Tráng Liệt cũng là Kẻ Sặt

30/01/2017 06:00

Huyện Bình Giang có 8 làng nghề thì 7 làng nghề thủ công truyền thống lâu đời. Duy có Tráng Liệt là làng nghề cơ khí hiện đại, mới hình thành sau năm 1975.



Làng nghề cơ khí Tráng Liệt (Bình Giang) chế tạo, lắp ráp máy nông nghiệp cung cấp
cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia... Ảnh: Nhân Chính



Nhờ sự “bạo phổi” mà những người nông dân nơi đây đã trở thành những người thợ cơ khí lành nghề, đem lại sự thịnh vượng cho cả khu vực.


Sông Lực Điền chi lưu của sông Hồng chảy về đến đầu huyện Bình Giang thì chia nước với sông Cửu An, tạo ra hai nhánh sông như hai cánh tay hiền hòa choàng qua vai thị trấn Kẻ Sặt. Theo một nhà nghiên cứu lịch sử, Sặt là tên nôm của làng Tráng Liệt, một làng cổ, ít nhất có tên từ thời Tiền Lê. Trên bến dưới thuyền, đầu mối của nhiều tuyến đường bộ, chợ to đông người tụ cư buôn bán, tức là dân Kẻ Chợ. Người ta quen gọi nôm na làng Kẻ Sặt hơn là tên chữ Tráng Liệt. Tháng 7 - 1958, Ủy ban Hành chính khu Tả Ngạn ra quyết định tách khu vực buôn bán, làm nghề thủ công (phi công nghiệp) thuộc diện ăn đong gạo sổ thành lập thị trấn Kẻ Sặt. Người ta nói vui: Thiên hạ thì nhất xã tam tứ thôn, duy chỉ có Tráng Liệt một làng... nhị xã! Trên thực tế, không kể khu vực cơ quan huyện Bình Giang nằm ở phía đông thị trấn, từ xưa đến nay, không gian hoạt động thương mại kinh tế, cộng đồng dân cư hai đơn vị hành chính vẫn đan xen gắn kết hòa đồng như một thực thể tự nhiên. Nhà thờ lớn Kẻ Sặt tọa lạc giữa xã Tráng Liệt. Tráng Liệt thì cũng là Kẻ Sặt. Mới đây, theo chủ trương nâng cấp, mở rộng thị trấn Kẻ Sặt thì thị trấn Kẻ Sặt mới không chỉ bao gồm xã Tráng Liệt mà còn gộp một phần diện tích và dân cư của 3 xã xung quanh là Thúc Kháng, Vĩnh Hồng và Vĩnh Tuy; kéo theo huyện Bình Giang chuyển thành thị xã, trở thành đô thị thương mại - dịch vụ - công nghiệp có vai trò là động lực phát triển khu vực phía tây của tỉnh.


Từ đại học... bôn ba


Đi dọc tuyến phố chính từ đầu thị trấn đến khu Hạ xã Tráng Liệt, tôi không khỏi thấy ngợp trước những cửa hàng bày bán la liệt các loại máy nông nghiệp, công cụ cải tiến, phụ tùng cơ khí, hàng điện tử dân dụng. Màu đỏ tươi là máy Trung Quốc, máy Nhật, dịu hơn là máy Đài Loan, Hàn Quốc rồi công cụ cơ khí động lực của Hà Nội, Sài Gòn. Tôi lấy làm lạ không thấy có mấy sản phẩm mang nhãn hiệu sản xuất tại Kẻ Sặt? Bởi từ lâu dư luận vẫn coi Sặt là trung tâm, là địa chỉ tin cậy về máy móc nông nghiệp và phụ tùng để sửa chữa, thay thế. Khi làm việc với cán bộ địa phương tôi mới vỡ lẽ sản phẩm ra lò tại đây có ba dạng chính. Các cỗ máy hoàn chỉnh như máy xay xát gạo, máy bơm, máy nghiền, động cơ điện thì gắn nhãn hiệu chính danh nhà sản xuất, được đăng ký thương hiệu bảo vệ sở hữu công nghiệp. Những sản phẩm tương tự như vậy nhưng làm theo đơn đặt hàng của một số cơ sở trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài (như máy kéo Đông Phương, động cơ điện của cơ khí Biên Hòa...), thì “chẳng quan trọng gì tiếng tăm với danh hiệu. Cứ có việc, có tiền là ...ô kê thôi!”, một ông chủ doanh nghiệp cười xòa rồi nói với tôi như vậy. Còn các loại phụ tùng để sửa chữa thay thế, bất kể là máy của Tây hay Tàu, ổ trục ô tô, hay máy chuyên dụng ngành may... thì khách hàng xa gần đã biết tiếng quen mặt thợ cơ khí Kẻ Sặt. Cứ đem mẫu đến, thỏa thuận giá cả, đúng ngày hẹn đến nhận là có phụ tùng đồng bộ mang về...

