TPP - Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp dệt may

10/10/2015 07:43

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sẽ tạo cơ hội bứt phá mạnh mẽ nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp dệt may...




Hiệp định TPP mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty CP May Hải Anh


Sự kiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thỏa thuận sau 5 năm Việt Nam kiên trì đàm phán đã mở ra cơ hội bứt phá cho nhiều doanh nghiệp dệt may trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh.

Cơ hội bứt phá

Theo lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), TPP sẽ mở ra cơ hội bứt phá cho rất nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp dệt may. Hiện tại, toàn tỉnh có trên 600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, trong đó khoảng 60 doanh nghiệp FDI. Hết tháng 9-2015, giá trị xuất khẩu của hàng dệt may tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014, giữ vị thế là một trong những ngành kinh tế chủ lực, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động địa phương. Thị trường chính cho các sản phẩm của các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh là Mỹ, Nhật Bản, Canada, EU, Hàn Quốc... Trong số những quốc gia này, Nhật Bản, Mỹ và Canada là những thị trường lớn và cũng là các nước thành viên tham gia hiệp định. Hiện tại, thuế suất vào các thị trường này đạt từ 16-17%. Với việc thuế suất còn 0%, các sản phẩm may mặc sẽ có giá thành hạ, tạo nên sức cạnh tranh lớn so với các mặt hàng cùng loại của các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, khi TPP có hiệu lực, công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may cũng có cơ hội phát triển vì các doanh nghiệp dệt may cần ưu tiên nguyên liệu sản xuất trong nước nếu muốn được hưởng quy định thuế suất như hiệp định đã quy định. Ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Dương cho rằng TPP sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là các doanh nghiệp dệt may, giầy da khi tham gia vào các thị trường đầy tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Úc… Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không tham gia trực tiếp nhưng sẽ trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi liên kết này. Cơ hội cho ngành công nghiệp phụ trợ sẽ trở nên rõ ràng hơn do những ràng buộc trong quy định của TPP.

Theo ông An Quốc Định, Tổng quản lý Công ty TNHH Shints BVT, doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, TPP sẽ đem đến cơ hội cho sản phẩm của công ty tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ ở Mỹ và một số nước thành viên tham gia hiệp định. Hiện tại, sản phẩm chủ lực của công ty là quần áo thể thao các loại, đang được tiêu thụ tại thị trường Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Việc thị trường Mỹ, Nhật Bản áp thuế còn 0% đối với mặt hàng dệt may buộc lãnh đạo công ty phải tính đến phương án đẩy mạnh tiêu thụ ở các thị trường này. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng các ưu đãi khi gia nhập TPP rất khắt khe. Vì vậy, lãnh đạo công ty tiếp tục duy trì chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động nhằm giữ uy tín với đối tác làm cơ sở để sản phẩm của công ty tiếp cận được với thị trường các nước thành viên TPP.

Ông Phạm Trung The, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP May Hải Anh (Bình Giang) cho biết: "Công ty chuyên gia công sản phẩm may mặc như đồ bơi, quần áo dệt kim cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada, Đài Loan và Hàn Quốc. Là doanh nghiệp tư nhân thành lập muộn, lại chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ về lao động và thị trường tiêu thụ sản phẩm từ các doanh nghiệp FDI, buộc công ty phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc để giữ chân người lao động. Do tạo được uy tín đối với đối tác nên từ khi thành lập đến nay, sản phẩm của công ty luôn nhận được sự tín nhiệm của khách hàng, sản lượng tiêu thụ tăng đều hằng năm". Cũng theo ông The, với việc TPP được ký kết, sản phẩm của công ty có giá thành hạ hơn, tính cạnh tranh cao hơn so với các sản phẩm của các nước không phải là thành viên của TPP. Công ty đang xây dựng kế hoạch tiếp cận với đối tác để xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang thị trường Mỹ, Canada, giảm dần việc gia công cho các doanh nghiệp khác.



Sản phẩm của Công ty TNHH Shints BVT đang được tiêu thụ tại Mỹ, một trong những nước thành viên TPP


Thách thức lớn


Tham gia TPP đem lại nhiều cơ hội phát triển là điều doanh nghiệp nào cũng nhận thấy. Tuy nhiên, TPP cũng mang đến những thách thức không hề nhỏ, buộc các doanh nghiệp phải thực sự nỗ lực nếu không muốn bị đào thải. Theo quy định của TPP, các doanh nghiệp dệt may phải tuân thủ quy tắc xuất xứ. Theo đó, một sản phẩm may mặc muốn được hưởng các chế độ ưu đãi phải sử dụng nguyên liệu được sản xuất ở các nước thuộc khối TPP. Tuy nhiên, từ trước đến nay phần lớn nguyên liệu của ngành may mặc nước ta đều nhập từ Trung Quốc, Đài Loan và một số nước ASEAN do ưu thế về giá rẻ (chiếm 60-90%). Theo quy định của TPP, các doanh nghiệp phải chuyển hướng sang nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập từ các nước thành viên TPP. Nhưng theo ông Phạm Trung The thì không phải lúc nào nguồn cung trong nước hoặc các nước thành viên TPP cũng đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chủ động nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thuộc khối TPP để tăng giá trị gia tăng, đáp ứng được yêu cầu của các nước thuộc khối. Không chỉ khó khăn trong việc bảo đảm quy định xuất xứ sản phẩm, các doanh nghiệp dệt may còn đứng trước khó khăn trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm chế độ cho người lao động...

Còn theo lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp dệt may có vốn trong nước là trình độ quản trị doanh nghiệp, nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất yếu kém khiến hàng hóa không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, những doanh nghiệp FDI với nguồn vốn lớn, trình độ kỹ thuật cao, khả năng quản trị tốt sẽ là những doanh nghiệp được lợi nhiều nhất khi TPP có hiệu lực. Nếu những doanh nghiệp nhỏ và vừa không tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ gặp bất lợi khi tham gia thị trường. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mãi chỉ là người đi gia công, lợi nhuận thu được rất thấp. Trên địa bàn tỉnh, mặc dù số lượng doanh nghiệp dệt may có vốn trong nước áp đảo, nhưng năng lực quản trị điều hành, nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất, thị trường tiêu thụ… lại kém xa so với doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dệt may (kể cả doanh nghiệp có vốn trong nước lẫn doanh nghiệp FDI) vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc cải thiện điều kiện lao động, môi trường làm việc và các chế độ phúc lợi cho người lao động. Đây lại là điều kiện quan trọng trong TPP, nếu không bắt tay giải quyết ngay, vấn đề này sẽ trở thành rào cản, các doanh nghiệp khó tiếp cận các ưu đãi về thuế quan khi TPP chính thức đi vào vận hành.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TPP - Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp dệt may