thương tích. Tôi ngồi trên mạn phà, ngắm nhìn ánh trăng thanh bình chiếu trên mặt biển lung linh. Chỉ mong ánh trăng kia sẽ làm dịu bớt đau thương, mất mát của nơi chốn này.
ĐỖ HÙNG (Thanh niên)