Cuộc chiến chống "cát tặc" chưa bao giờ hết nóng, thậm chí còn ngày càng phức tạp. Ở những nơi cố gắng để bảo vệ từng tấc đất, bãi sông thì rất gian nan.
Chiến sĩ công an Thanh Hà thức trắng đêm làm nhiệm vụ tuần tra trên các tuyến sông
Rà đi soát lại
Cứ 17 giờ hằng ngày, khi giờ làm việc vừa kết thúc cũng là lúc những chiến sĩ của Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế - ma túy - môi trường (Công an huyện Thanh Hà) lại tất bật chuẩn bị cho nhiệm vụ tuần tra bắt "cắt tặc". Với họ, đây là công việc không có giờ bắt đầu, không rõ giờ kết thúc.
Trung tá Lê Thanh Tùng lý giải: "Các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi nên đơn vị không có lịch cụ thể để bảo đảm tính bất ngờ. Vì vậy, chúng tôi luôn phải trong tâm thế sẵn sàng, có thể được điều động đi bất cứ lúc nào. Sau khi được phân công nhiệm vụ, mỗi người sẽ đi theo một hướng để tránh sự chú ý vì thông qua nghiệp vụ, chúng tôi biết cát tặc đã thuê người canh gác tại cổng trụ sở Công an huyện. Nếu phát hiện lực lượng công an có động thái tổ chức tuần tra thì sẽ thông báo cho các tàu dừng khai thác".
Buổi tuần tra đêm 12.6 dường như vất vả hơn khi lực lượng Công an huyện vừa trắng đêm phá xong một vụ trọng án. Nhưng không vì thế các cán bộ, chiến sĩ quên đi nhiệm vụ chống khai thác cát trái phép. Chỉ cần 1 đêm trên các tuyến sông vắng tiếng động cơ của xuồng tuần tra thì "cát tặc" lại lộng hành. Sau khi đặt vấn đề và được lãnh đạo Công an huyện Thanh Hà đồng ý, chúng tôi theo 3 cán bộ, chiến sĩ tham gia vào chuyến tuần tra thâu đêm trên các tuyến sông chảy qua huyện Thanh Hà. Trước khi xuất phát, đại úy Nguyễn Tuấn Anh đưa ra "giao kèo": "Cả huyện có 74 km đường sông mà xuồng chỉ chạy được với tốc độ 25km/giờ nên phải mất khoảng 6 giờ mới có thể đi hết vòng. Đấy là thời gian đi tuần, còn nếu gặp tàu nghi vấn sẽ phải kiểm tra thì mất thời gian hơn. Anh em chỉ về khi hoàn thành nhiệm vụ hoặc gặp sự cố như trời mưa quá to, nên phóng viên không được đòi về giữa chừng và phải xác định tâm lý hết việc mới hết giờ".
Sự chủ động, quyết liệt của lực lượng chống “cát tặc” sẽ bảo đảm bình yên trên các tuyến sông
20 giờ, chiếc xuồng đặc chủng từ bờ sông Thái Bình đoạn qua xã Phượng Hoàng gằn lên từng tiếng trầm đục, khuấy bọt nước trắng xóa rồi lao vọt vào màn đêm tĩnh mịch. Ven bờ, những rặng vải thiều, vườn chuối um tùm im lìm in bóng xuống mặt sông. Đã có một thời, những rặng vải thiều ấy, những vườn chuối um tùm kia từng bao lần bị Hà Bá dọa nuốt chửng vì "cát tặc" hoành hành. Chiếc xuồng lao vun vút trên mặt sông lặng sóng như gương. Trong hành trình ấy là biết bao câu chuyện của cán bộ, chiến sĩ về những cuộc bắt "cát tặc" đầy khó khăn, gian khổ. Trước kia, các anh thường dựa vào nguồn tin của người dân nên tỷ lệ thành công không cao. Nguyên nhân do khi tổ chức được lực lượng xuống vây bắt thì tàu đã di chuyển sang địa phận khác hoặc mọi dấu vết không còn. Vì vậy, bây giờ ngoài tuần tra, các anh phải bố trí lực lượng mật phục ngay tại bãi sông để khi phát hiện tàu có dấu hiệu khai thác cát trái phép sẽ lập tức kiểm tra. Có những lần, khi biết chắc rằng trước mặt đang có tàu hút cát nhưng vì tiếng của động cơ xuồng nên các chủ tàu rút vòi lên khoang tháo chạy. Thành thử, việc tiếp cận các tàu hút cát trái phép chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Rút kinh nghiệm từ nhiều lần thất bại, bây giờ lực lượng công an tắt động cơ từ xa, để xuồng trôi theo quán tính. Hoặc các chủ tàu hàng giúp đỡ lực lượng công an bằng cách cho xuồng "núp bóng" đến sát tàu "cát tặc". Bằng các biện pháp đó, nhiều lần tổ công tác đã áp sát tàu nhưng các đối tượng khai thác cát không hề hay biết.
Bắt quả tang đã khó, xử lý tàu có hành vi khai thác cát trái phép lại càng khó hơn. Nếu chủ tàu hợp tác, lực lượng liên ngành tập hợp nhanh thì có thể giải quyết ngay trong đêm. Còn nếu chủ tàu ngoan cố hoặc bỏ lại tàu thì lại phải cắt cử người trông tàu nên rất vất vả. Chưa nói đến trường hợp thuyền viên đánh đắm tàu để chống đối thì giải quyết còn phức tạp hơn gấp bội.