Huyện Bình Giang có 8 làng nghề thì 7 làng nghề thủ công truyền thống lâu đời. Duy có Tráng Liệt là làng nghề cơ khí hiện đại, mới hình thành sau năm 1975. Từ bến Sặt xe khách chạy suốt vào Nam, đưa bà con vào xứ đạo Hố Nai (Biên Hòa) thăm họ hàng đồng hương di cư vào Nam năm 1954, rồi qua Sài Gòn. Họ không khỏi ngỡ ngàng vì lần đầu tiên tiếp cận với hàng hoá dồi dào và cung cách làm ăn của kinh tế thị trường. Chẳng bao lâu trên các đường phố Sặt người ta thấy xuất hiện các biển hiệu “Bán máy nông - ngư - cơ” (nông nghiệp, ngư nghiệp, cơ khí theo cách gọi ở phía Nam). Rồi mỗi ngày một tăng số hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh máy nông nghiệp, các sản phẩm cơ khí, thị trường tiêu thụ ở các HTX, nông dân Bình Giang và các huyện xung quanh. Chủ doanh nghiệp tư nhân Thuận Lợi - ông Phạm Quang Thời là bộ đội, sau giải phóng có 2 năm đóng quân ở Sài Gòn. Khi xuất ngũ, ông mua một chiếc máy xay xát cũ lên tàu Thống Nhất đưa về Tráng Liệt cùng vợ mở cơ sở xát gạo thuê ở phố cạnh nhà thờ. Dân Tráng Liệt chủ yếu làm ruộng, hồ hởi vì được ăn gạo xát máy trắng như bông, không phải thì thụp xay giã. Nhưng chỉ ba tháng sau thì cán bộ quản lý thị trường đến tịch thu máy đưa về trụ sở ủy ban. Vì như thế là vi phạm chính sách(!). Không chịu bó tay, ông kết hợp với bè bạn ở các làng xã bên đặt máy làm “chui”. Máy cũ hỏng luôn, ông bổ máy hì hục nghiên cứu tự sửa chữa. Thiếu phụ tùng thì liên hệ mua từ Sài Gòn gửi ra. Có đầu óc sáng tạo, từ gian khổ vượt khó mưu sinh, trở nên thạo nghề, say nghề rồi thành nghiệp. Đến năm 1993 đăng ký thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thuận Lợi thì cơ ngơi của ông đã có xưởng cơ khí và xưởng đúc với vài chục thợ, đã sản xuất, lắp ráp hoàn chỉnh những cỗ máy xay xát, máy bơm nước, máy nghiền thức ăn gia súc đủ tiêu chuẩn đăng ký sở hữu sản phẩm công nghiệp. Phân xưởng đúc rộng gần 2.000m2 với lò nấu điện, công suất 4 tấn gang một ngày. Phân xưởng cơ khí cũng có mặt bằng tương tự ở mặt phố đối diện, đủ một dàn máy công cụ mài, dập, phay, tiện... đủ năng lực chế tạo, gia công các chủng loại phụ tùng cơ khí đòi hỏi độ chính xác và tiêu chuẩn chất lượng cao. Ông Thời đưa tôi qua thăm thì gặp anh Thế, con trai ông cùng cán bộ kỹ thuật đang chăm chú hiệu chỉnh trên màn hình một cỗ máy tiện tự động nhãn hiệu Nhật Bản. Bố mẹ đang từng bước chuyển giao cho con trai (có bằng đại học) và con dâu điều hành sản xuất, giao dịch kinh doanh. Ông Thời tiết lộ doanh nghiệp Thuận Lợi giờ đây đã ký hợp đồng sản xuất gia công phụ tùng cơ khí cho cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Mới đây, người của nhà máy cơ khí động lực ở Biên Hòa ra thăm cơ sở Thuận Lợi đặt vấn đề hợp đồng chế tạo sản phẩm phụ trợ để làm máy xuất khẩu...

