Doanh nghiệp phải chi trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương nếu trả lương cho người lao động qua thẻ ATM.
Khoản 2 Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
Như vậy, theo quy định trên thì từ năm 2021, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải chi trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương cho người lao động nếu người sử dụng lao động trả lương cho người lao động qua tài khoản cá nhân của người lao động mở tại ngân hàng.
(Hiện hành, Bộ luật Lao động 2012 quy định các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận với nhau).
Ngoài ra, theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì khi trả lương, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động; trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày;
Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Theo Người lao động