Cần tìm hiểu mỗi người được đặc xá để biết họ đã học được việc gì trong khi cải tạo lao động và nguyện vọng làm việc gì khi trở về...
Ngày 28-8, Văn phòng Chủ tịch nước đã thông báo quyết định đặc xá năm 2015 của Chủ tịch nước cho những phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và những người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện được đặc xá theo quy định của pháp luật. Năm nay, 18.298 phạm nhân được đặc xá là con số lớn thứ 2 kể từ khi Luật Đặc xá ra đời vào năm 2007. Nhiều phạm nhân đang mong chờ đến thời điểm trở lại làm người tự do và đoàn tụ với gia đình.
Để bảo đảm quá trình xét duyệt phạm nhân hưởng đặc xá diễn ra khách quan, công bằng và đúng đối tượng, nguyên tắc quan trọng nhất trong những điều kiện xem xét là sau khi được đặc xá, các phạm nhân ra tù sẽ không gây phương hại đến an ninh trật tự và an toàn xã hội. Với chính sách khoan hồng của Nhà nước, những phạm nhân đã cải tạo tốt trong các trại giam, trại tạm giam được đặc xá về đoàn tụ với gia đình trong dịp lễ trọng đại của đất nước. Niềm vui đoàn tụ ấy sẽ được nhân lên khi cộng đồng và gia đình dang tay giúp đỡ để họ mau chóng hoàn lương, hòa nhập. Trách nhiệm đó đặt ra với các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể, nhất là ở nơi cư trú của người đặc xá.
Ông cha ta có câu "đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại” mang đầy ý nghĩa nhân văn, lòng vị tha. Người đặc xá về mang niềm vui đoàn tụ, nhưng vẫn có người còn mặc cảm với ngay cả người thân. Nắm bắt tâm lý đó nên các tổ chức đoàn thể cần phối hợp với gia đình làm tốt công tác giáo dục ngay từ đầu, bình thường hóa các mối quan hệ, không phân biệt đối xử, vì họ đã được trả lại quyền công dân. Sau đó là trách nhiệm hỗ trợ họ có việc làm. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, vì ai cũng biết “nhàn cư vi bất thiện”. Cần tìm hiểu mỗi người được đặc xá để biết họ đã học được việc gì trong khi cải tạo lao động và nguyện vọng làm việc gì khi trở về. Ai cần vốn thì ngân hàng cho vay vốn, ai chưa có nghề thì đào tạo, giúp đỡ, cầm tay chỉ việc. Chỉ có chuyên tâm lao động mới giúp họ quên đi quá khứ tội lỗi, hướng về tương lai, tạo lập được chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng. Từ đó họ không muốn và không thể “ngựa quen đường cũ”.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm công việc cho những người vừa được đặc xá sẽ không tránh khỏi những khó khăn, nhất là thủ tục vay vốn, xây dựng cơ sở hành nghề. Vì vậy, chính quyền các địa phương, các ngành, người có thẩm quyền cần nâng cao trách nhiệm và tấm lòng bao dung, nhân hậu để giúp đỡ họ… Một trong những biện pháp giáo dục có hiệu quả cao là nêu gương những người ở địa phương hoặc trên báo chí được đặc xá từ những đợt trước, nay đã hoàn lương, có người thành đạt, không những làm ăn khá giả mà còn tạo điều kiện giúp đỡ những người mới tái hòa nhập cộng đồng. Những người thực, việc thực đó sẽ có tác dụng thuyết phục người đặc xá về và cho họ những bài học bổ ích…
Trước đợt đặc xá này, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các cấp chính quyền phối hợp với MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế… thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù cũng như người được đặc xá. Đó cũng là trách nhiệm giáo dục, tiếp tục giúp đỡ những người có một thời lầm lỗi mau chóng trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
NGUYỄN THẾ (TP Hải Dương)