Làng nghề cơ khí Kẻ Sặt có gần hai trăm hộ tư nhân và doanh nghiệp. Giới thiệu về họ, tôi thấy từ cán bộ huyện đến cán bộ xã, thị trấn, cả vị linh mục nhà thờ Kẻ Sặt đều tỏ ra thán phục khen “họ giỏi lắm!”. Điều thú vị là ở đây khi kể về những đơn vị làm ăn thành đạt người ta quen gọi cả tên vợ chồng thay vì gọi tên doanh nghiệp. Như nhà Thuận - Thời (Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thời), nhà Nhân - Nga (Công ty TNHH Quốc tế Việt Trung), nhà Soái - Bạch (Doanh nghiệp tư nhân Đồng Tiến)... Chỉ là thói quen dân dã nhưng cũng hàm ý ghi nhận vai trò của cả vợ, cả chồng trong sản xuất, kinh doanh. Quá trình lập nghiệp và phát triển của họ cũng tương tự doanh nghiệp Thuận Lợi. Giới chủ và thợ cơ khí ở Tráng Liệt hầu như không có ai được đào tạo qua trường lớp, có bằng cấp đại học hay cao đẳng nghề. Nhưng nhờ sự nỗ lực tự học hỏi, say mê cải tiến đến độ năng lực họ thăng hoa như năng khiếu bẩm sinh của những nhà sáng chế, tạo ra những sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh và chuẩn xác không thua kém những sản phẩm được làm từ những dây chuyền máy móc có thiết bị đồng bộ.

Công xưởng của tỉnh

Năng lực sản xuất gắn liền với khả năng kinh doanh nhạy bén trên thương trường. Công ty TNHH Quốc tế Việt Trung mỗi năm xuất khẩu máy kéo, ô tô tải các loại trị giá hàng trăm triệu đô la. Song

Một làng nghề với những doanh nhân giỏi, có khát vọng làm giàu rồi họ sẽ liên kết, hợp lực thành những tổng công ty, hay tập đoàn sản xuất đa ngành, kinh doanh nhiều lĩnh vực sau này...

chỉ nhập về những chi tiết, thiết bị mà công ty và bạn nghề ở Kẻ Sặt chưa sản xuất được. Đem về gia công, lắp ráp, sơn mạ hoàn chỉnh, gắn mác thương hiệu của đơn vị đặt hàng. Tỷ lệ nội địa hóa có sản phẩm tới 60-70%. Anh Quách Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt cho tôi biết vậy và kể thêm, anh vừa đưa người của một doanh nghiệp Trung Quốc đến Công ty TNHH Quốc tế Việt Trung khảo sát với ý định sẽ cung cấp bán thành phẩm phụ tùng một loại máy của Nhật, hợp đồng Công ty Việt Trung gia công lắp ráp hoàn chỉnh. Họ bao tiêu xuất khẩu trở lại thị trường Nhật và Trung Quốc.

