TP Hải Dương: Gỡ "nút thắt cổ chai" chống úng ngập

22/03/2017 06:23

Nạo vét, mở rộng kênh T2 và xây dựng trạm bơm Bình Lâu là giải pháp khả thi nhất hiện nay để giải quyết bài toán chống ngập úng cho gần 500 ha khu vực nội thành TP Hải Dương.



"Nút thắt cổ chai" trên kênh T2 sẽ được mở rộng bằng cống hộp


Để thực hiện dự án, ngoài sự quan tâm của các cấp, các ngành, đòi hỏi nhân dân phải đồng thuận cao trong giải phóng mặt bằng (GPMB).

Kênh T2 có chức năng tiêu thoát nước cho gần 500 ha khu vực nội thành với các tuyến phố chính như Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thị Duệ, Phạm Ngũ Lão, Lê Thanh Nghị... Hàng chục năm nay, một số hộ dân xây dựng công trình lấn chiếm, đoạn cuối con kênh bị thu hẹp như "nút thắt cổ chai" nên việc tiêu thoát nước gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa bão. Tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường kéo dài khiến nhân dân bức xúc.

Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, Dự án nạo vét, mở rộng kênh T2 và xây dựng trạm bơm Bình Lâu được triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2016-2017) tiến hành nạo vét, mở rộng kênh T2; giai  đoạn 2 (năm 2017-2018) xây dựng trạm bơm Bình Lâu. Tổng mức đầu tư dự án gần 72 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, còn lại là ngân sách thành phố. Đến nay, UBND TP Hải Dương (chủ đầu tư) đã xây dựng 18 gói thầu và đang triển khai gói thầu thứ nhất gồm khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán hạng mục xây dựng. UBND thành phố đã phối hợp với Trung tâm Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) tiến hành khảo sát các hộ dân liên quan đến việc mở rộng lòng kênh T2 đoạn từ "nút thắt cổ chai" đến đường Trường Chinh.

Để hạn chế tối đa việc GPMB, Sở Xây dựng đã thẩm định và phê duyệt hồ sơ dự án do Công ty TNHH một thành viên Tư vấn xây dựng 30-10 lập. Theo đó, đoạn "nút thắt cổ chai" sẽ được mở rộng bằng cách xây dựng cống hộp đôi gồm 2 khoang có độ rộng lòng cống tương ứng độ rộng lòng kênh là 7 m, chiều dài khoảng 106,7 m. Cống hộp này không nằm đúng vị trí "nút thắt cổ chai" mà lệch sang phía đường Nhữ Đình Hiền (phường Tân Bình). Do đó một đoạn đường Nhữ Đình Hiền sẽ nằm trên mặt cống; kênh T2 sẽ không chạy thẳng mà vẫn uốn cong. Với phương án này, sẽ có khoảng 6 hộ dân thuộc phường Lê Thanh Nghị và 13 hộ thuộc phường Tân Bình phải GPMB. Tuy nhiên, diện tích GPMB chủ yếu là tường bao và mép sân. Theo ông Vũ Quang Bình, Trưởng khu dân cư số 12, phường Thanh Bình, đa số các hộ thuộc diện GPMB đều đồng tình với chủ trương của tỉnh, thành phố và mong dự án sớm triển khai. Riêng hộ bà Nguyễn Thị Lý (ở số nhà 108, khu 14, phường Tân Bình) có diện tích GPMB lớn kiến nghị: “Gia đình tôi nghèo, nhà lại chỉ rộng 60 m2 nhưng phải GPMB 12,7 m2. Tôi mong Nhà nước quan tâm ưu tiên hỗ trợ”.

Đến nay, UBND TP Hải Dương đã thành lập Hội đồng GPMB. Theo dự toán, kinh phí GPMB 2 giai đoạn khoảng 3 tỷ đồng. Để dự án nhanh chóng được triển khai cần sự đồng thuận cao của các hộ dân trong diện phải GPMB và các hộ thuộc diện mượn đất để thi công dự án.

Được biết, xây dựng mới trạm bơm Bình Lâu sẽ không cần GPMB do sử dụng đất ngay trên cốt nền cũ. Trạm bơm mới gồm nhà trạm 3 tầng, 4 gian; hệ thống bể xả; cống xả qua đê. Tổng công suất của trạm bơm mới khoảng 28.000 m3/giờ, quy mô 3 tổ máy. Do không phải GPMB nên xây dựng trạm bơm Bình Lâu chỉ cần bảo đảm nguồn kinh phí và năng lực của đơn vị thi công sẽ triển khai đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Cao Cường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng cơ bản TP Hải Dương cho biết để giải bài toán úng ngập cho thành phố, ngoài nạo vét, mở rộng kênh T2 và xây dựng trạm bơm Bình Lâu thì cần nâng cấp, cải tạo đồng bộ các cống nhánh đổ vào kênh T2. Vì vậy, rất cần sự đồng thuận cao của người dân. Thời gian tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản thành phố sẽ tích cực triển khai từng công việc cụ thể để dự án chống úng ngập cho thành phố có thể hoàn thành sớm nhất.

THÚY HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hải Dương: Gỡ "nút thắt cổ chai" chống úng ngập