Từ nhiều năm nay, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các Trạm Y tế (TYT) không được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Trạm Y tế xã Hồng Quang (Thanh Miện) đã xây dựng được lò đốt rác thải y tế nhưng chưa có công trình xử lý nước thải
Chưa được quan tâm
TYT xã Thanh Khê (Thanh Hà) được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2015 nhưng không có bất cứ công trình BVMT nào. Ông Đào Văn Túc, Trạm trưởng TYT xã Thanh Khê cho biết: "Rác thải y tế phát sinh hằng ngày như kim tiêm, bông gạc... được gom rồi đốt cùng với rác thải sinh hoạt. Nước thải y tế cũng không có hệ thống thu gom, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, do lượng người đến khám hằng ngày rất ít nên rác thải, nước thải phát sinh không nhiều. Việc xây dựng các công trình BVMT chưa thực sự cần thiết so với mua sắm trang thiết bị khám, chữa bệnh ban đầu".
Theo ông Nguyễn Văn Phê, Trưởng Phòng Y tế huyện Thanh Hà, các TYT hiện chưa có quy trình xử lý chất thải hoàn chỉnh. Vì vậy, rác thải rắn tại 25 TYT của huyện hiện vẫn được xử lý bằng hình thức đốt thông thường. Nước thải cũng chỉ được xử lý bằng cách lắng đọng trước khi xả ra môi trường. "Rác thải, nước thải y tế tại các TYT phát sinh không nhiều nên việc xây dựng, vận hành các công trình BVMT chưa thực sự cấp thiết", ông Phê khẳng định.
TYT xã Hồng Quang (Thanh Miện) cũng mới đưa vào sử dụng từ giữa năm 2017. Tuy nhiên, giống như nhiều TYT khác trong tỉnh, các công trình BVMT của trạm cũng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Ông Vũ Xuân Thiêm, Trạm trưởng TYT xã cho biết trạm đã xây được 1 lò đốt quy mô nhỏ, đủ khả năng xử lý lượng chất thải rắn phát sinh trong ngày. Còn nước thải vẫn xả ra hệ thống thoát nước chung của khu vực. Thời gian qua, lượng người đến khám tại trạm ít, chức năng chủ yếu hiện nay là các hoạt động y tế dự phòng. Rác thải chỉ phát sinh nhiều trong các đợt tiêm chủng, khả năng khuếch tán, lây lan bệnh dịch không cao. Tuy vậy vẫn cần mô hình xử lý rác thải y tế phù hợp để không làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Toàn tỉnh hiện có 265 TYT cấp xã với 1.060 giường bệnh. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, do đặc thù hoạt động của các TYT diễn ra theo đợt và hầu như không có các hoạt động giải phẫu nên lượng chất thải phát sinh không thường xuyên và không nhiều. Đến thời điểm này, các Trung tâm Y tế (TTYT) tuyến huyện quản lý các TYT cấp xã đều chưa lập đề án, kế hoạch, cam kết BVMT trong hoạt động khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế tại TTYT, TYT. Hiện mới chỉ có TTYT huyện Thanh Hà đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại và số lượng chất thải phát sinh của các TYT trên địa bàn huyện. Các TTYT tuyến huyện khác chưa thực hiện báo cáo, đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định.
Vẫn đang xây dựng quy chuẩn
Theo ông Nguyễn Văn Hanh, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Y tế), nước thải của các TYT chưa được thu gom, xử lý do chưa có quy chuẩn cụ thể về vấn đề này. Lượng chất thải rắn phát sinh ít nên hình thức xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp thông thường. Do kinh phí còn hạn hẹp nên ngân sách nhà nước tập trung vào mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng... Các công trình BVMT của các TYT chưa được đánh giá, quan tâm đúng mức. "Bộ Y tế đang xây dựng quy chuẩn chung cho hoạt động xử lý nước thải, chất thải tại các TYT. Khi có, hoạt động BVMT của các TYT sẽ bảo đảm hơn", ông Nguyễn Văn Hanh nói.
Dù lượng chất thải phát sinh tại các TYT không nhiều nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lây truyền dịch bệnh. Trước mắt, các TTYT cần xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, chuyển giao xử lý chất thải y tế của các TYT trên địa bàn theo đúng quy định. Bố trí kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các TYT để bảo đảm nước thải đạt quy chuẩn môi trường cho phép. Hoàn thiện việc lập đề án thu gom, xử lý nước thải y tế, bảo đảm chất thải phát sinh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các TYT được xử lý triệt để, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
VỊ THỦY