Cũng như Công ty Việt Trung, Công ty TNHH Toàn Phát đã vượt ra ngoài không gian của Kẻ Sặt. Thuê đất ở xã ngoài, mở xưởng, trang thiết bị khá bề thế. Sản phẩm chủ lực trước đây là máy xát gạo, máy nghiền, bây giờ 70% sản lượng và doanh thu từ động cơ điện các loại. Thị trường tiêu thụ mạnh là các tỉnh phía Nam, đưa cả sang Lào, Campuchia các loại động cơ điện mang tên Toàn Phát, Việt Hưng...

Trên đồng ruộng Bình Giang mỗi mùa lại xuất hiện nhiều hơn những cỗ máy cày, máy cấy mang liên hợp gặt đập sơn màu đỏ tươi đưa về từ Nhật Bản. Chúng hiện đại, năng suất, dễ sử dụng mà lại rất bền. Chúng như lời khích lệ những tổ hợp cơ khí làng nghề Kẻ Sặt phải nâng tầm vươn lên trong trào lưu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các doanh nghiệp đầu đàn đang tiên phong mở hướng cho làng nghề. Từ chỗ sản phẩm và dịch vụ phổ biến ở phân khúc lắp ráp, gia công phù hợp với túi tiền và trình độ sử dụng của nông dân, họ đã chuyển sang phân khúc sản xuất cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ, liên kết liên doanh với các thương hiệu ở tầm quốc gia, quốc tế... Họ cũng là một nguồn lực hối thúc thị trấn Kẻ Sặt mở rộng về không gian, tạo thuận lợi hơn cho đầu tư phát triển. Do vậy, việc nâng cấp mở rộng đơn vị hành chính ở đây không chỉ là phép cộng đơn thuần về diện tích, dân số, mà có cơ sở từ nội lực.

Tôi nhận thấy Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt là một người gần gũi và tin cậy của giới doanh nghiệp ở đây. Qua trao đổi, tôi thấy sự thể hiện của tinh thần chính quyền đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần kiến tạo phát triển. Anh Hưng chia sẻ và tiên lượng về triển vọng của đội ngũ doanh nhân ở đây:

- Quy mô sản xuất ở Tráng Liệt chủ yếu vẫn là hộ kinh tế tư nhân. Một chủ hộ tư nhân giỏi sẽ trở thành chủ doanh nghiệp lớn. Một làng nghề với những doanh nhân giỏi, có khát vọng làm giàu rồi họ sẽ liên kết, hợp lực thành những tổng công ty, hay tập đoàn sản xuất đa ngành, kinh doanh nhiều lĩnh vực sau này...

Tôi thấy tâm đắc với sự tự tin của anh và nghĩ tới triển vọng rất có thể rồi đây thị trấn Kẻ Sặt sẽ vang danh là một công xưởng của tỉnh Hải Dương.


*****


Chưa thấy ở đâu như Kẻ Sặt, phố xá, nhà cửa chăng đèn kết hoa, kết sao lung linh sắc màu, hồ hởi không khí hội hè kéo dài từ lễ Thiên Chúa giáng sinh, qua Tết Nguyên đán sang rằm tháng giêng âm lịch. Cây thông Noel dựng trong nhà thờ Tết đến được thay bằng một cây đào lớn. Để đêm 30, sau Thánh lễ đón giao thừa, bà con giáo dân sẽ vây quanh hái lộc đầu xuân. Linh mục Bùi Văn Nhượng, cha xứ nhà thờ Kẻ Sặt cho biết: “Cây đào Tết Đinh Dậu này sẽ được gắn một nghìn lá lộc, mỗi lá đều ghi lời ban phúc lành, cũng là lời răn của Chúa...”.

Lạy chúa lòng thành, tôi đã gợi ý linh mục cho gửi thêm vào cây đào lộc của nhà thờ lời chúc mừng hạnh phúc và thịnh vượng đến với mọi nhà trong xứ Kẻ Sặt. Chắc hẳn đó cũng là ý Chúa?


 NGUYỄN PHÚC LAI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tráng Liệt cũng là Kẻ Sặt