Hiện tuyến sông Thái Bình qua các xã Thanh Hải, Phượng Hoàng là điểm nóng về khai thác cát trái phép ở huyện Thanh Hà. Vì vậy, sau khi rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng tại khu vực bãi soi Thanh Hải mất gần 2 giờ, tổ tuần tra mới chuyển hướng tới các vị trí khác. "Chúng tôi không được phép chủ quan, lơ là. Chỉ cần sao lãng là các đối tượng sẽ tranh thủ hoạt động. Có khi vừa đi khỏi chủ tàu sẽ đưa tàu ra hút trộm chớp nhoáng nên kể cả đã kiểm tra nhưng nếu thấy nghi vấn, chúng tôi vẫn quay lại xem xét cho yên tâm", đại úy Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Vượt khó
Kế hoạch bài bản, hành động quyết liệt là yếu tố quyết định để huyện Thanh Hà trở thành điểm sáng trong ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. Và để có được kết quả này, mỗi thành viên tham gia vào cuộc chiến chống "cát tặc" đều phải cố gắng khắc phục khó khăn, thậm chí dừng mọi công việc riêng nhằm phục vụ lợi ích chung.
Là thành viên trong lực lượng chống "cát tặc" đã hơn 3 năm nay, trung úy Phạm Khắc Kiều đã thấm thía được hết những vất vả trong quá trình đấu tranh, phòng chống khai thác cát trái phép. Trung úy Kiều chia sẻ: "Có những ngày, thời gian trên xuồng của chúng tôi còn nhiều hơn trên bờ. Công việc tuần tra thường kết thúc vào sáng sớm thì đó cũng là lúc chúng tôi bắt đầu chuẩn bị làm việc tại cơ quan. Công việc căng thẳng nên không tránh khỏi những lúc mệt mỏi. Vì thế, chúng tôi phải trải chiếu trên xuồng thay phiên nhau chợp mắt. Chỉ ngại nhất những ngày mưa gió hay giá rét, anh em đều ngấm mưa, thấm lạnh nhưng vẫn phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ".
Chòi canh tạm bợ ngoài bãi sông của lực lượng mật phục
Căn chòi canh gác sơ sài dựng tại bãi sông hoang vu là hình ảnh quen thuộc đối với những chiến sĩ được giao nhiệm vụ mật phục tại địa bàn. Nếu không đi tuần tra, trung úy Phạm Khắc Kiều sẽ có mặt tại bãi sông để trinh sát, thông tin tình hình kịp thời cho đồng đội. "Công việc mật phục không phải là một chốc, một lát mà kéo dài cả đêm, bởi không thể biết được cát tặc sẽ xuất hiện vào thời gian nào. Trong khi đó, chúng tôi phải làm việc với điều kiện thiếu thốn đủ bề. Bãi sông về đêm không có gì ngoài... muỗi", trung úy Kiều nói.
Ở Công an huyện Thanh Hà, trung úy Đỗ Ngọc Bình có tiếng là "tay lái lụa" nên được phân công nhiệm vụ lái xuồng. Mặt sông trống trải song điều khiển phương tiện này không dễ như nhiều người lầm tưởng, nhất là trong điều kiện ban đêm tầm nhìn hạn chế. Những ngày lặng gió, nước yên thì lái xuồng còn thuận lợi chứ khi nước động thì rất khó khăn, thậm chí còn nguy hiểm.
Qua thu nhập thông tin thì trên địa bàn huyện Thanh Hà hiện có khoảng 10 tàu sắt vẫn lén lút khai thác cát trái phép. Trong khi đó, phương tiện, con người phục vụ bắt giữ "cát tặc" còn thiếu thốn nên việc tuần tra, vây bắt không tránh khỏi bất lợi. Theo trung úy Đỗ Ngọc Bình, vì xuồng đã cũ nên chỉ khởi động máy cũng rất mất thời gian, còn chưa kể đến việc chết máy giữa dòng. Mọi sự cố về máy móc anh đều có thể khắc phục nhưng nếu xuồng bị mắc cạn thì rất khó xử lý. Thế nhưng tình huống này lại thường xuyên xảy ra nên anh và đồng đội mỗi khi gặp phải chỉ còn cách nhìn nhau cười rồi động viên nhau... bơi vào bờ.
Khi được hỏi sợ điều gì nhất khi tham gia bắt "cát tặc", đại úy Nguyễn Tuấn Anh tếu táo: "Không sợ vất vả, không sợ nguy hiểm chỉ sợ... bị vợ bỏ. Thời gian dành cho công việc quá nhiều khiến trách nhiệm với gia đình có lúc bị sao lãng. Có những tuần ở nhà với vợ con được 2 - 3 tối, nhưng có những tuần đi biền biệt, chỉ tranh thủ về chốc lát rồi lại đi". Anh nói vậy nhưng tôi thấy các anh không vì thế mà quyết tâm chống "cát tặc" bị lung lay. Tất cả mọi người đều cố gắng sắp xếp, khắc phục khó khăn để có thể làm tròn bổn phận với gia đình và công việc.
4 giờ sáng, các tuyến sông Thái Bình, sông Rạng, sông Văn Úc thật yên bình. Mặt sông lăn tăn ánh bạc mỗi lần các chuyến tàu hàng chậm chạp đi qua. Hết một ca tuần tra, các cán bộ, chiến sĩ lại chuẩn bị một ngày làm việc mới. Nhưng có thể ngay đêm nay, đêm mai... các anh lại được điều động lên đường để bảo vệ những rặng vải, vườn cây ven các dòng sông quê bốn mùa sum suê hoa trái.
CƯỜNG LAN
Từ đầu năm đến nay, huyện Thanh Hà đã bắt giữ 107 vụ khai thác cát trái phép, xử phạt hành chính 1,112 tỷ đồng. Qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng huyện đã xác định 2 điểm nóng về khai thác cát trái phép ở các xã Thanh Hải, Phượng Hoàng. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 10 tàu sắt, chủ tàu chủ yếu là người địa phương thường xuyên khai thác cát lén lút. |