14 năm làm Trấn thủ Hải Dương, Trần Công Hiến rất quan tâm đến bảo tồn di sản văn hóa dân tộc nên đã cho xây dựng nhà in Hải Học đường. Ông cũng người chỉ huy xây dựng Thành Đông xưa.
|
Trần Công Hiến là người chỉ huy xây dựng Thành Đông
|
Trấn Công Hiến, nguyên quán ở huyện Gia Phúc, theo chúa Nguyễn vào Nam, trú quán ở làng Trương Nghĩa (Quảng Ngãi). Ông xuất thân trong một gia đình nho học, thuở nhỏ theo đòi bút nghiên, nhưng khi trưởng thành lại theo nghề võ. Trần Công Hiến làm võ tướng thời Nguyễn Phúc Ánh, lập nhiều công trạng, được phong làm Trung quân chính thống hậu đồn, kiêm lý Ngũ đồn rồi Khâm sai chưởng cơ, Trấn thủ ở Hải Dương; tước Ân Quang hầu. Ông là một nhân vật quan trọng trong bộ tham mưu quân sự của Nguyễn Ánh.
Trong 14 năm làm Trấn thủ Hải Dương, Trần Công Hiến không những quan tâm đến đời sống dân chúng mà còn rất chú ý đến giáo dục, thi cử, biên thuật và trước tác. Ông tập hợp được một số người cùng quan tâm đến di sản văn hóa dân tộc như Đốc học Trung Chính Bá, Trợ giáo Thời Đức Nam... xây dựng nhà in "Hải Học đường" qui mô bề thế với nhiều ấn phẩm có chất lượng học thuật cao. Có thể nói, họ là những người góp phần đặt nền tảng cần thiết cho công việc phát triển giáo dục Nho vương triều Nguyễn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước.
Nhắc đến các ấn phẩm của Hải Học đường không thể không nhắc đến "Hải Dương phong vật chí" của Trần Công Hiến. Sách ghi chép tỉ mỉ về vùng đất văn hiến Hải Dương, từ núi sông, đường sá, nhân vật, phong tục, thổ nghi đến bách công kỹ nghệ đều được khảo cứu cẩn thận, mô tả kỹ càng. Nội dung này còn được diễn ca thành "Hải Dương phong vật khúc".
Những ấn phẩm của Hải Học đường đều thể hiện tấm lòng yêu tha thiết văn học, văn hóa dân tộc, qua đó khẳng định vai trò của Hải Học đường trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX.
Trần Công Hiến cũng là người chỉ huy xây dựng Thành Đông theo kiệu Vô Băng của Pháp.
Ngày 12-9 năm Bính Tý (1816) ông mất tại nhiệm sở. Sau khi mất, dân làng Đôn Thư, huyện Gia Lộc tôn ông làm Thành hoàng.
(Tổng hợp)