Trầm lắng thị trường bất động sản

17/07/2011 08:12

Chính sách siết chặt tín dụng của Nhà nước khiến thị trường bất động sản trở nên ảm đạm, giá đất liên tục đi xuống: khu đô thị mới phía tây TP Hải Dương giảm từ 10-15%, đất khu dân cư cũng giảm từ 5-10%...



Đất khu biệt thự cao cấp Đỉnh Long (TP Hải Dương) giảm từ 13-14 triệu đồng/m2
 xuống còn 11-12 triệu đồng/m2


“Trầm lắng” có lẽ là từ mà anh Hà Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Bất động sản (BĐS) Bảo Tín (TP Hải Dương) nghe nhiều và cũng không muốn nghe nhiều nhất trong những tháng gần đây. Đối với những người kinh doanh BĐS như anh, thị trường “trầm lắng” đồng nghĩa với các giao dịch bị đình trệ, hàng hoá ứ đọng và việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Anh Dũng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS Hải Dương bắt đầu có dấu hiệu trầm lắng, đặc biệt từ khi Chính phủ thực hiện các biện pháp siết chặt tiền tệ, các ngân hàng thương mại dừng mọi hoạt động cho vay BĐS, kể cả cho vay các dự án cũng như vay tiêu dùng của người dân. Hệ quả là lượng giao dịch thành công tại trung tâm của chúng tôi giảm rõ rệt. Thời điểm trước Tết, một văn phòng của chúng tôi cũng giao dịch thành công từ 10 - 12 trường hợp mỗi tháng. Nhưng từ giữa tháng 2 trở lại đây, mỗi tháng một văn phòng chỉ giao dịch thành công 2 - 3 trường hợp”. Không chỉ lượng giao dịch giảm, giá đất cũng liên tục đi xuống. Theo anh Dũng, giá đất thuộc khu đô thị mới phía tây TP Hải Dương giảm từ 10 - 15%, đất lẻ trong các khu dân cư cũng giảm từ 5 - 10%. Cụ thể, đất các lô 1, 2, 3 thuộc khu biệt thự cao cấp Đỉnh Long trước có giá từ 13 - 14 triệu đồng/m2 nay giảm còn 11 - 12 triệu đồng/m2; đất khu Vạn Lộc giảm từ 15 - 16 triệu đồng/m2 xuống còn 14 triệu đồng/m2, hay đất khu An Phú mỗi lô cũng giảm trên 100 triệu đồng so với trước...

Tại Sàn giao dịch BĐS Hải Dương, lượng khách đến hỏi mua cũng giảm rõ rệt. Ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP Địa ốc Việt Tiên Sơn cho biết: “Từ đầu tháng 3, thị trường đất bắt đầu có dấu hiệu chững lại và thực sự khó khăn trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Lượng khách đến rao bán khá đông, nhưng hầu như không có khách hỏi mua. Không kể đất dự án, từ đầu năm đến nay chúng tôi chưa giao dịch thành công một trường hợp nào thuộc diện đất lẻ trong dân, mặc dù việc đăng thông tin tại sàn hoàn toàn miễn phí. Thậm chí, chúng tôi sẵn sàng chắp mối để người bán và người mua có thể giao dịch trực tiếp, nhưng lượng giao dịch thành công hầu như không có”.

Lý giải cho sức mua giảm, ông Trương Thanh Sơn cho rằng, chính sách siết chặt tín dụng của Nhà nước là nguyên nhân chính khiến thị trường BĐS đứng im trong thời gian qua. Đây là hệ quả tất yếu của chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Việc giảm cung tiền cho thị trường bằng cách nâng lãi suất cho vay để thu tiền trở lại các ngân hàng là biện pháp thường dùng khi lạm phát tăng, nhưng biện pháp này lại trái với nhu cầu vốn của thị trường BĐS. Không tiếp cận được nguồn vốn khiến cả nhà đầu tư và người có nhu cầu thực sự cũng gặp khó khăn. Một vài năm trước, đầu tư vào BĐS là kênh làm giàu nhanh nhất, nên mọi người đua nhau buôn bán, kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, khi chính sách tiền tệ được thắt chặt, cộng với lãi suất ngân hàng tăng cao, nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh thua lỗ nặng, nhất là những nhà đầu tư “lướt sóng”. Khi không thể chịu được sức ép lãi suất, nhiều người muốn bán bớt để thu hồi vốn, thậm chí chấp nhận lỗ nhẹ. Nhưng bán được đất trong thời điểm này cũng không phải đơn giản, bởi những người có nhu cầu nhưng lại không thể tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Anh Vũ Kim Hoàng, phường Tân Kim (TP Hải Dương) cho biết: “Vừa rồi, tôi định mua mảnh đất khoảng 1,1 tỷ đồng, nhưng còn thiếu 300 triệu đồng nữa. Khi ra ngân hàng, tôi mới biết mình không được vay vì quy định của Chính phủ hạn chế cho vay BĐS. Không biết xoay đâu số tiền lớn như vậy, tôi đành gửi tiền vào ngân hàng chờ xem diễn biến của thị trường rồi tính tiếp.” Không có nhiều giao dịch thành công, nhiều văn phòng BĐS phải đóng cửa do không kham nổi chi phí thuê địa điểm, nhân công và nhiều chi phí phát sinh. Hiện tại, địa bàn TP Hải Dương có khoảng trên 100 văn phòng giao dịch BĐS. Tuy nhiên, do thị trường trầm lắng nên 1/3 trong số đó đã phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.

Ông Nguyễn Xuân Quân, Phó phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng) cho rằng thị trường BĐS trầm lắng là tất yếu khi Nhà nước chủ trương siết chặt dòng tiền đổ vào thị trường này. Bên cạnh đó, trước đây các đối tượng môi giới, cò mồi đã góp phần đẩy giá BĐS lên quá cao, không đúng với giá trị thực tế. Những người có nhu cầu thực không thể kham nổi mức giá đó. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư "lướt sóng" đang phải chịu áp lực của thị trường, khả năng chịu rủi ro rất lớn.

Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, thời gian trước mắt, thị trường BĐS có thay đổi theo hướng tích cực hay không còn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Nếu chính sách tín dụng vẫn còn thắt chặt, cộng với lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, thị trường BĐS chắc chắn sẽ vẫn trong tình trạng “đóng băng”.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Trầm lắng thị trường bất động sản