Hội đồng xét xử đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của các cơ quan thẩm định và cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước vì đã không phát hiện ra sai phạm của DAB trong suốt thời gian dài.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ ''nhôm'') bị tòa tuyên án 17 năm tù còn bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng Giám đốc DAB) lãnh án tù chung thân.
Ngày 20.12, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh đã tuyên mức án 17 năm tù đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), tổng hợp hình phạt của bản án trước đó, bị cáo này bị tuyên tổng cộng 25 năm tù.
Bị cáo Trần Phương Bình bị tòa tuyên án chung thân cho hai tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Sai phạm và trách nhiệm của các bị cáo
HĐXX đánh giá bị cáo Trần Phương Bình là người chủ mưu, chỉ đạo các nhân viên dưới quyền và các công ty sân sau thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm nên phải chịu trách nhiệm hình sự lớn nhất đối với các hành vi này. Đồng thời, ông Bình cũng phải chịu trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại mà ông và các đồng phạm gây ra.
Đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ, HĐXX cho rằng Vũ là đồng phạm với bị cáo Trần Phương Bình chiếm đoạt 203 tỷ đồng nên phải chịu trách nhiệm số tiền trên.
Về số tiền 13,4 triệu USD, HĐXX cho rằng đây là dấu hiệu của một loại tội phạm khác nên cần thiết phải kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ. Đồng thời, tiền này cũng là vật chứng vụ án nên cần phải thu hồi theo quy định.
Đối với 90 tỷ đồng Vũ "nhôm" thiếu nợ ông Trần Phương Bình trong đợt mua cổ phần DAB, HĐXX đánh giá đây là số tiền mà bị cáo Bình có dấu hiệu chi tiền của DAB trái pháp luật nên cũng cần phải thu hồi.
HĐXX cho rằng trong quá trình điều tra và xét xử, Vũ "nhôm" không thành khẩn khai báo, lẽ ra cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất nhưng Vũ đã khắc phục toàn bộ hậu quả, nên cần phải xem xét giảm nhẹ mức hình phạt. Tuy vậy, HĐXX cho rằng hình phạt không thể thấp như mức 15 đến 17 năm tù mà Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị.
Bị cáo Nguyễn Hồng Ánh có dấu hiệu của tội chiếm đoạt tài sản nhưng do giới hạn việc xét xử nên tại phiên tòa này vẫn xét xử tội mà VKS đã truy tố là tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với nhóm các bị cáo là cán bộ nhân viên dưới quyền của Trần Phương Bình, do bị chỉ đạo, chỉ là người làm công ăn lương và không hưởng lợi gì từ các hành vi sai phạm của bị cáo Bình nên cần thiết phải xem xét khi lượng hình.
Các tố cáo của Vũ "nhôm" là không có cơ sở
Ngoài phần đánh giá về sai phạm của 26 bị cáo, HĐXX đã dành nhiều thời gian để đánh giá các khiếu nại, tố cáo và ý kiến tranh luận của bị cáo Phan Văn Anh Vũ và luật sư bào chữa cho Vũ.
HĐXX cho rằng các bị cáo Nguyễn Đức Vinh, Trần Phương Bình được giam tại các nơi khác nhau, không có chuyện thông cung giữa hai các bị cáo này. Nguyên nhân có sự giống nhau về lời khai là bởi hành vi diễn ra chỉ có một và lời khai của hai bị cáo này cũng chỉ có một.
Việc Vũ tố cáo bị kiểm sát viên mạt sát sỉ nhục là không có cơ sở, vì trong quá trình đối chất, kiểm sát viên chỉ nói hơi lớn so với bình thường chứ không mạt sát, sỉ nhục hay uy hiếp tinh thần đối với bị cáo Vũ. Ngoài ra, còn có lời khai của bị cáo Trần Phương Bình nên không có chuyện Vũ bị sỉ nhục và uy hiếp tinh thần trong buổi đối chất.
Trong phiên tòa, bị cáo Vũ cũng trình bày ngày 21.8.2018 khi đối chất thì điều tra viên có cho Vũ xem các lời khai của Trần Phương Bình, như vậy là một hình thức dụ cung bị cáo. Về ý này, HĐXX cho rằng khi đối chất thì có cho các bị cáo xem lại chứng từ vụ án, hoàn toàn không có chuyện cho bị cáo Vũ xem trước lời khai của bị cáo Bình.
Tại tòa, Vũ cũng cho rằng kể từ khi vụ án bị khởi tố đã làm rất nhiều đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan tố tụng nhưng không được trả lời. Về ý này, HĐXX cho rằng các đơn khiếu nại của Vũ đều quá thời hạn nên không thể xem xét. Riêng đơn đề nghị được nộp tiền khắc phục hậu quả thì đã được chấp nhận trong kết luận điều tra bổ sung.
Một số đơn khác của Vũ gửi đến cá nhân các vị lãnh đạo thì đây không phải là những người có thẩm quyền nên không thể trả lời cho Vũ.
Ngoài ra, HĐXX cho rằng các bị cáo khác, luật sư của các bị cáo khác, người có quyền và nghĩa vụ liên quan không ai khiếu nại về những người tiến hành tố tụng, cơ quan tố tụng nên hoạt động tố tụng trong vụ án này là hợp pháp.
Về ý kiến luật sư cho rằng toà đã cắt phần tranh luận, theo HĐXX, các vấn đề luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch đã nêu đều đã được tranh luận hai lần và không còn gì mới nên dành quyền cho luật sư nêu ý kiến bằng văn bản. Sau đó, luật sư đã có văn bản kiến nghị đề nghị đánh giá đầy đủ trong quá trình nghị án.
HĐXX chấp nhận toàn bộ kiến nghị của VKS đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của các cơ quan thẩm định và trách nhiệm của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước vì đã không phát hiện ra sai phạm của DAB trong suốt thời gian dài.
Đồng thời, HĐXX cũng buộc các bị cáo phải bồi thường cho DAB tuỳ vào hành vi sai phạm của từng người.
Ngoài mức án cho hai bị cáo Phan Văn Anh Vũ, Trần Phương Bình, HĐXX cũng đã tuyên các mức án 30 năm tù cho hai tội danh của bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến; 10 năm tù cho bị cáo Nguyễn Hồng Ánh. Các bị cáo còn lại chịu mức án từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 16 năm tù. |
Theo Tuổi trẻ